Khổng Tử (Ảnh: Internet) |
Tuân Tử nói: "Nhân chi sơ tính bổn ác, lý tính hậu lai tập đắc", nghĩa là con người sinh ra ban đầu vốn dĩ là ác, nhưng sau này do học tập mà có lý trí, biết cái đúng cái sai.
Mạnh Tử và Tuân Tử đều là bậc thầy của Nho giáo thời Chiến quốc, dù có những đánh giá khác nhau về tính con người nhưng đều thống nhất rằng môi trường và sự giáo dục sẽ làm con người thay đổi, nghĩa là giáo dục đóng vai trò quyết định cho bản tính của con người trong tương lai.
Thật ra, đánh giá khác nhau về bản chất con người của hai ông không có gì mâu thuẫn. Tuân Tử nhìn theo hướng tiến hóa của vạn vật, cho rằng con người là một loài động vật trong thế giới sinh học nên theo nguồn gốc ban đầu vốn dữ tính, muốn thành người có lý trí thì phải được giáo dục.
Mạnh Tử nhìn con người từ khía cạnh xã hội học, cho rằng con người được sinh ra trong cộng đồng, có tình thương của cha mẹ, anh em, bè bạn nên bản tính ban đầu lương thiện, nhưng khi tiếp xúc, học tập trong các điều kiện xã hội khác nhau thì tính tình ắt sẽ khác nhau. Từ đó có thể thấy từ xưa đến nay, mọi thế hệ nhân loại đều khẳng định vai trò vô cùng to lớn của giáo dục đối với con người.
Mục tiêu của giáo dục
Mục tiêu của giáo dục thật sự rất rõ ràng là dạy làm người, nghĩa là rèn luyện đạo đức và nhân cách con người. Giáo dục đồng thời cung cấp kiến thức, kỹ năng để con người xây dựng cuộc sống hạnh phúc, văn minh. Nền giáo dục của nước ta cũng phải tìm ra các biện pháp để đạt được hai mục tiêu trên.
Nước ta có lịch sử lâu đời, đạo đức con người Việt Nam không những được hình thành từ sự đấu tranh sinh tồn với thiên nhiên, tạo nên sức mạnh cộng đồng thương yêu bảo vệ nhau, mà còn tiếp thu được nhiều nguồn tư tưởng và đạo đức của loài người, trong đó Phật giáo dạy lòng từ bi, vị tha, yêu thương mọi sinh linh...; Nho giáo dạy cách xử lý mối quan hệ giữa người với người, với cha mẹ (chữ hiếu), với cộng đồng quốc gia (chữ trung) và các mối quan hệ với người chung quanh khác, hình thành nên hệ thống đạo đức "lễ, nghĩa, liêm, sỉ, nhân, trí, tín, dũng"...; Thiên Chúa giáo và đạo Tin Lành dạy lòng bác ái, yêu tự do...; tư tưởng của Karl Marx dạy sự bình đẳng, yêu thương bênh vực người cô thế, đứng về phía quyền lợi người nghèo khó...
Các luồng tư tưởng và đạo đức của loài người quy tụ đến Việt Nam trên 2.000 năm qua đã được con người Việt Nam tiếp thu và chọn lọc, hình thành nên đạo đức tư tưởng văn hóa Việt Nam. Chính nền tảng văn hóa này là nguồn sức mạnh vô biên cho con người Việt Nam.
Trở lại thực trạng xã hội chúng ta. Sau ngày đất nước thống nhất, người Việt Nam ta thật sự làm chủ đất nước, hoàn toàn có quyền thiết kế một thể chế xã hội phù hợp với văn hóa, đạo đức, con người Việt Nam. Hơn 30 năm qua, tuy đã có tiến bộ về mặt xóa đói giảm nghèo, đời sống chung của người dân có được nâng cao, nhưng thành quả đó vẫn còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của đất nước.
Nếu so sánh với các nước xung quanh thì khoảng cách vẫn còn lớn. Điều đau lòng hơn là đạo đức cá nhân, đạo đức xã hội ngày càng có nhiều biểu hiện suy đồi, người lớn phải hổ thẹn với trẻ em, cấp trên phải hổ thẹn với cấp dưới khi nói về đạo đức. Nguy hại hơn, đáng phẫn nộ hơn là những kẻ đạo đức giả không hề ngại ngùng đứng bên trên giảng giải đạo đức cho người khác, những kẻ phạm pháp nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật... Đây mới chính là nguyên nhân trực tiếp nhất làm cho nền giáo dục của ta không thể đổi mới được.
Khi đạo đức con người, đạo đức xã hội bị suy đồi thì mọi cố gắng nỗ lực cho đầu tư phát triển kinh tế sẽ khó đạt được hiệu quả cao. Bộ máy công quyền dễ bị tê liệt và thậm chí bị lợi dụng làm nơi trú ẩn, làm công cụ cho những kẻ vô đạo đức trục lợi (các vụ tham nhũng, hối lộ, ăn chặn tiền cứu trợ dân nghèo là những biểu hiện rõ nhất). Đương nhiên, ngành giáo dục không đủ khả năng giải quyết thảm họa này, bởi đó không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục. Giáo dục hiện nay chỉ cố gắng ngăn chặn thế hệ tiếp theo không ngộ nhận, không xem cái bất cập là mô hình phải noi theo. Nếu làm được như thế đã là "công đức vô lượng" đối với đất nước.
Đạo đức nói chung là chuẩn mực hành vi của con người, trong đó đa số xuất phát từ lợi ích trực tiếp của cá nhân và đối tượng có quan hệ hay cộng đồng. Ví dụ phải hiếu thảo với cha mẹ, kính trọng thầy cô vì cha mẹ sinh ra và nuôi nấng ta, thầy cô dạy dỗ ta nên người, hoặc phải tận trung với nước, vì nước mất thì nhà tan... Dạng này tạm gọi là đạo đức riêng, thể hiện tư cách đạo đức cá nhân. Dạng đạo đức thứ hai không trực tiếp đem lợi gì ngay cho cá nhân, nhưng nếu cá nhân không có thì sẽ làm cho cộng đồng xấu đi nên tạm gọi là công đức tâm.
Người có công đức tâm thể hiện như sau: Đi đường nếu thấy một vật chướng ngại như tảng đá, hố sâu ngang đường có thể nguy hại cho người đi sau thì tự động dẹp đi hay làm một điều gì đó để người sau chú ý; thấy vòi nước chảy lãng phí thì khóa lại; để xe đúng chỗ không làm cản trở sự lưu thông trên đường... Những hành vi đó diễn ra một cách tự nhiên, không bị ràng buộc bởi trách nhiệm, không mưu cầu lợi ích cho riêng mình. Nó hoàn toàn khác với hành vi của những người có lợi ích, có trách nhiệm, nhưng không chịu thực hiện nghĩa vụ. Người có công đức tâm luôn là người có nhân cách và đạo đức tốt.
Đối với mục tiêu giáo dục con người có ích cho xã hội, công đức tâm là dạng đạo đức không thể thiếu trong nội dung giáo dục, nó được lồng ghép trong kỷ luật học đường, trong sinh hoạt nhà trường, trong những bài giáo dục công dân và trong mọi nội dung sách giáo khoa. Khi thế hệ mới được đánh thức trở lại đạo đức này thì sự đùm bọc và thương yêu nhau sẽ làm cho trật tự xã hội được cải thiện, vốn xã hội sẽ được hồi phục, việc phát triển kinh tế ắt sẽ có những tiến bộ vượt bậc, đời sống ắt sẽ được nâng cao hơn, sức mạnh của đất nước, của con người Việt Nam sẽ to lớn hơn.
Giáo dục kiến thức và kỹ năng
Hệ thống giáo dục của nước ta trong thời gian qua nặng về giáo dục lý thuyết, trong đó phần lý thuyết cũng đặt nặng về giáo dục chính trị và nhẹ về thực hành. Tỷ lệ trường dạy kỹ thuật, dạy nghề so với giáo dục phổ thông là thấp một cách bất thường so với yêu cầu của nền kinh tế. Đây là lý do tại sao lao động có kỹ thuật, có kỷ luật trong lực lượng công nhân không đủ hoặc không đạt yêu cầu.
Hệ đại học tuy trong những năm gần đây đã có nhiều tiến bộ nhưng vẫn còn yếu kém so với yêu cầu. Nội dung và phương pháp giảng dạy chậm được đổi mới. Sinh viên học một cách thụ động, do đó khi ra trường khó kiếm công ăn việc làm, phải dựa vào mối quan hệ thân quen hay vào một khả năng khác để có một việc làm, sau đó từng bước tự đào tạo hay tự thích nghi với yêu cầu của công việc.
Ngoài ra, việc đào tạo cấp đại học còn có những hiện tượng bất cập khác: dù số giảng viên, giáo sư không đủ cho các trường chính quy nhưng trường đại học hay lớp đào tạo đại học dạng tại chức, chuyên tu thuộc các ngành kinh tế, xã hội lại vẫn được mở ra khắp nơi; các trường kỹ thuật, trường nghề lại không được phát triển. Hệ quả là chất lượng đào tạo ngày càng kém hơn.
Từ thực trạng giáo dục đó, có những bất cập sau đây cần phải xử lý ngay:
- Cơ cấu, tỷ lệ phân bổ giữa hệ phổ thông trung học với hệ trung học kỹ thuật và dạy nghề phải cân đối hơn, thỏa mãn cho được nhu cầu lao động cho phát triển kinh tế. Các loại hình đào tạo đều có thể liên thông nhau để mọi học viên đều có cơ hội học lên cao về sau.
- Hệ đại học, cao đẳng phải có được quy chế tự chủ rộng rãi hơn, được chủ động trong nội dung chương trình, chọn phương pháp giảng dạy phù hợp. Nhà trường được chủ động về thu nhận học viên, chọn lựa giảng viên, cấp bằng tốt nghiệp và tự chủ về tài chính.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nên cho phép Việt kiều, doanh nhân nước ngoài đang đầu tư tại Việt Nam hay các trường nước ngoài mở trường học. Như thế mới có thể nhanh chóng hội tụ thêm những kinh nghiệm cụ thể.
Phương pháp giáo dục mới phải giúp và buộc học sinh sử dụng tốt công cụ thông tin trên mạng để bổ sung kiến thức còn thiếu. Mục tiêu và phương pháp giảng dạy cũng phải thay đổi. Chúng ta xem quá trình dạy và học thông qua ba tầng tiếp thu của học sinh như sau:
* Nếu chỉ dừng ở tầng 1 - tiếp nhận thông tin. Khi ấy thầy giảng, trò nghe và ghi nhớ. Trò cần học thuộc với hy vọng sử dụng kiến thức đó để kiếm sống. Điều này ngày xưa thì được, nhưng nay có thể không được, nếu chẳng may điều thầy dạy không còn đúng với thực tế nữa.
* Tầng 2 diễn ra khi đã có sự trao đổi thông tin và tạo thông tin mới, tức là thầy và trò có sự trao đổi trong quá trình dạy và học nhằm bám sát thực trạng xã hội, giúp trò sau này dễ dàng vận dụng được những điều đã học vào những môi trường thực tế hết sức đa dạng.
* Tầng 3 là rèn luyện cách tiếp cận, hình thành phương pháp tư duy sáng tạo. Trong quá trình giảng bài với những bài học khác nhau, người thầy phải chọn những nội dung để kết cấu thành hệ thống bài giảng nhằm từng bước hình thành một phương pháp tư duy, tạo nên kỹ năng sáng tạo cho trò. Kết quả là trò sẽ có phương pháp tiếp cận thực tế độc đáo và hiệu quả, có kỹ năng giải quyết vấn đề ở tầm tư duy ngang bằng thời đại.
Như vậy, điều hết sức quan trọng mà thầy cần rèn cho trò tại trường là phương pháp tiếp cận thông tin, quan sát và nhận dạng vấn đề, hình thành nhận thức mới đúng đắn và ngang bằng với trình độ chung của học sinh cùng bậc ít nhất là của các nước tiên tiến trong khu vực.