Con ngựa thành Troy: Có thật hay huyền thoại?

GD&TĐ - Theo thần thoại cổ đại, “Con ngựa thành Troy” đã giúp những người Hy Lạp chiếm được thành phố Troy sau một thời gian bao vây.

Di tích thành Troy ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Di tích thành Troy ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Thế nhưng, các nhà sử học hiện vẫn bất đồng về việc liệu con thú bằng gỗ khổng lồ nổi tiếng này có thật hay không.

Ngựa thành troy trong sử thi và kịch

Lịch sử Hy Lạp cổ đại ghi chép rằng, nhờ con ngựa thành Troy mà đoàn quân Hy Lạp vốn đang mệt mỏi vì chinh chiến dai dẳng vào được thành phố và cuối cùng giành thắng lợi. Truyền thuyết kể, con ngựa khổng lồ được chế tạo theo lệnh của Odysseus, người đã cùng với một số binh sĩ thiện chiến nấp trong nó để đánh lừa kẻ địch. Nhờ chiến công này, con ngựa gỗ mãi mãi bất tử trong các tác phẩm cổ điển. Nhưng nó có thực sự tồn tại?

Trong những năm gần đây, các nhà sử học đã đặt câu hỏi: Liệu màn phô trương cường điệu về con ngựa gỗ của người Hy Lạp có phải là một câu chuyện thần thoại để làm cho họ giống một đội quân thần thánh? Một số nhà cổ điển học thì cho rằng, quân đội Hy Lạp đã sử dụng một loại khí tài dùng trong bao vây đối phương - giống như một phiến gỗ phá thành - và những mô tả về con ngựa thành Troy chỉ mang tính ẩn dụ.

Tuy nhiên, cho dù con ngựa thành Troy có thực sự tồn tại hay không, vị trí của nó trong lịch sử không thể phủ nhận.

Có một văn bản đề cập đến con ngựa thành Troy trong thời cổ đại, đó là Aeneid của Virgil, một nhà thơ La Mã sống vào triều đại Augustus, ông đã viết sử thi này vào năm 29 trước Công nguyên. Trong câu chuyện của Virgil, một người lính Hy Lạp tên là Sinon giả vờ lạc ngũ để cho quân thành Troy bắt.

Hắn khai đã bị bỏ rơi trong khi quân Hy Lạp vội vã rút hết về nước. Trước khi rút đi, họ đã để lại một con ngựa làm vật hiến tế dâng cho thần Athena. Hắn còn nói thêm rằng, nếu mang được con ngựa gỗ, linh vật của nữ thần Athena, vào bên trong thì thành Troy sẽ bền vững mãi mãi. Vua Priam tin lời, ra lệnh cho quân và dân phá hẳn một đoạn tường để đưa ngựa gỗ khổng lồ vào thành.

Một tu sĩ  thành Troy, tên là Laocoön, nhanh chóng nhận ra có điều gì đó không ổn. Theo Aeneid , ông ta đã cố gắng cảnh báo lực lượng bảo vệ thành về mối nguy hiểm sắp xảy ra. Nhưng đã quá muộn - “con ngựa đã vào thành Troy”.

Trước Aeneid, một vở kịch có tên The Trojan Women của Euripides cũng đề cập đến “con ngựa thành Troy”.

Tác phẩm được viết lần đầu tiên vào năm 415 trước Công nguyên, có Poseidon - thần biển của người Hy Lạp - mở đầu cùng khán giả: “Từ ngôi nhà bên dưới núi Parnassus, Phocian Epeus, được hỗ trợ bởi tay nghề của Pallas, đã đóng một con ngựa gỗ đủ để che giấu trong bụng nó một toán quân tinh nhuệ.

Người và ngựa được đưa ra chiến trường đầy rẫy sự chết chóc. Trong những ngày tới, những người đàn ông sẽ kể về ‘con ngựa bằng gỗ’ với các chiến binh ẩn náu trong nó”.

Bức tranh mô tả con ngựa gỗ khổng lồ, bên trong có một toán quân Hy Lạp, được kéo vào thành.

Bức tranh mô tả con ngựa gỗ khổng lồ, bên trong có một toán quân Hy Lạp, được kéo vào thành. 

Thực tế hay truyền thuyết?

“Người ta tin tưởng vào tuyên bố về một chương trình máy tính không có Trojan horse ở chừng mực nào? Có lẽ điều quan trọng hơn cả là nên tin vào những người đã viết phần mềm”, Ken Thompson.

Trong cả vở kịch và bài thơ, con ngựa tượng trưng cho chiến thắng. Nhưng vở kịch The Trojan Women mô tả nó theo nghĩa ẩn dụ, còn Aeneid khiến các nhà sử học xem nó tồn tại theo nghĩa đen và thực tế hơn. Và đây là một ý tưởng mà các nhà sử học cổ đại lẫn hiện đại đều muốn bác bỏ.

Nhà sử học Pausanias người Hy Lạp sống vào thế kỷ thứ hai Công nguyên, dưới triều đại La Mã của Marcus Aurelius, trong cuốn sách Description of Greece của mình, đã mô tả một con ngựa được làm bằng đồng, không phải bằng gỗ, chứa những người lính Hy Lạp dũng cảm bên trong nó.

Gần đây hơn, vào năm 2014, Tiến sĩ Armand D"Angour của Đại học Oxford, Anh, đã giải thích sự kiện này đơn giản hơn. “Bằng chứng khảo cổ học cho thấy thành Troy từng tồn tại nhưng đã bị thiêu rụi, còn ngựa gỗ khổng lồ là một câu chuyện phóng đại của những người giàu trí tưởng tượng, có lẽ được lấy cảm hứng từ các phương tiện phá thành thời cổ đại, được bọc bằng da ngựa ẩm ướt để ngăn chúng bùng cháy”.

Một số nhà sử học khác cho rằng, thực tế “con ngựa thành Troy” có thể là bất cứ thứ gì, từ một con tàu với binh lính bên trong, cho đến một phiến gỗ phá thành đơn giản được bọc vật liệu tương tự như da ngựa.

Tuy nhiên, mới đây vào tháng 8 năm 2021, các nhà khảo cổ ở Thổ Nhĩ Kỳ đã tìm thấy hàng chục tấm ván gỗ có niên đại hàng nghìn năm tuổi trên các ngọn đồi của Hisarlik - nơi được cho là địa điểm lịch sử của thành phố Troy. Mặc dù nhiều nhà sử học còn hoài nghi, nhưng các nhà khảo cổ học này tin rằng họ đã tìm thấy phần còn lại của con ngựa thành Troy.

Cho dù có thật hay không, thuật ngữ “Con ngựa thành Troy” vẫn được sử dụng cho đến ngày nay, ám chỉ đến sự lật đổ từ bên trong.

Gần đây, “Con ngựa thành Troy” - thường được gọi đơn thuần là Trojan, để chỉ phần mềm độc hại đánh lừa người dùng máy tính về mục đích thực sự của nó. Khi một Trojan chiếm quyền điều khiển máy tính của bạn, nó làm cho máy tính dễ bị tấn công bởi những “kẻ xâm lược” khác.

Có lẽ các nhà sử học trong tương lai sẽ nhìn vào nhà khoa học máy tính Ken Thompson - người đầu tiên đặt ra cụm từ này vào những năm 1980 - giống như cách ngày nay chúng ta nhìn nhận về Virgil và Pausanias.

Theo Allthatsinteresting

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ