Côn trùng Cánh nửa giúp kiểm soát sâu hại

GD&TĐ - Các loài côn trùng này không chỉ tham gia vào quá trình thụ phấn, mà còn giúp kiểm soát sâu hại tự nhiên...

Hình ảnh bốn loài mới được công bố trong nhiệm vụ.
Hình ảnh bốn loài mới được công bố trong nhiệm vụ.

Xu hướng kiểm soát sinh học

Các nhà khoa học Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung thuộc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đã tiến hành nghiên cứu chuyên sâu nhằm thu thập và phân loại các loài thuộc bộ Cánh nửa (Hemiptera).

Nghiên cứu đã tạo ra cơ sở dữ liệu phong phú về các loài côn trùng, góp phần nâng cao hiểu biết về vai trò của chúng trong hệ sinh thái nông nghiệp tại Việt Nam và mở ra các hướng mới trong việc kiểm soát sinh học tự nhiên.

Theo PGS.TS Phạm Hồng Thái, trưởng nhóm nghiên cứu, trên thế giới đã ghi nhận hơn 42.000 loài thuộc phân bộ côn trùng ve rầy Auchenorrhyncha, cho thấy sự đa dạng và vai trò quan trọng của nhóm côn trùng này trong các hệ sinh thái.

Tại Việt Nam, số loài đã được ghi nhận mới chỉ khoảng 500, trong khi ước tính số loài có thể có mặt ở đây lên tới hơn 2.000. Các loài thuộc phân bộ này không chỉ chích hút nhựa cây, mà còn là vectơ truyền bệnh cho thực vật, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cây trồng và sinh kế của người dân nông thôn.

Nghiên cứu về nhóm côn trùng bộ Cánh nửa (Hemiptera) có vai trò quan trọng trong việc bảo tồn đa dạng sinh học và quản lý nông nghiệp bền vững. Các loài côn trùng này không chỉ tham gia vào quá trình thụ phấn, mà còn giúp kiểm soát sâu hại tự nhiên, từ đó duy trì sự cân bằng trong các hệ sinh thái nông nghiệp.

Phân bộ ve rầy Auchenorrhyncha cùng các họ như Pentatomidae và Miridae có vai trò quan trọng trong việc kiểm soát các dịch bệnh do côn trùng. Việc hiểu rõ cấu trúc và chức năng của khu hệ côn trùng này sẽ hỗ trợ phát triển các phương pháp quản lý sinh thái hiệu quả hơn, giảm thiểu phụ thuộc vào hóa chất bảo vệ thực vật, đồng thời bảo vệ môi trường và sức khỏe con người.

Từ thực tế trên, PGS.TS Phạm Hồng Thái và đồng nghiệp Viện Nghiên cứu Khoa học Miền Trung phối hợp với nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc thực hiện nhiệm vụ: “Nghiên cứu về nhóm côn trùng gây hại và côn trùng tác nhân kiểm soát sinh học bộ Cánh nửa của Việt Nam và Hàn Quốc”.

Nghiên cứu tập trung vào các loài côn trùng gây hại và côn trùng tác nhân kiểm soát sinh học, từ đó xây dựng danh sách các loài đã được ghi nhận tại các vườn quốc gia, khu bảo tồn ở miền Trung Việt Nam. Sự kết hợp giữa các nhà nghiên cứu trong nước và các chuyên gia quốc tế sẽ đảm bảo tính chính xác, độ tin cậy của kết quả nghiên cứu, góp phần quan trọng trong công tác bảo vệ, phát triển nguồn tài nguyên sinh vật tại Việt Nam.

Xây dựng danh mục các loài Cánh nửa

Nhóm các nhà khoa học đã lập danh mục các loài thuộc bộ Cánh nửa và các loài thiên địch từ 650 mẫu thu được ở Việt Nam. Đồng thời thực hiện nghiên cứu sơ bộ về phân loại các loài sâu bệnh và thiên địch tại Hàn Quốc và Việt Nam, xác định được 125 loài thuộc nhiều họ khác nhau. Dữ liệu hình thái cho từng nhóm sâu bệnh và thiên địch đã được thiết lập, từ đó nhóm đã lập danh sách các loài săn mồi có tiềm năng trở thành thiên địch trong tự nhiên.

PGS.TS Phạm Hồng Thái và cộng sự đã phát hiện, công bố 1 giống mới, 4 loài mới cho khoa học, bao gồm 2 loài thuộc họ Ve sầu (Cicadidae), 1 loài thuộc họ bọ xít mù (Miridae), 1 loài mới thuộc họ bọ xít Nabidae.

Nhóm đã xác định được 36 loài côn trùng thiên địch có vai trò kiểm soát sinh học thuộc các họ bọ xít ăn sâu (Reduviidae), bọ xít mù (Miridae), bọ xít Nabidae và bọ xít 5 cạnh (Pentatomidae). Những loài này có tiềm năng được ứng dụng trong các chương trình kiểm soát sinh học.

Trong tương lai, nhóm nghiên cứu hy vọng sẽ tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu sinh học phân tử, dựa trên thông tin hình thái cho các loài đã được xác định, nhằm phục vụ công tác phân loại và nhận diện chính xác các loài côn trùng thuộc bộ Hemiptera. Dữ liệu này sẽ được xây dựng tại Phòng thí nghiệm phân loại côn trùng của Đại học Quốc gia Chungnam, Hàn Quốc, thông qua việc tách chiết DNA của các mẫu đã xác định.

Việc sử dụng dữ liệu hình thái kết hợp với sinh học phân tử sẽ cho phép nhóm tiếp tục xác định và lựa chọn loài gây hại cũng như các loài thiên địch tiềm năng trong bộ Hemiptera ở Việt Nam và Hàn Quốc, qua đó tối ưu hóa các chương trình kiểm soát sinh học tự nhiên trong tương lai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.