Heinrich Schliemann (1822-1890) là nhà buôn, chủ doanh nghiệp và người mê thám hiểm. Ông sinh trưởng tại phần đất nghèo khó nhất ở tỉnh Mecklenburg-Schwerin thuộc Vương quốc Phổ. Năm 1873, ông lấy cô vợ thứ 2 Sophia Engastromenos (1852-1932) người Đức gốc Hy Lạp. Khi cơ ngơi đã vững vàng, Schliemann bắt đầu đầu tư cho những hoạt động thám hiểm, khảo cổ nhằm thỏa mãn thú đam mê riêng của mình.
Dựa trên những tư liệu sưu tập được và trên các cơ sở khoa học, Schliemann đã tìm thấy trên ngọn đồi Hissarlik ở vùng tây bắc bán đảo Tiểu Á thuộc Thổ Nhĩ Kỳ kho báu huyền thoại của đức Vua Priam - như lời đồn đại suốt nhiều thế kỷ trước đó, được thế giới biết tới dưới cái tên "kho báu thành Troy" theo truyền thuyết Hy Lạp cổ đại. Lúc đầu nhà thám hiểm đem những hiện vật vừa tìm thấy được về kinh thành Athens của Hy Lạp, rồi sau ông lại di chúc: "Đây là tặng phẩm dành cho nhân dân Đức và kho báu này nên được bảo quản tại thủ đô Berlin".
Trước đó, từng đề nghị tặng các hiện vật thuộc kho báu Troy cho người Hy Lạp, là "nơi đã cưu mang phần đời còn lại của tôi", như nguyên văn lời nhà thám hiểm lúc sinh thời; thậm chí ông còn đòi xây một tòa bảo tàng đặc biệt ở Athens với điều kiện là bảo tàng phải mang tên "Slimannio" (họ Schliemann phiên âm theo tiếng Hy Lạp).
Theo đó, vào đầu tháng 7/1945, thực thi lệnh từ Điện Kremlin, một chuyến phi cơ quân sự đặc biệt đã chuyển toàn bộ kho báu thành Troy thuộc "các chiến lợi phẩm bí mật cần phải được lưu giữ" từ Berlin về Moscow, rồi được bảo quản dưới hầm ngầm Viện Bảo tàng Puskin, là một trong những viện bảo tàng nghệ thuật lớn nhất thế giới.
Đỉnh cao của các sự kiện là lời tuyên bố của Tổng thống Nga Boris Yeltsin (1931-2007), trong chuyến công du duy nhất tới Hy Lạp trong nhiệm kỳ của ông vào cuối thập niên 90: "Tôi sẵn sàng mang tới Athens những hiện vật thành Troy, để tham gia cuộc triển lãm quy mô quốc tế về nền văn minh Hy Lạp cổ đại”. Hiển nhiên là B.Yeltsin muốn lấy lòng người Hy Lạp, nhưng sau lại… quên không giữ lời.
Trong khi bà Irina Antonova, người từng giữ chức Giám đốc Viện Bảo tàng Puskin hơn nửa thế kỷ (từ năm 1961-2013), đồng thời cũng là thành viên thuộc một Hội đồng Văn hóa cấp Liên bang mới được thành lập nhằm "bàn giao những hiện vật từng bị tịch thu", đáp lại những đòi hỏi gắt gao của phía Đức với lập luận: "Bao giờ các ngài trả lại phòng Hổ phách (căn phòng nổi tiếng thuộc Cung điện Ekaterina gần Leningrad, bị quân phát xít Đức lấy đi hồi đầu Thế chiến II) cho chúng tôi, lúc ấy chúng ta hẵng bàn tới quyền sở hữu kho báu của Vua Priam".
Giới chức Ankara "té nước theo mưa" một mực đòi xem xét lại những thỏa thuận đã ký với nhà thám hiểm khảo cổ H. Schliemann trong thế kỷ XIX, đồng thời khẳng định: "Kho báu thành Troy phải thuộc sở hữu của người Thổ Nhĩ Kỳ vì nó được tìm ra trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu Moscow không trả, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đâm đơn kiện Liên bang Nga lên Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) ở The Hague, Hà Lan"…
Cuối cùng, tới lượt các hậu duệ con cháu đông đảo của doanh nhân H. Schliemann lên tiếng. Tuy họ không có tham vọng về quyền sở hữu kho báu bởi thực tế là họ chẳng thể có đặc quyền ấy, nhưng nhân danh cha ông, họ muốn cho mọi việc được rạch ròi. Như một người chắt ngoại của nhà thám hiểm lừng danh còn quả quyết: "Tôi biết chính xác vùng đất mà ông cố mình đã tìm ra kho báu, nó hoàn toàn không phải thuộc lãnh địa do Ankara quản lý"(?!). Còn một người chắt khác thì khăng khăng đòi trả lại kho báu cho Berlin "thể theo ý nguyện của H. Schliemann lúc sinh thời"…
Quyền sở hữu kho báu thành Troy huyền thoại vẫn chưa ngã ngũ. Một vài nhà phân tích am hiểu cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Đức càng cãi nhau bao nhiêu đi chăng nữa, càng tạo cơ hội cho Nga được giữ kho báu bên mình… vô thời hạn!