Con người tiến gần hơn cuộc sống trên sao Hỏa

GD&TĐ - Sau khi MOXIE hoàn thành sứ mệnh tạo oxy trên sao Hỏa, NASA đang triển khai tiếp công việc tiếp theo.

Bầu khí quyển của sao Hỏa có hơn 95% là khí CO2.
Bầu khí quyển của sao Hỏa có hơn 95% là khí CO2.

Sau khi MOXIE hoàn thành sứ mệnh tạo oxy trên sao Hỏa, NASA đang triển khai tiếp công việc tiếp theo. Từ đó, chuẩn bị cho kế hoạch đưa các phi hành gia đầu tiên lên sao Hỏa vào những năm 2030.

“Cánh cửa” hy vọng

Khi hạ cánh xuống sao Hỏa vào tháng 2/2021, tàu thăm dò Perseverance không đơn độc. Ngoài trực thăng Ingenuity, chiếc xe tự hành này còn mang theo một bộ dụng cụ khoa học được thiết kế để tìm kiếm những dấu hiệu cổ xưa của sự sống.

Được gắn trong khung gầm của xe tự hành Percy (tên gọi khác của Perseverance) còn có MOXIE - thiết bị tận dụng tài nguyên tạo oxy tại chỗ trên sao Hỏa. Thiết bị này đã tạo ra oxy thành công trong hơn hai năm từ bầu khí quyển giàu carbon dioxide của Hành tinh Đỏ.

Thí nghiệm đầu tiên này đã kết thúc và vượt quá sự mong đợi của NASA. Khả năng của thiết bị đã chứng minh rằng, oxy dùng cho các hệ thống hỗ trợ sự sống và nhiên liệu tên lửa có thể được tạo ra trên sao Hỏa, thay vì phải vận chuyển từ Trái đất. Thiết bị này là một công cụ khác cho phép con người khám phá sao Hỏa. Song, các phi hành gia sẽ cần hỗ trợ hậu cần nhiều hơn nữa trước khi có thể ứng dụng phương pháp này.

Sau khi MOXIE hoàn thành xuất sắc sứ mệnh tạo oxy trên sao Hỏa, NASA dành một năm trong môi trường sống mô phỏng trên sao Hỏa ở Texas (Mỹ). Từ đó, chuẩn bị cho kế hoạch đưa các phi hành gia đầu tiên lên sao Hỏa vào những năm 2030. Trong khi đó, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đang chuẩn bị cho chuyến du hành đầu tiên từ Trái đất đến sao Hỏa cũng vào cuối thập kỷ này.

Tuy nhiên, trước khi định cư trên sao Hỏa, con người cũng cần hiểu rõ địa hình và thời tiết của Hành tinh Đỏ. Các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học New York Abu Dhabi (NYUAD) đang đưa giấc mơ sống trên sao Hỏa này đến gần hơn, thông qua công cụ Mars Atlas. Bản đồ sao Hỏa này do các nhà nghiên cứu tại Trường Đại học New York Abu Dhabi tạo ra, sử dụng các bức ảnh màu của toàn bộ hành tinh do tàu thăm dò Hope chụp.

Dimitra Atri - người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu sao Hỏa - cho biết, sau khi kết hợp hơn 3.000 hình ảnh có độ phân giải cao do tàu thăm dò Hope của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất thu thập - tàu đã quay quanh sao Hỏa từ năm 2021, nhóm đã tạo ra “một bức tranh khảm màu tuyệt đẹp về toàn Hành tinh Đỏ”.

Cũng theo các nhà khoa học, bầu khí quyển sao Hỏa rất mỏng. Điều này không giúp tàu vũ trụ giảm tốc trong quá trình tiếp cận. Do đó, việc hiểu các kiểu thời tiết hằng ngày và theo mùa trên sao Hỏa có thể giúp nhóm nghiên cứu xác định thời gian và địa điểm an toàn nhất để hạ cánh.

Mars Atlas có thể được sử dụng để xác định các kiểu thời tiết, tài nguyên và địa điểm hạ cánh an toàn cho những nhà thám hiểm trong tương lai. Dimitra Atri - người đứng đầu Nhóm Nghiên cứu sao Hỏa tại trường đại học - cho biết: “Nghe có vẻ không thực tế. Tuy nhiên, có lẽ trong tương lai, việc con người lên sao Hỏa và thậm chí sống ở đó sẽ rất phổ biến”.

Việc con người lên sao Hỏa và sống ở đó được dự đoán là có thể phổ biến trong tương lai.

Việc con người lên sao Hỏa và sống ở đó được dự đoán là có thể phổ biến trong tương lai.

Tranh cãi trái chiều

Theo Serkan Saydam - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kỹ thuật Vũ trụ Australia, Giáo sư tại Đại học New South Wales, việc thuộc địa hóa sao Hỏa có thể khả thi trong vài thập kỷ. “Tôi tin rằng, vào năm 2050, chúng ta sẽ có một thuộc địa của con người trên sao Hỏa”, ông nói.

Theo Giáo sư Saydam, điều quan trọng đầu tiên khi thiết lập thuộc địa sao Hỏa là nước. Trong khi đó, nước có thể được chiết xuất từ băng và khoáng chất ngậm nước. Nước sẽ thúc đẩy nông nghiệp trên sao Hỏa. Trong khi đó, hydro từ băng và các khoáng chất có thể được dùng làm nguồn năng lượng cho tên lửa.

Tuy nhiên, có một số nhà khoa học đưa ra những ý kiến kém lạc quan hơn. Một số nhà thần kinh học đã làm việc với các phi hành gia của NASA. Họ nói rằng, có vẻ “hơi viển vông” khi mọi người bàn về việc xây khu vực sống trên sao Hỏa. Mặc dù, sao Hỏa là lựa chọn thực tế nhất cho việc định cư ngoài Trái đất, điều kiện ở đó lại không phù hợp với con người.

Bầu khí quyển của sao Hỏa có hơn 95% là khí CO2, nhiệt độ trung bình là âm 80 độ F (âm 60 độ C). Chắc chắn có nhiều “ngôi nhà” mới phù hợp với con người hơn ở các hành tinh bên ngoài Hệ Mặt trời, được gọi là ngoại hành tinh. Tuy nhiên, những khu vực tiềm năng này lại cách Trái đất rất xa.

Trong khi đó, ông Frederic Marin - nhà vật lý thiên văn hố đen tại Đài quan sát Strasbourg thuộc Đại học Strasbourg - cho biết: “Với công nghệ hiện tại, chúng ta sẽ mất vài chục nghìn năm để tiếp cận được ngoại hành tinh gần nhất. Chúng tôi nhận thấy rằng, cứ sau mỗi thế kỷ, vận tốc của phương tiện đẩy lại tăng lên gấp 10 lần”.

Thời gian di chuyển này có thể khiến việc xâm chiếm ngoại hành tinh bất khả thi. Tuy nhiên, ông Marin từng chạy mô phỏng máy tính cho việc du hành liên sao. Ông bày tỏ hy vọng thời gian di chuyển sẽ giảm mạnh trong tương lai gần nhờ các tàu vũ trụ nhanh hơn.

Ông Marin đã đặt ra kịch bản giả thuyết về việc tiếp cận một ngoại hành tinh thân thiện với con người trong vòng 500 năm. Các mô phỏng của Marin cho thấy, khoảng 500 người là dân số khởi đầu phù hợp cho một con tàu thuộc địa nhiều thế hệ.

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều vấn đề gặp phải như con của phi hành gia sẽ như thế nào khi được sinh ra trong cuộc sống du hành giữa các vì sao và một vài yếu tố đạo đức khác.

Theo CNN; Live Science

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.