Chồng tôi trả lời: "Mẹ là sư tử Hà Đông mà", mặt con bé vẫn nghệt ra, có lẽ nó không thỏa mãn với lời giải thích đó.
Một câu nói của con đã khiến tôi ngồi trầm ngâm cả buổi tối suy nghĩ mình đã tác động như thế nào đến gia đình này. Tôi ngạc nhiên vì khả năng quan sát và nhận xét của con. Hóa ra con bé đã rất để ý đến cách hành xử của bố mẹ.
Lần đầu tiên sau 5 năm chung sống, tôi tự hỏi một ngày mình cười bao nhiêu lần với chồng. Điều tưởng như giản dị thậm chí vớ vẩn so với những bộn bề cuộc sống, nhưng lại vô cùng quan trọng. Tôi có thường xuyên mang đến niềm vui cho gia đình này?
Một căn nhà gọn gàng sạch sẽ nhưng đi kèm lời trách chồng mắng con sao không biết dọn dẹp. Những bộ quần áo là phẳng phiu cho chồng đi cùng lời so sánh sao chồng người ta biết ăn mặc bảnh bao, sành điệu.
Tài khoản tiết kiệm của gia đình mỗi năm một lớn thêm nhờ tôi khéo thu vén, tiết kiệm nhưng dăm bữa nửa tháng tôi lại cằn nhằn không có quần áo mặc, không có tiền mua bộ mỹ phẩm đắt đỏ. Liệu chồng con tôi có thật sự cần những điều ngăn nắp, chỉnh chu đó hay họ cần sự thoải mái, nhẹ nhõm, niềm nở từ tôi hơn?
Chúng tôi đã mấy lần đòi chia tay nhau vì không khí u ám, căng thẳng kéo dài trong tổ ấm của mình. Tôi thường cằn nhằn chồng vì chưa dám ra làm riêng để bứt phá tài chính, chưa lãng mạn, quan tâm, chưa gọn gàng, ngăn nắp. Dường như tôi đã làm quá rồi.
Tôi không hề muốn ly hôn người đàn ông này bởi những nhược điểm đó vì suy cho cùng anh vẫn là mẫu người chịu khó, chăm lo gia đình. Nghĩ đến cảnh con gái phải sống với chỉ bố hoặc mẹ, tôi lại càng không đành lòng. Vậy thì hà cớ gì tôi lại khó chịu với người mình xác định sẽ sống chung đến cuối đời?
Kể từ hôm đó, tuy khá khó khăn, nhưng tôi đã dần hạn chế sự cau có của mình. Mỗi sáng tôi đánh thức chồng con dậy, tươi cười huy động hai bố con cùng thay đồ đi học, đi làm và chuẩn bị bữa sáng thay vì tự mình làm hết rồi lại cằn nhằn.
Tôi đón chồng trở về nhà sau giờ làm bằng nụ cười thay vì lời trách móc sao anh không cất giày trong tủ. Tôi động viên chồng nhận thêm dự án ngoài để tăng thu nhập thay vì than vãn tiền lương sao nhanh hết thế.
Tôi cũng hào phóng hơn với chính mình và gia đình. Những bộ đồ đẹp, bữa ăn ngoài nhà hàng, thi thoảng đi du lịch ngắn ngày đổi gió. Những khoản chi đó không đến nỗi làm tài chính gia đình tôi lao đao mà lại mang đến niềm vui cho cả nhà.
Chồng ngạc nhiên vì sự thay đổi của tôi. Anh ấy bảo tôi làm anh nhớ lại những ngày mới yêu khi anh bị chinh phục bởi nụ cười rạng rỡ của tôi, lâu lắm rồi tôi mới lại vui vẻ như thế, anh cảm thấy thoải mái khi về nhà.
Thấy mẹ niềm nở, hai bố con cũng tự giác và nhiệt tình làm việc nhà hơn thay vì làm trong gượng gạo, chống đối như ngày trước. Hóa ra tinh thần tích cực có sức mạnh đến vậy, có thể biến những khó khăn trở nên dễ dàng, những xung đột trở nên dễ chịu.
Và sự thay đổi của tôi đã có tác động lớn nhất đến con gái. Con bé an tâm khi thấy bố mẹ hòa bình, nó cứ hỏi bố: "Mẹ bây giờ không phải là sư tử Hà Đông nữa phải không bố?" và hớn hở ra mặt khi được trả lời: "Đúng rồi mẹ con bây giờ là mẹ hiền".