Cơn sốt vàng Klondike

GD&TĐ - Cuối thế kỷ XIX, hàng trăm nghìn người Mỹ đã đổ xô về miền Tây, nơi có con sông được mệnh danh 'dòng vàng' là Klondike.

Lượng sa khoáng vàng ở Klondike không nhiều như kỳ vọng. Ảnh: Thecollector.com
Lượng sa khoáng vàng ở Klondike không nhiều như kỳ vọng. Ảnh: Thecollector.com

Trong số họ, có cả đại văn hào Jack London (1876 - 1916) đang tuổi 20 sôi sục khát khao đổi đời và thực tế săn vàng ở đây đã cho ông kho cảm hứng bất tận để sáng tác hàng chục tiểu thuyết lừng danh, trong đó có “Tiếng gọi nơi hoang dã”.

“Dòng sông hứa”

Sông Klondike là một nhánh của sông Yukon thuộc vùng Klondike (cùng tên), Yukon, Canada. Trước thế kỷ XIX, Klondike chỉ đơn giản là lãnh thổ đất đai hoang dã nằm ở góc Tây Bắc của Canada, giáp với bang Alaska của Hoa Kỳ.

Cư dân của Klondike là các bộ lạc bản địa. Họ biết trong các dòng suối đổ vào sông Klondike có vàng nhưng không hứng thú gì với kim loại này vì với họ, nó không có giá trị trong cuộc sống tự cung tự cấp.

Khác với người bản địa Canada, thực dân Mỹ cực kỳ thèm khát vàng. Khoảng cuối thế kỷ XIX, họ đánh hơi được tin đồn có vàng ở Klondike và bắt đầu có kẻ đánh liều đi đến thăm dò, tìm kiếm vận may.

Người đầu tiên giành quyền sở hữu một trong các mỏ vàng đáng kể tên Bonanza Creek là ông “Skookum Jim” Mason. Vào năm 1896, ông Mason, trong khi lùng sục khu vực cùng với vợ chồng chị gái và cháu trai đã tìm ra nó và lập tức “xí” làm của mình.

Tin đồn ông Mason tìm được cả một mỏ vàng nhanh chóng lan rộng ra khắp nước Mỹ. Lập tức, hàng loạt người bất chấp rủi ro và tốn kém, thi nhau lao tới Klondike. Với điều kiện giao thông thời bấy giờ, họ không chỉ phải khổ sở leo trèo, thích nghi với điều kiện khí hậu khắc nghiệt vùng Bắc Cực, mà còn phải tốn trung bình 1.200 USD mới đến được đích.

Về mặt tài nguyên, Klondike quả thực có nhiều mỏ vàng. Vùng đất này đầy núi non và từng có núi lửa hoạt động. Sự phun trào của núi lửa đẩy vàng nằm sâu trong lòng đất lên bề mặt, biến thành hạt vàng, bụi vàng… gọi chung là vàng sa khoáng.

Các mỏ vàng ở Klondike thường nằm dọc theo lòng suối, chủ yếu là các suối của sông Klondike, dưới độ sâu 4,6 – 9,1m so với lòng suối. Với những người săn vàng, Klondike quả thật là “dòng vàng”, hứa hẹn mang tới vận may. Chính vì vậy mà chỉ trong vòng 3 năm, 1897 – 1899, khoảng 100.000 người từ khắp nơi trên nước Mỹ đã đổ tới đây, ao ước làm giàu trong chớp mắt.

Trong số họ, có nhà văn trẻ Jack London mới 21 tuổi. Những trải nghiệm săn lùng vàng ở Klondike đã để lại cho London kho cảm hứng và tài liệu bất tận, giúp ông viết hàng chục tiểu thuyết cuốn hút. Tuy không rõ London có đãi được vụn vàng nào không, nhưng chắc chắn thời gian ở đây chính là vàng bạc giúp ông làm giàu về sau này.

Khoảng 100.000 người đã tới Klondike trong cơn sốt vàng. Ảnh: Thecollector.com

Khoảng 100.000 người đã tới Klondike trong cơn sốt vàng. Ảnh: Thecollector.com

“Đời không như là mơ”

Khác với tin đồn, các dòng suối của sông Klondike không chảy ra vàng. Điều kiện khí hậu Klondike lạnh khắc nghiệt, địa hình hiểm trở, nhiều nơi bị đóng băng quanh năm suốt tháng. Chưa hết, các mỏ vàng dễ tìm và vùng đất tiềm năng có mỏ vàng đều đã bị những người đến săn lùng trước như ông Mason chiếm làm của riêng.

Ngay khi vừa đến Klondike, dòng người săn vàng đã bị thực tế đập vỡ mộng và chỉ còn 2 lựa chọn: Bỏ về hoặc trở thành nhân công đãi vàng cho những người tiên phong như ông Mason.

Tìm vàng ở Klondike là công việc đầy rủi ro và thách thức. Đầu tiên, các thợ săn vàng phải trang bị đủ trang phục và tinh thần để đối phó với môi trường vùng Bắc Cực. Tiếp theo, họ cần có sức mạnh và sự dẻo dai để mang vác các vật dụng tìm vàng và đi bộ, leo trèo liên tục.

Vì các dụng cụ tìm vàng rất nặng nên người ta sử dụng ngựa thồ. Ước tính, khoảng 3.000 con ngựa đã bị chết vì phải thồ quá tải. Đường mòn tên White Pass đã bị đặt biệt danh “đường mòn ngựa chết” vì thực tế đáng sợ này. Ngày nay, nhiều xương của ngựa vẫn còn nằm dọc hai bên lối đi của nó.

Môi trường sống ở Klondike trong “cơn sốt vàng” còn tồi tệ hơn nữa, với đầy rẫy những kẻ lừa đảo, bạo lực… Gã lừa đảo khét tiếng Soapy Smith còn lợi dụng cả khát vọng liên lạc với người thân để tìm kiếm sự giúp đỡ của các thợ tìm vàng, lắp đặt bưu điện giả mà kiếm chác.

Trung tâm của cơn sốt vàng Klondike là thành phố Dawson. Ước tính, khoảng 30 – 40 nghìn người đã đến đây nhưng chỉ có chưa tới 4.000 người tìm thấy vàng. Trong số họ, cũng chỉ có vài trăm người là trở nên giàu có.

Thay vì vàng, một số người đã đổi đời nhờ lĩnh vực khác. Hai trong số những cá nhân thành công nhất là Joe Ladue và Arthur Harper, những thương nhân địa phương. Ngay khi cơn sốt vàng vừa nổi lên, họ đã mua vùng đầm lầy rẻ như cho ở Klondike, dự trữ gỗ để bán.

Trung bình, để khai thác một mỏ vàng ở Klondike cần tốn số tiền tương đương với khoảng 42 nghìn USD ngày nay để mua gỗ, đốt cho băng tan chảy và 28 nghìn USD để đắp đập, 42 nghìn USD lắp mương… tổng cộng chừng 128,8 nghìn USD. Ladue và Harper đã phất lên nhanh chóng và đặt tên cho khu đất mới của họ là thành phố Dawson.

Trong cơn sốt vàng, thành phố Dawson trở thành trung tâm của cả Klondike. Xung quanh nó, các vũ trường, quán rượu, kho cung ứng… mọc lên và cuộc sống bên trong nó cũng nhộn nhịp không kém bất cứ thành phố nào. Lượng người đến săn vàng ngày càng đông khiến Dawson mỗi lúc một mở rộng, hình thành thêm vùng ngoại ô và cả các khu ổ chuột.

Đặc trưng của Dawson là ô hợp và vô luật. Nó đầy rẫy các sòng bạc, nhà thổ… xúi giục các thợ săn vàng may mắn tìm thấy vàng ném hết tiền bạc kiếm được vào thú đỏ đen và thói trụy lạc. Các cá nhân, tổ chức tội phạm ngầm cũng đua nhau xuất hiện, kiểm soát toàn bộ đời sống cũng như các dòng tiền, nguồn vàng… bằng luật lệ xã hội đen.

Ước tính, nếu đổi sang giá trị ngày nay thì cơn sốt vàng Klondike đã khai thác được khoảng 1 tỷ USD vàng. Tuy nhiên, chỉ so với tổng số tiền phí đi đường của 100 nghìn người đổ đến đây (đổi sang giá trị ngày nay thì khoảng 27 nghìn USD/người) nó cũng đã nhỏ hơn rất nhiều.

Sau 3 năm bị khai thác quá mức, các mỏ vàng ở Klondike cũng cạn kiệt. Cơn sốt vàng chấm dứt, thợ săn vàng lũ lượt bỏ đi. Phải mất hàng thế kỷ, thành phố Dawson mới phần nào phục hồi dân số.

Ngày nay, thành phố Dawson vẫn là trung tâm của Klondike nhưng không còn bị vô luật nữa. Theo báo cáo năm 2018, tổng dân số của nó là hơn 2.300 người và GDP tăng trưởng ổn định.

Đặc biệt, Dawson cực kỳ phát triển ngành du lịch, mỗi năm đều có đến hơn 60 nghìn lượt du khách. Tuy không ít người đến đây với kỳ vọng may mắn tìm thấy vàng, song mục đích chính của họ vẫn là thăm thú các bảo tàng cũng như địa điểm liên quan đến cơn sốt vàng Klondike.

Theo thecollector.com

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.