Công an Đắk Lắk phát cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mùa thi

GD&TĐ - Ngày 15/5, Công an tỉnh Đắk Lắk phát thông tin cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mùa thi; đề nghị học sinh, phụ huynh tỉnh táo trước “bẫy” nâng điểm, bán phao VIP.

Cảnh báo lừa đảo mùa thi.
Cảnh báo lừa đảo mùa thi.

Gần đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, nhiều chiêu trò lừa đảo nhắm vào học sinh và phụ huynh với lời hứa "nâng điểm", "chạy đại học", "bán phao VIP", gây mất an toàn thông tin và thiệt hại tài chính.

Nâng điểm, đề thật, phao VIP... đều là "bẫy" lừa đảo

Theo Công an tỉnh Đắk Lắk, từ đầu tháng 5, khi học sinh bước vào giai đoạn ôn thi nước rút, các đối tượng lừa đảo bắt đầu hoạt động mạnh.

Nhiều tài khoản trên Zalo, Telegram, mạng xã hội... rao bán "đề thi thật", "đáp án chuẩn", "phao thi VIP" kèm lời cam kết hấp dẫn như “đảm bảo điểm cao”, “nguồn nội bộ uy tín”...

Thế nhưng, sau khi chuyển tiền, nạn nhân chỉ nhận được tài liệu cũ, sai lệch hoặc hoàn toàn vô giá trị. Sự việc khiến số học sinh hoang mang, mất tinh thần, ảnh hưởng đến quá trình ôn luyện thật sự.

Không dừng lại ở đó, các khóa học ôn thi trực tuyến không rõ nguồn gốc cũng được quảng bá rầm rộ với cam kết “bao đỗ đại học”, “luyện cấp tốc bởi chuyên gia”.

Tuy nhiên, sau khi nộp học phí, học sinh thường bị cắt liên lạc hoặc nhận tài liệu sơ sài, sai chương trình, không có người hỗ trợ học tập.

a2.jpg
Cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mùa thi.

Giả mạo cán bộ giáo dục, chiếm đoạt thông tin phụ huynh

Công an Đắk Lắk cũng ghi nhận nhiều trường hợp phụ huynh bị lừa qua các cuộc gọi, tin nhắn mạo danh cán bộ ngành Giáo dục.

Các đối tượng giả danh giáo viên, nhân viên tuyển sinh, gọi điện thông báo hồ sơ lỗi, thiếu thông tin quan trọng..., rồi yêu cầu cung cấp mã OTP ngân hàng, số căn cước công dân hoặc chuyển tiền xử lý gấp.

Nguy hiểm hơn, một số đối tượng còn gửi đường link giả mạo website Bộ GD&ĐT hoặc các trường đại học để đánh cắp thông tin cá nhân và dữ liệu ngân hàng.

Đáng tiếc, đã có phụ huynh sập bẫy, mất hàng chục triệu đồng vì nhẹ dạ tin lời "chạy điểm", "lo suất vào đại học".

Trước tình trạng trên, Công an tỉnh Đắk Lắk khuyến cáo: Không tin vào mua bán đề thi, nâng điểm, “bao đỗ” đại học.

Người dân chỉ tiếp cận thông tin từ nguồn chính thống như Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT, nhà trường.

Tuyệt đối không chia sẻ thông tin cá nhân, mã OTP, số tài khoản cho người lạ.

Cẩn trọng với mọi giao dịch tài chính, không chuyển tiền qua kênh không rõ ràng.

Phát hiện dấu hiệu nghi ngờ, hãy liên hệ cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ