Công bố các nghị định, quyết định của Chính phủ về phát triển thành phố Đà Nẵng

GD&TĐ - Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Đà Nẵng cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng và toàn vùng, gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế...".

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại buổi lễ.

Ngày 29/3, UBND TP Đà Nẵng tổ chức Lễ công bố các Nghị định, Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP Đà Nẵng. 

Bước đi quan trọng trong việc thực hiện các định hướng phát triển TP

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, TP Đà Nẵng là một trong 5 thành phố trực thuộc Trung ương, có vai trò là đô thị lớn; là đầu tàu, động lực phát triển; trung tâm kinh tế - xã hội, văn hoá - giáo dục; có vị trí đặc biệt quan trọng về quốc phòng – an ninh của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và của cả nước.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho hay, đối với TP Đà Nẵng, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển TP Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Bộ Chính trị đã xác định, xây dựng TP Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á.

Theo đó, Đà Nẵng có vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ. Đồng thời là một trong những trung tâm văn hoá – thể thao, giáo dục – đào tạo y tế chất lượng cao, khoa học công nghệ; trung tâm tổ chức các sự kiện tầm khu vực và quốc tế; TP cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trong điểm miền Trung – Tây Nguyên;…

“Đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng đến năm 2030 – tầm nhìn 2045 đã được lập, phản biện và thẩm định một cách kỹ lưỡng, công phu, khoa học và toàn diện... Trong đó, Đồ án định vị chiến lược đến năm 2030, Đà Nẵng trở thành một phần của Mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu; là một Cổng vào của Hành lang Kinh tế Đông Tây; điểm đến Phong cách sống toàn cầu.

Đồng thời, bảo đảm tính kết nối, liên kết vùng, trong đó thành phố Đà Nẵng là đô thị hạt nhân của chuỗi các đô thị Huế - Đà Nẵng - Chu Lai - Kỳ Hà - Dung Quất (Vạn Tường) - Quy Nhơn. Tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng trở thành đô thị lớn; thông minh, sáng tạo; bản sắc, bền vững”, Phó Thủ tướng thông tin thêm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP Đà Nẵng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng trao các Nghị định, Quyết định của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về phát triển TP Đà Nẵng.

Đáng chú ý, Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã xác định thực hiện mô hình phát triển đô thị theo xu hướng của thế giới là đô thị đa cực, với một số khu vực nên tại khu vực trung tâm và đầu mối giao thông, xen kẽ với các khu vực “rỗng” dành không gian xanh, bảo tồn rừng sinh thái tự nhiên.

Đặc biệt, Đồ án đã quan tâm phát triển kinh tế biển, trong đó có hệ thống cảng biển gắn với chiến lược biển, xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố hướng ra biển, làm giàu từ biển.

Để Đà Nẵng thực hiện được những mục tiêu chiến lược này, cùng với việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung TP Đà Nẵng, Thủ tướng Chính phủ cũng phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án ĐTXD bến cảng Liên Chiểu (phần cơ sở hạ tầng dùng chung) với tổng mức đầu tư hơn 3400 tỷ đồng.

“Đây là bước đi quan trọng trong việc thực hiện các định hướng phát triển Đà Nẵng, với mục tiêu tăng cường kết nối vùng, liên vùng, và khu vực Đông Nam Á, thúc đẩy phát triển thông thương hàng hóa của tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây. Tạo thuận lợi cho thương mại, đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội cho vùng miền Trung và Tây Nguyên”, Phó Thủ tướng khẳng định.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Nghị định, các Quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được công bố hôm nay sẽ là những tiền đề đặc biệt quan trọng nhằm tạo bước đột phá, tạo động lực phát triển TP Đà Nẵng trong thời gian tới.

Những nhiệm vụ chủ yếu

Phó Thủ tướng cho rằng, để thực hiện những định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nêu trên, nắm bắt cơ hội, phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và và bền vững, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Đà Nẵng cần quan tâm thực hiện tốt một số nhiệm vụ chủ yếu.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: "Trước hết, TP Đà Nẵng cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng và toàn vùng, gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời gắn với đảm bảo ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai".

Trên cơ sở tái cấu trúc, phải tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch ngành, lĩnh vực (đặc biệt là quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn, quy hoạch hạ tầng, và các quy hoạch chuyên ngành kỹ thuật khác).

Đồng thời, đẩy nhanh việc lập Quy hoạch TP Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, trong đó lấy Quy hoạch Đà Nẵng có vai trò trung tâm trong Đồ án Quy hoạch TP Đà Nẵng.

Thành phố cần khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Đồ án Quy hoạch chung TP Đà Nẵng theo giai đoạn 5 năm, 10 năm và hàng năm.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã xác định thực hiện mô hình phát triển đô thị theo xu hướng của thế giới là đô thị đa cực, với một số khu vực nén tại khu vực trung tâm.
Đồ án điều chỉnh quy hoạch đã xác định thực hiện mô hình phát triển đô thị theo xu hướng của thế giới là đô thị đa cực, với một số khu vực nén tại khu vực trung tâm.

Trong đó, xác định rõ cơ cấu nguồn lực, các công trình, dự án ưu tiên để huy động nguồn lực, tổ chức thực hiện, tránh phát triển theo phong trào, gây lãng phí nguồn lực của nhà nước và xã hội.

Thứ hai, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, xác định đây là khâu đột phá trong phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới.

Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch, và có kế hoạch;

Cần tập trung nguồn lực để chỉnh trang đô thị, xây dựng những khu đô thị mới, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đầu tư nâng cao chất lượng hạ tầng nông thôn.

Đặc biệt, thành phố Đà Nẵng cần quan tâm phát triển nhà ở cho người dân, nhất là nhà ở xã hội cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thu nhập thấp, nhà ở công nhân tại các nhà máy, xí nghiệp.

Chú trọng quản lý kiến trúc, cảnh quan gắn với bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của địa phương.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính. Chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính quyền đô thị, một chính quyền phục vụ người dân và doanh nghiệp. Thành phố cần tập trung xây dựng bộ máy chính quyền gọn nhẹ, hiệu quả, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương;

Thực hành dân chủ và giám sát của người dân phải được tiếp tục phát huy thông qua vai trò của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị. Trong điều kiện phát triển của đô thị và chuyển đổi số, xây dựng thành phố thông minh gắn với chính quyền đô thị là giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo quyền giám sát, thực thi quyền dân chủ trực tiếp của người dân trong quản lý và phát triển.

Cùng với phát triển kinh tế, cần hết sức chú trọng phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng phát triển văn hoá, giữ gìn và phát huy các gia trị văn hoá truyền thống; chăm lo đảm bảo an sinh xã hội; chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho người dân. Thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội.

Thứ năm, tăng cường tiềm lực quốc phòng, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đảng bộ, chính quyền các cấp phải quan tâm giải quyết những bức xúc của người dân, không để xảy ra khiếu kiện kéo dài, xảy ra điểm nóng về trật tự, an toàn xã hội.

Đồng thời, cần đặc biệt chú trọng công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới, nhất là nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở Đảng, của cán bộ, đảng viên.

Thứ sáu, đối với Dự án đầu tư xây dựng Bến cảng Liên Chiểu, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị thành phố khẩn trương phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT, Bộ TNMT… sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư đảm bảo các quy định của pháp luật, đảm bảo tiến độ, chất lượng của dự án.

Đối với Đề án xây dựng TP Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực, Thành phố khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tranh thủ các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng Trung tâm tài chính quy mô khu vực, cũng như tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để lập Đề án theo quy định, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

"Tôi đề nghị các Bộ, ngành trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với Đà Nẵng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các Nghị định, Quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…", Phó Thủ tướng yêu cầu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ