Công an TPHCM bắt 4 cán bộ hải quan Bình Phước vì 'bảo kê' buôn lậu

GD&TĐ - Công an TPHCM khởi tố, bắt tạm giam 4 cán bộ thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành, tỉnh Bình Phước do có hành vi nhận hối lộ.

4 công chức Chi cục Hải quan Chơn Thành bị bắt (từ trái qua phải): Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Tiến Dũng. (Ảnh: Công an TPHCM)
4 công chức Chi cục Hải quan Chơn Thành bị bắt (từ trái qua phải): Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Tiến Dũng. (Ảnh: Công an TPHCM)

Ngày 12/9, thông tin từ Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, đơn vị vừa triệt phá đường dây buôn lậu sợi Polyester quy mô lớn.

Cơ quan CSĐT Công an TP đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt bị can với 8 người, gồm: Bạch Tấn Cường, Nguyễn Vĩnh Hoà, Huỳnh Thị Huyền Trâm, Võ Thanh Tuấn bị bắt về tội “buôn lậu” quy định tại Điều 188 Bộ luật Hình sự; Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng (công chức Chi cục Hải quan Chơn Thành, tỉnh Bình Phước) bị bắt về tội “nhận hối lộ” quy định tại Điều 354 Bộ luật Hình sự.

Thành lập công ty "ma" để buôn lậu

Trước đó, Công an TPHCM phát hiện đường dây tội phạm buôn lậu mặt hàng sợi Polyester, xuất xứ Trung Quốc (có mức thuế chống bán phá giá 17,45%), do một nhóm người Trung Quốc móc nối với một số người Việt Nam thực hiện tại TPHCM và Bình Phước, thông qua hình thức chuyển cảng.

Quá trình điều tra xác định, theo chỉ đạo của nhóm người Trung Quốc, Bạch Tấn Cường (43 tuổi, ngụ quận 4, TPHCM) thành lập Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Sunview (trụ sở TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước); Võ Thanh Tuấn (36 tuổi, ngụ huyện Nhà Bè, TPHCM) thành lập Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Long Tân Vina (huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước) để đứng tên nhập khẩu.

Thực tế đây là những công ty “ma” nhằm tạo điều kiện cho việc mở tờ khai nhập khẩu hàng hoá tại Chi cục Hải quan Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Bạch Tấn Cường chỉ đạo nhân viên của mình là Nguyễn Vĩnh Hoà (35 tuổi, ngụ TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa) và Huỳnh Thị Huyền Trâm (35 tuổi, ngụ huyện Giồng Riềng, tỉnh Kiên Giang) làm giả hoá đơn, chứng từ ngoại thương (Invoice) của các công ty bán hàng tại Trung Quốc.

Trong đó, họ tự điều chỉnh thông tin chi tiết về hàng hoá từ sợi Polyester (có mức thuế chống bán phá giá là 17,45%) sang sợi đơn mono-pylamen polyurethan đàn hồi không xoăn, không dún (có mức thuế chống bán phá giá là 0%); đồng thời giảm trọng lượng hàng hoá thực tế.

Sau đó, những người này làm thủ tục khai báo hải quan hàng hoá nhập khẩu tại Chi cục Hải quan Chơn Thành để nhập lậu số lượng lớn mặt hàng sợi Polyester.

Võ Thanh Tuấn cũng sử dụng thủ đoạn này khi sử dụng pháp nhân Công ty Long Tân Vina để nhập lậu mặt hàng sợi Polyester.

Để không bị kiểm tra thực tế hàng hoá khi làm thủ tục nhập khẩu hàng hoá, Bạch Tấn Cường và Võ Thanh Tuấn đã đưa hối lộ cho một số công chức hải quan thuộc Đội thủ tục hàng hoá nhập khẩu, Chi cục Hải quan Chơn Thành với số tiền 3,5 triệu đồng/1 container.

Do đó, các container sợi Polyester của Công ty Sunview và Công ty Long Tân Vina đứng tên nhập khẩu, sau khi làm thủ tục bốc dỡ hàng hoá từ Cảng Cát Lái (TPHCM) được vận chuyển trực tiếp về các địa điểm ở TPHCM, gồm: Kho tại khu vực Cảng Phú Định (quận 8), khu công nghiệp Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh) và quận Bình Tân mà không phải đưa về Chi cục Hải quan Chơn Thành để làm thủ tục kiểm hoá và thông quan hàng hoá.

Qua quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ, ngày 21/8/2023, Công an TPHCM phát hiện Công ty Sunview mở tờ khai nhập khẩu và được Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn - Khu vực I niêm phong hải quan, bàn giao cho công ty vận chuyển về Chi cục Hải quan Chơn Thành để kiểm tra thực tế và hoàn thành thủ tục thông quan.

Tuy nhiên, thực tế lô hàng được những người này vận chuyển về Kho hàng số 1, Cảng Phú Định để bốc dỡ hàng hoá mà không vận chuyển về Chi cục Hải quan Chơn Thành theo quy định.

Kết quả kiểm tra phát hiện seal niêm phong hải quan đã bị cắt bỏ, hàng hoá bên trong trong container nêu trên là sợi Polyester, xuất xứ Trung Quốc (có mức thuế chống bán phá giá 17,45%), không đúng với chủng loại hàng hoá khai báo tại tờ khai nhập khẩu.

Mở rộng khám xét khẩn cấp 4 địa điểm là công ty và các kho hàng có liên quan tại quận 8, quận 11, quận Bình Tân và huyện Bình Chánh, công an thu giữ các tài liệu, chứng từ, chữ ký số, dữ liệu điện tử liên quan hoạt động nhập khẩu sợi Polyester của Công ty Sunview, Công ty Long Tân Vina và hơn 700 tấn sợi các loại không có hoá đơn chứng từ.

Bạch Tấn Cường, Nguyễn Vĩnh Hoà, Võ Thanh Tuấn. (Ảnh: Công an TPHCM)

Bạch Tấn Cường, Nguyễn Vĩnh Hoà, Võ Thanh Tuấn. (Ảnh: Công an TPHCM)

Nhập lậu 258 container sợi Polyester

Tại cơ quan công an, Bạch Tấn Cường, Nguyễn Vĩnh Hoà, Huỳnh Thị Huyền Trâm và Võ Thanh Tuấn thừa nhận hành vi nhập khẩu sợi Polyester nhưng khai báo là sợi đơn mono-pylamen polyurethan đàn hồi không xoăn, không dún và giảm số lượng hàng hoá thực tế.

Những người này khai đã móc ngoặc với một số công chức kiểm hoá thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành để không thực hiện thủ tục kiểm tra thực tế hàng hoá đối với các container thuộc mã phân loại kiểm tra luồng đỏ (kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hoá).

Từ 3/2023 đến thời điểm bị phát hiện, nhóm người này đã nhập lậu 258 container mặt hàng sợi Polyester (trong đó có 21 container được phân loại kiểm tra luồng đỏ) với tổng giá trị hàng hoá ước tính gần 150 tỉ đồng.

Công an TPHCM đã khám xét khẩn cấp nơi làm việc của một số công chức hải quan Chi cục Hải quan Chơn Thành, phát hiện, thu giữ 21 bộ hồ sơ tờ khai hải quan luồng đỏ đã thông quan của 2 công ty nêu trên và nhiều tài liệu khác có liên quan.

Bước đầu, Trương Thị Lệ Hằng, Nguyễn Xuân Tùng, Nguyễn Thị Kim Anh, Nguyễn Tiến Dũng (công chức thuộc Chi cục Hải quan Chơn Thành) thừa nhận từ 3/2023 đến nay, họ đã không thực hiện kiểm tra thực tế hàng hoá theo quy định của Luật Hải quan đối với các container do Công ty Sunview, Công ty Long Tân Vina đứng tên nhập khẩu được phân mã kiểm tra luồng đỏ;

Họ chỉ ký xác nhận, đóng dấu công chức hải quan trên Biên bản bàn giao hàng hoá chịu sự giám sát của hải quan để thông qua hàng hoá trái quy định. Việc này đã thu lợi bất chính tổng số tiền hơn 500 triệu đồng.

Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đang điều tra mở rộng, củng cố chứng cứ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ