Dạy cách ứng phó khi xảy ra động đất

GD&TĐ - Để học sinh biết cách bảo vệ bản thân khi xảy ra động đất, các trường tại huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) tuyên truyền và đặt ra các tình huống cho các em xử lý.

Thông qua giờ học trên lớp giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên hướng dẫn học sinh ứng phó với động đất.
Thông qua giờ học trên lớp giáo viên Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên hướng dẫn học sinh ứng phó với động đất.

Bên cạnh đó, ngành Giáo dục cũng động viên để giáo viên yên tâm công tác, tránh hoang mang, lo sợ.

Ổn định tư tưởng

Khi trận động đất lớn nhất từ trước đến nay xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) vào ngày 18/4, cô Hồ Thị Thu Hà, giáo viên điểm trường Đăk Púk – Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Nên (xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) đang nghỉ trưa. Thấy nhà cửa rung lên, cô Hà bật dậy rời khỏi giường. Sau gần 20 giây, cơn dư chấn đi qua, mọi thứ trở lại bình thường, cô Hà mới tự trấn an và bình tâm trở lại.

Cô Hà kể: Vào năm học 2020 - 2021, cô cảm nhận được sự rung, lắc do ảnh hưởng của động đất. Tuy nhiên, chỉ lác đác vài dư chấn nhẹ. Tuy nhiên, từ đầu năm học 2021 - 2022 các trận động đất dày đặc hơn và độ rung ngày càng mạnh. Đặc biệt, động đất thường xuất hiện vào buổi trưa, tối hoặc rạng sáng.

“Có hôm động đất xảy ra vào lúc các em đang học trên lớp. Thấy phòng học rung, một số em la lớn: “Động đất! Động đất!”. Khi đó, tôi động viên, trấn an các em ngồi yên tại chỗ chờ dư chấn đi qua”, cô Hà tâm sự.

Theo cô Hà, động đất xảy ra trên địa bàn với tần suất ngày càng dày đặc nên thông qua những bài dạy trên lớp cô cũng giáo dục, hướng dẫn học sinh cách ứng phó khi xuất hiện những biến động bất thường.

“Để bảo đảm an toàn cho học sinh, tôi hướng dẫn các em khi thấy nhà cửa rung lắc mạnh, đồ đạc rơi xuống thì phải chạy thật nhanh ra khu vực trống, không có đồi núi hay cây cối, trụ điện cao thế... Trong tình huống khẩn cấp không kịp chạy thì các em có thể chui xuống gầm bàn, lấy cặp che lên phần đầu. Đặc biệt không được ở trong nhà một mình và tránh núp ở những khu vực có đồ đạc nặng. Khi tình huống xấu xảy ra phải kêu cứu, nhờ sự trợ giúp của người lớn…”, cô Hà chia sẻ.

Tập huấn ứng phó với động đất

Khoảng 1 năm nay, Trường PTDT bán trú Tiểu học Đăk Ring (xã Đăk Ring, huyện Kon Plông) liên tiếp chịu ảnh hưởng bởi các trận động đất.

Theo thầy Nguyễn Văn Diện, Hiệu trưởng nhà trường, trước kia những trận động đất xảy ra rải rác trong ngày. Mỗi khi động đất, các phòng học, khu bán trú rung lên theo từng đợt. Lúc đầu, giáo viên và học sinh vô cùng lo lắng. Tuy nhiên, nhà trường cũng động viên, tuyên truyền để giáo viên ổn định tư tưởng, yên tâm giảng dạy.

Thầy Diện cho biết, thông qua các tiết học hoặc buổi sinh hoạt ngoại khoá nhà trường tuyên truyền, hướng dẫn học sinh cách ứng phó với động đất, bão lũ và sạt lở.

“Học sinh nơi đây học tập và ở lại trường từ thứ 2 đến thứ 6. Do đó, nhà trường nhắc nhở giáo viên phải thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh cách ứng phó với động đất. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức các buổi tập huấn, cho học sinh tham gia xử lý tình huống, như: Động đất bất ngờ xảy ra, bạn bè bị thương do động đất... Từ đó, giúp các em biết cách ứng phó, xử lý khi trên địa bàn xuất hiện động đất mạnh”, thầy Diện tâm sự.

Thầy Võ Xuân Tựu, Phó Phòng GD&ĐT huyện Kon Plông (tỉnh Kon Tum) cho biết, để bảo đảm an toàn cho học sinh và giáo viên Phòng đã có văn bản chỉ đạo các trường chuẩn bị các phương án ứng phó với động đất, sạt lở.

“Phòng đã chỉ đạo các trường thông qua giờ học trên lớp, hoạt động ngoại khoá để giáo dục, hướng dẫn học sinh cách ứng phó, xử lý tình huống khi xảy ra động đất. Bên cạnh đó, năm học vừa qua, một số trường cũng tổ chức diễn tập ứng phó với động đất, bão lũ. Ngoài ra, đơn vị cũng tuyên truyền, động viên để ổn định tinh thần giáo viên, học sinh. Qua đó giúp thầy cô yên tâm công tác”, thầy Tựu nói.

Cũng theo thầy Tựu, để bảo đảm an toàn cho giáo viên và học sinh, Phòng GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường kiểm tra, rà soát lại cơ sở vật chất. Nếu phát hiện phòng học, chỗ ở bán trú bị nứt, không đảm bảo an toàn phải có biện pháp khắc phục xử lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.