Năm nay, các hoạt động hưởng ứng được tổ chức trên phạm vi cả nước với thông điệp “Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại”.
Tại họp báo, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UB ATGT Quốc gia, kêu gọi mỗi người dân dành một phút để tưởng niệm những nạn nhân TNGT ở Việt Nam và trên toàn thế giới.
Ông Hùng nhấn mạnh, TNGT gây ra những thiệt hại lớn về kinh tế, xã hội. Điều đau lòng nhất là TNGT cướp đi sinh mệnh của rất nhiều người, đẩy không biết bao nhiêu gia đình vào hoàn cảnh khó khăn.
UB ATGT quốc gia nhận định hiện TNGT vẫn đang là vấn đề bức xúc, thách thức toàn cầu. Mỗi năm có đến 1,3 triệu người chết, 50 triệu người bị thương, thiệt hại 2% tổng thể GDP (hơn 1.500 tỉ USD) trên thế giới.
Quang cảnh buổi họp báo. |
Tại Việt Nam, mỗi ngày khoảng hơn 20 người ra đường và vĩnh viễn không trở về nhà. Trong 10 tháng năm 2019, cả nước xảy ra 14.251 vụ TNGT, làm chết 6.318 người, bị thương 10.873 người.
Riêng tại TP.HCM, 10 tháng năm 2019, TNGT giảm cả 3 mặt so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, trên địa bàn xảy ra 2.605 vụ TNGT (giảm 12,3%) làm chết 531 người (giảm 5,68%), làm bị thương 1975 người (giảm 3,3%).
Theo ông Khuất Việt Hùng những năm gần đây, các cơ quan nhà nước, chính quyền nỗ lực tổ chức các chiến dịch tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức người dân, chế tài bằng pháp luật nghiêm minh, cải tạo hạ tầng giao thông nhằm kéo giảm TNGT.
Tuy nhiên, muốn cải thiện vấn đề này, mỗi người dân phải tự ý thức chấp hành, cùng chung tay xây dựng giao thông an toàn, văn minh. Với nhiều giải pháp đồng bộ của Chính phủ và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội, tình hình TNGT trong thời gian tới sẽ có nhiều chuyển biến, giảm thiểu tử vong và thương tích do va chạm giao thông gây ra.
Trong sự kiện, UB ATGT Quốc gia cũng công bố hàng loạt kế hoạch, hoạt động tưởng niệm nạn nhân TNGT.
Cụ thể, UB ATGT Quốc gia phối hợp với Bộ GD&ĐT chỉ đạo các trường ĐH, CĐ, THCN, các trường THPT, THCS trên cả nước tổ chức các hoạt động tuyên truyền, các diễn đàn,đối thoại trong các nhà trường về nguy cơ, hậu quả TNGT; các biện pháp phòng tránh TNGT cho HS-SV, nhất là phòng tránh tai nạn xe mô tô, xe máy, xe đạp điện.
Chỉ đạo các Sở GD&ĐT yêu cầu các trường THPT, dành 1 phút tưởng niệm và đọc thông điệp tưởng niệm nạn nhân TNGT vào lễ chào cờ và hệ thống phát thanh của trường… UB ATGT Quốc gia và Ban ATGT các địa phương cũng cùng các quỹ, tổ chức đoàn thể khác đi thăm hỏi, động viên các gia đình nạn nhân...
Ngoài ra, Ban ATGT các địa phương cũng phối hợp với Giáo hội Phật giáo tổ chức Lễ cầu siêu nạn nhân tử vong do TNGT.
Hoạt động chính năm nay là Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do TNGT diễn ra lúc 7h30 Chủ nhật ngày 17/11 tại đường Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM.
Năm 1993, Tổ chức Hoà bình Đường bộ (Road Peace) đã khởi xướng "Ngày Thế giới tưởng nhớ các nạn nhân TNGT đường bộ".
Ngày 27/10/2005, Liên Hiệp Quốc đã chính thức công nhận và chọn ngày Chủ nhật tuần thứ ba của tháng 11 hàng năm là Ngày Thế giới Tưởng niệm Nạn nhân Giao thông đường bộ (hay còn gọi là Ngày thế giới tưởng niệm các nạn nhân tử vong vì TNGT) trên toàn cầu. Ngày kỷ niệm này đã trở thành một công cụ quan trọng trong nỗ lực chung toàn cầu để cải thiện ATGT. Đây cũng là cơ hội nhằm thu hút sự chú ý của cả cộng đồng đến những tổn thất to lớn về tinh thần và kinh tế do tai nạn giao thông gây ra, tưởng nhớ các nạn nhân của TNGT và vinh danh các dịch vụ cứu hộ và hỗ trợ.
Tại Việt Nam, lần đầu tiên UB ATGT Quốc gia phát động kế hoạch hưởng ứng ngày này vào ngày 19/11/2012 và từ năm 2013 thì được tổ chức thường niên trong phạm vi cả nước nhằm tưởng nhớ những đồng bào không may qua đời vì TNGT, qua đó gửi đến toàn xã hội lời cảnh báo về những mất mát, thiệt hại to lớn mà từng gia đình, cộng đồng và xã hội phải gánh chịu do TNGT đồng thời kêu gọi sự chung tay cùng hành động của từng cá nhân, tổ chức, cộng đồng để ngăn chặn, đẩy lùi và cùng sẻ chia, xoa dịu những nỗi đau do TNGT gây nên.