Con là cứu cánh đời mẹ

GD&TĐ - Sinh ra một đứa con, đó là thiên chức của người phụ nữ, nhưng trong một số trường hợp đặc biệt, nhất là với những phụ nữ Việt muốn có giấy tờ hợp pháp để định cư vĩnh viễn ở nước ngoài, thì đứa con còn là cứu cánh cuộc đời.

Ảnh có tính chất minh họa
Ảnh có tính chất minh họa

Cũng có người lên tiếng phê phán việc những người phụ nữ dùng con mình như một phương tiện để đem lại lợi ích cho mình. Ví như người phụ nữ, vì muốn ràng buộc một người đàn ông, đã cố tình “bẫy” anh ta để dính bầu và anh ta phải cưới mình, hoặc có trách nhiệm tài chính cũng như tình cảm với mình.

Còn trong trường hợp khác, thì người phụ nữ cố gắng sinh thêm con với người chồng nước ngoài, cốt để có đủ điều kiện định cư vĩnh viễn tại đất nước đó. Tuy nhiên, người ngoài bao giờ cũng dễ phán xét, chỉ có người trong cuộc mới tỏ mọi nỗi niềm.

Châu Âu được coi là miền đất hứa của một số phụ nữ Việt, nên việc lấy chồng châu Âu, sinh con và lấy tấm thẻ xanh “Thành viên gia đình công dân EU”, thậm chí sau đó sang châu Âu sinh sống và thi vào quốc tịch quốc gia mình định cư, quê hương của chồng là mục tiêu quan trọng của những phụ nữ này.

Hoàn, một phụ nữ lấy chồng Czech, nhưng vẫn sống ở Việt Nam, sinh hai con. Cô sang Czech làm thủ tục để có thẻ “Thành viên gia đình công dân EU”, để cô được hưởng những quyền lợi như: đi lại trong châu Âu không cần visa, được đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội nếu muốn, trong trường hợp chồng cô mất trước cô, cô sẽ được hưởng sáu mươi phần trăm lương của anh.

Hoàn cho biết, hiện giờ công việc kinh doanh của vợ chồng cô ở Việt Nam đang rất tốt nên cô vẫn lưu lại Việt Nam. Kiếm tiền thêm dăm năm nữa rồi vợ chồng cô sẽ trở lại Czech. Dù sao chất lượng sống ở đó vẫn cao hơn ở Việt Nam rất nhiều. Nhưng trong một lần mâu thuẫn lớn trong gia đình, Hoàn tính bỏ chồng.

Tôi hỏi cô, nếu em bỏ chồng, thì em mất luôn chế độ là thành viên gia đình công dân EU. Hoàn cười bảo tôi, dù em li dị chồng thì con em vẫn có quốc tịch Czech, em vẫn là mẹ ruột của công dân EU, đương nhiên em vẫn giữ được tấm thẻ là thành viên gia đình công dân EU chứ.

Đúng như vậy, nếu muốn sống lâu dài ở châu Âu thì nhất định phải có con với người châu Âu. Để tránh việc kết hôn giả, cốt làm giấy tờ định cư hợp pháp ở châu Âu, một số quốc gia đưa ra luật: Nếu li dị thì người từng là vợ (hoặc chồng) ngoại quốc của công dân nước họ sẽ bị tước thẻ thành viên gia đình công dân EU. Trong hôn nhân, ai biết trước được điều gì sẽ xảy ra. Chồng, vợ thì có thể thay đổi, nhưng con cái thì vĩnh viễn là của mình, là dòng máu của mình.

Do đó, trăm người phụ nữ Việt lấy chồng Tây thì chín mươi chín phần trăm nhất định phải có con để nắm chắc cái khoản thẻ định cư. Trường hợp của Trinh cũng vậy, bị thất vọng với cuộc hôn nhân đầu tiên với một người chồng Việt, dù đã có hai con nhưng Trinh nhất định phải tìm được một người đàn ông châu Âu để lấy làm chồng.

Qua nhiều lần mối lái không thành, Trinh đành lấy một Việt kiều đã sống ở Pháp từ nhỏ, có quốc tịch Pháp. Dù anh chồng mới đã già, sắp về hưu và đã có hai con riêng, nhưng Trinh vẫn cố gắng sinh cùng anh một đứa con. Sinh con ra, cô mừng khôn xiết. Con cô có quốc tịch Pháp. Thế là từ nay chẳng ai có thể đuổi cô ra khỏi đất Pháp được nữa.

Sinh ra một đứa con, quả thực vô cùng vất vả, vậy thì việc nhờ con mà mẹ có giấy tờ hợp pháp, thì cũng đâu có gì đáng trách, đó là lý luận của Ngọc, người đã cố sinh đứa con thứ ba dù bác sĩ khuyên là không nên. Cô sinh mổ hai lần trước đó, về nguyên tắc không nên sinh đứa con thứ ba vì rủi ro cho mẹ rất cao.

Khi sang Hà Lan, cô lấy chồng khác và quyết liều mạng có thêm con với chồng mới. Nhờ trời, mẹ tròn con vuông, nhưng bác sỹ quyết định cô nên phẫu thuật cắt vòi trứng để vĩnh viễn không sinh con nữa. Cô đồng ý. Dù sao cô cũng đã có đứa con quốc tịch Hà Lan rồi. Điều khó khăn nhất cô đã vượt qua, và điều quan trọng nhất cô cũng đã đạt được.

Dẫu vậy, sống ở nơi nào, dù có là thiên đường, thì phụ nữ mãi mãi vẫn là người mang vác gánh nặng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.