Con trai nước Việt kiên cường

GD&TĐ - Trong hành trình đến thăm những người lính đảo, Nguyễn Thị Mai đã phát hiện được một tứ thơ thật hay, thật độc đáo, có thể nói là chưa lặp lại ở bất kỳ thi phẩm nào của các nhà thơ khác từng đến đây, vậy mà vẫn khắc họa được phẩm chất can trường, sự hi sinh gian khổ của người lính nơi đầu sóng to gió cả.

Con trai nước Việt kiên cường
X - MEN LÍNH ĐẢO

Nồng nã

gây gây

đườm đượm mặn

Ập vào vai, vào cổ, vào tóc chúng tôi khi xuồng cập cầu tàu

Những cánh tay trai trần mở ra như cánh hải âu

Choàng ôm chúng tôi, ôm lấy quê hương, gia đình, bè bạn...

Ôm lấy đất liền

tìm hơi mẹ, hơi em...

Đó là mùi riêng của lính đảo

Mùi can trường tháng năm... dữ dằn

giông bão

Mùi biển khơi thiếu thốn nước dùng

Mùi mặn mòi và nắng khét kết chưng

Ôi cái mùi lính đảo - đặc trưng

Mạnh mẽ, nam nhi, quyết liệt

Mùi con trai nước Việt

Cắm mốc chủ quyền - mùi lãnh thổ riêng ta

Mùi X - men lính đảo

Phải vượt ngàn trùng dặm biển khơi xa

Được ôm trọn bờ vai lặng thở...

thương vô cùng,

tôi mới nhận ra.

NGUYỄN THỊ MAI

 “X - men lính đảo” nhờ thế có cái vị lạ dễ ấn tượng với tâm trí người đọc, nếu ai đã từng tiếp xúc một lần với nó. Giữa bạt ngàn thơ ca viết về biển đảo và hình tượng người lính hôm nay, tôi tin rằng thi phẩm này của nhà thơ Nguyễn Thị Mai vẫn có chỗ đứng riêng bởi dư vị khác thường, đầy cá tính.

Không trực tiếp tả cảnh biển đảo hiểm nguy cùng những hi sinh thầm lặng mà người lính phải đối mặt, chỉ trực diện và thảng thốt bằng một cảm nhận tinh tế, tác giả đã giúp người đọc nhận ra ngay cái mùi đặc trưng của lính đảo qua vị “nồng nã gây gây đườm đượm mặn". Câu thơ viết không sử dụng dấu phẩy mà nhà thơ chỉ trực tiếp vắt dòng cứ như mùi "X - men" tuần tự, nhẹ nhàng phả vào mặt, vào cổ, để rồi thấm đẫm và đan tràn vào cánh tay và ngực của khách đến thăm. Cái mùi "X - men" đặc trưng của người lính nơi tiền tiêu biển đảo khơi xa ấy ám ảnh thế nào để nhà thơ phải dùng đến ba tính từ liên tiếp mà cảm nhận, ghi khắc và làm toát lên cái riêng độc đáo ấy. Không nói gian khổ vẫn nhận ra biết bao vất vả hi sinh mà các anh nếm trải ngày đêm nơi biển cả hãi hùng. Sau cái mùi vị riêng mà nhà thơ cảm nhận được khi đến với đảo tiền tiêu, tác giả đã thể hiện niềm vui sướng vô biên của người lính khi đón những "người khách giống nòi mình" ra thăm đảo. Xúc động đến không kìm nén nỗi, những người lính ùa ra như muôn ngàn đợt sóng tinh khôi, hồn nhiên, vồ vập bởi tình yêu thương và nỗi nhớ đất liền:

Nồng nã

gây gây

đườm đượm mặn

Ập vào vai, vào cổ, vào tóc chúng tôi khi xuồng cập cầu tàu

Những cánh tay trai trần mở ra như cánh hải âu

Choàng ôm chúng tôi, ôm lấy quê hương, gia đình, bè bạn...

Ôm lấy đất liền

tìm hơi mẹ, hơi em...

Khổ thơ đầu tác giả sử dụng thủ pháp nghệ thuật liệt kê thật hợp lý, diễn tả được nỗi lòng mừng vui không xiết của người lính cũng là niềm vui của nhân dân đất liền ra thăm đảo. Cái mùi đặc trưng riêng thì thấm đẫm đã đành, cứ phả đến choáng ngợp "vào vai, vào cổ, vào tóc". Cảm nhận qua hành động những người lính vội vàng ôm choàng tất cả cho thỏa thuê nỗi nhớ nhà: "Choàng ôm chúng tôi, ôm lấy quê hương, gia đình, bè bạn...". Khoảnh khắc đầy xúc động ấy khiến nhà thơ cứ nghĩ là họ ôm lấy đất liền tìm hơi mẹ, hơi em. Quả thật, phải có một tình yêu thiết tha với những người lính đảo, Nguyễn Thị Mai mới có được những "cảnh quay" đầy xúc động như vậy.

Từ cái mùi rất cụ thể "nồng nã gây gây đườm đượm mặn", tác giả đã đi đến khái quát phẩm chất của người lính nơi tiền tiêu biển cả. Đó là mùi của can trường gian khổ mà người lính phải chịu đựng nơi biển đảo khơi xa, mà theo Trần Đăng Khoa là đến một cái gai cũng không sống được khi giông bão dữ dằn bủa lấy mỗi ngày. Mùi "X- men" độc đáo ấy là mùi của thiếu thốn nước dùng, của mặn mòi biển cả và nắng khét kết chưng. Phải nói rằng, đọc đến đây, chúng ta nhận ra được những câu thơ của Nguyễn Thị Mai thật sắc, dường như nó cũng được chưng cất từ rất nhiều cảm xúc, nghĩ suy của lòng tự tôn, tự hào dân tộc và đặc biệt là tình cảm yêu thương tha thiết đối với người lính đảo thì mới viết thấm thía và chuyển tải qua những câu thơ bình dị, thật thà nhưng lại đầy sắc cạnh:

Đó là mùi riêng của lính đảo

Mùi can trường tháng năm... dữ dằn giông bão

Mùi biển khơi thiếu thốn nước dùng

Mùi mặn mòi và nắng khét kết chưng

Với nghệ thuật khái quát hóa khi đi từ cái cụ thể là mùi "X - men lính đảo", Nguyễn Thị Mai tiếp tục sử dụng tiếp nối qua khổ thơ thứ ba như để thể hiện cho hết phẩm chất và tầm vóc của người chiến sĩ đảo xa. Xưa người lính đời trần cầm ngang ngọn giáo giữ non sông mang tầm vóc và chiều kích của vũ trụ trong khí thế nuốt cả sao Ngưu, nay người lính hải quân, thông qua cái mùi "X - men" đặc trưng, nhưng nữ thi sĩ cũng đã dựng lên một tầm vóc không kém khí thế hiên ngang và quyết liệt. Không miêu tả súng ống, những buổi tập bắn đạn thật trên đảo tiền tiêu, chỉ thông qua mùi vị mặn mòi của biển khơi, mùi khét nắng giữa trùng vây sóng nước, nhà thơ đã dựng lên được một tầm vóc lớn lao, đầy hiên ngang khí phách của người lính thời bình trong hành trình bảo vệ biên cương:

Ôi cái mùi lính đảo - đặc trưng

Mạnh mẽ, nam nhi, quyết liệt

Mùi con trai nước Việt

Cắm mốc chủ quyền - mùi lãnh thổ riêng ta

Hóa ra mỗi người lính ra với đảo tiền tiêu biển lớn là cả một sự xác quyết về chủ quyền lãnh thổ. Câu thơ "mạnh mẽ, nam nhi, quyết liệt" thật hay trong nhịp điệu, khái quát được lẽ sống lớn lao, tâm hồn và khát vọng kiên trung của người lính trong sự nghiệp giữ gìn và bảo vệ Tổ quốc. Qua "cái mùi" mà nói được phẩm chất và vẻ đẹp người lính, nói được khát vọng sống của cả dân tộc và ít nhiều khơi gợi được hiện thực đấu tranh và bảo vệ đất nước của nhân dân ta trong thời đại ngay nay quả là có sức khái quát lớn.

Đến ba câu thơ cuối bài, với giọng thơ nhẹ nhàng, thủ thỉ, đồng thời tiếp tục bám lấy tứ thơ đã khai triển ban đầu, Nguyễn Thị Mai đã kết luận một cách nhẹ nhàng mà sâu lắng. Đó cũng chính là trái tim, là tình cảm của những người dân đất liền hướng về biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc qua chủ thể nhân vậy trữ tình tác giả:

Mùi X - men lính đảo

Phải vượt ngàn trùng dặm biển khơi xa

Được ôm trọn bờ vai lặng thở...

thương vô cùng,

tôi mới nhận ra.

Bài thơ “X - men lính đảo” thật cô đọng về ngôn từ, tiêu biểu về hình ảnh, song lại có một sức khái quát lớn về hình tượng đất nước, Tổ quốc và người lính trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ biển đảo hiện nay. Bằng một tứ thơ hết sức độc đáo được xây dựng trên cái nền của một chuyến đi thực tế, tác giả đã ký thác và gởi gắm một thông điệp, một tình cảm lớn lao về mối quan hệ ngàn đời giữa nhân dân và người lính. Chính nền tảng của sức mạnh tinh thần đoàn kết và tình yêu thương thắm thiết ấy, chúng ta càng khẳng định rằng, sẽ không có một thế lực ngoại xâm nào có thể đánh bại được lòng nồng nàn yêu nước của dân tộc ta, mà người lính là kết tinh cho ý chí quật cường, mãnh liệt ấy.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ