Trên thế giới, khu vực DNXH đã có những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế và giải quyết các vấn đề xã hội của nhiều quốc gia.
Tại Việt Nam, sau gần 5 năm Luật Doanh nghiệp số 68/2014/QH13 có hiệu lực và các văn bản hướng dẫn được ban hành, các DNXH đã có nền tảng pháp lý đầu tiên cho việc thành lập và hoạt động. Tuy nhiên, khu vực DNXH đang phát triển ở mức độ nào, quy mô ra sao, cần có những hỗ trợ gì để có thể phát triển mạnh mẽ hơn là những câu hỏi lớn cần được giải đáp thông qua một nghiên cứu toàn diện.
Báo cáo Nghiên cứu Hiện trạng DNXH tại Việt Nam được kỳ vọng sẽ giúp đánh giá thực trạng và tiềm năng của DNXH sau 10 năm thúc đẩy và phát triển tại Việt Nam.
Kể từ năm 2009, Hội đồng Anh đã giới thiệu chương trình Hỗ trợ DNXH tại các nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Hội đồng Anh tại Việt Nam đã gắn bó và đồng hành cùng DNXH Việt Nam ngay từ những ngày đầu thông qua 4 lĩnh vực ưu tiên: Nghiên cứu; Đối thoại chính sách; Xây dựng năng lực; và Nâng cao nhận thức cộng chúng.
Báo cáo nghiên cứu hiện trạng DNXH tại Việt Nam nằm trong chuỗi nghiên cứu khảo sát của Hội đồng Anh được thực hiện tại 15 quốc gia trên toàn cầu trong 2 năm gần đây. Tại Việt Nam, Hội đồng Anh đã phối hợp với tổ chức DNXH Vương quốc Anh và Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện, trong thời gian từ tháng 7/2018 đến tháng 3/2019.
Phát biểu tại hội thảo, bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được giới thiệu và cho ra mắt Báo cáo Nghiên cứu Hiện trạng DNXH tại Việt Nam.
Đây là báo cáo được mong đợi từ lâu, bởi qui mô của nó. Hội đồng Anh tại Việt Nam vẫn luôn tích cực hỗ trợ và phối hợp với các cấp để kết nối, thúc đẩy, chia sẻ các kiến thức và kỹ năng về DNXH của Vương quốc Anh tới gần hơn với người Việt Nam trong suốt một thập kỷ vừa qua, góp phần quan trọng vào sự hình thành nên hệ sinh thái cho sự phát triển của DNXH như ngày nay.
Hội đồng Anh tin rằng, Báo cáo Nghiên cứu Hiện trạng DNXH tại Việt Nam sẽ không chỉ là nguồn thông tin hữu ích đối với các tổ chức, các bên có liên quan tới lĩnh vực DNXH tại Việt Nam mà còn cả với các đối tác tại Vương quốc Anh và trong khu vực.”.
Bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia, Hội đồng Anh Việt Nam, phát biểu tại hội thảo (Ảnh: Hội đồng Anh cung cấp) |
Một trong những điểm đáng chú ý của báo cáo đó là khái niệm về DNXH đã được phát triển với một cách thức tiếp cận rộng rãi hơn thông qua các khái niệm tinh thần doanh nhân xã hội, sáng tạo xã hội, khởi nghiệp tạo tác động xã hội.
Báo cáo cũng đã chỉ ra rằng, khái niệm về DNXH và sáng tạo xã hội cũng đã bước đầu được giới thiệu vào chương trình đào tạo ở các trường đại học, thông qua hình thức cung cấp các khóa đào tạo về tinh thần doanh nhân xã hội cho các giảng viên đại học, cho sinh viên khởi nghiệp thông qua các cuộc thi thanh niên Việt Nam với sáng tạo xã hội.
Đây là hướng tiếp cận quan trọng bởi những hoạt động này sẽ góp phần nhân rộng việc đào tạo và phổ biến các kiến thức và kỹ năng cần thiết nhằm trang bị và chuẩn bị cho các em sinh viên trở thành những thế hệ doanh nhân và doanh nhân xã hội năng động trong tương lai.
DNXH là mô hình hiệu quả để giải quyết các vấn đề xã hội cũng như mang lại sự thịnh vượng chung cho cộng đồng, góp phần quan trọng vào nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đề ra của Liên Hợp quốc.
Báo cáo Nghiên cứu Hiện trạng DNXH tại Việt Nam sẽ là cẩm nang giúp các DNXH và những người muốn tìm hiểu về DNXH có được bức tranh tổng thể về lĩnh vực này, từ đó có những đánh giá và đưa ra những nhận định cho từng lĩnh vực để có những sự thay đổi, cải cách để phù hợp hơn với sự phát triển của cộng đồng DNXH ở cả trong nước và quốc tế.
Với sự công nhận hợp pháp, khu vực DNXH đang được kỳ vọng sẽ phát triển và mở rộng hơn nữa tại Việt Nam trong những năm tới và đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế và xã hội ở Việt Nam.
Ở Việt Nam, DNXH lần đầu tiên được quy định tại Điều 10 Luật Doanh nghiệp năm 2014. Theo đó, DNXH là doanh nghiệp được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam; mục tiêu hoạt động nhằm giải quyết vấn đề xã hội, môi trường vì lợi ích cộng đồng; sử dụng ít nhất 51% tổng lợi nhuận hằng năm của doanh nghiệp để tái đầu tư nhằm thực hiện mục tiêu xã hội, môi trường như đã đăng ký.