Vào một ngày cuối tháng Ba, cô sinh viên 23 tuổi này nói với ba mẹ rằng cô sẽ qua nhà bà con tại Khartoum ngủ. Ngày hôm sau, cô gửi tin nhắn thông báo cho bố mẹ rằng đang phải tập trung ôn thi thạc sĩ tại thư viện của trường, nên không muốn bị làm phiền. Thực tế, Hussein đã tới Thổ Nhĩ Kỳ với một nhóm sinh viên y khoa người Anh và Sudan rồi lên đường sang Syria.
Nhiều người biết tới IS là một tổ chức Hồi giáo cực đoan đánh bóng tên tuổi qua các đoạn video chặt đầu các con tin phương Tây hay thiêu sống một phi công người Jordan.
Hussein và những người bạn ở Sudan được tiếp cận với các kiến thức về tôn giáo qua các buổi học trên giảng đường. Hành trình tới Syria của họ phản ánh những thách thức phức tạp mà phương Tây và các quốc gia Arab phải đối mặt trong việc loại bỏ sức hút của IS.
Một đặc điểm chung trong hồ sơ của các “chiến binh” này là: thất vọng, tức giận và trẻ. Đa số họ xuất thân từ các gia đình khá giả, không có mối liên hệ với những lực lượng cực đoan.
Với trường hợp của Hussein, cha cô là một người có tiếng tăm trong xã hội Sudan và là giám đốc một trong những bệnh viện công lớn nhất của nước này.
Một người bạn thân thiết với gia đình Hussein nói: “Trước khi có những chuyển biến trong tâm lý và cách hành xử, Hussein là một cô gái cởi mở, khá bảo thủ giống như các thành viên khác trong gia đình mình”.
Con đường đi xuyên qua các giảng đường trong Đại học Khoa học và Công nghệ Y (UMST), nơi mà nhóm sinh viên cực đoan của Hussein theo học, luôn chật kín sinh viên ăn vận theo kiểu phương Tây, một điều rất khác biệt tại quốc gia có tiếng là bảo thủ như Sudan.
Vì hoạt động truyền giáo được cho là kích động bạo lực, Jizouli đã bị bắt vài tháng trước. Không rõ liệu có ai trong nhóm sinh viên của Hussein đã từng nghe các bài thuyết giáo của nhân vật này hay không.
Ahmed Babaker - Chủ tịch hội sinh viên của UMST - cho biết nhóm của Hussein thường tụ tập trong một căn hộ ở khu vực thượng lưu của Khartoum và có lẽ đã được Mohammed Fakhri - một người Anh gốc Palestine tuyển mộ.
Giáo sĩ Mohammed al-Jizouli từng thuyết giảng trên giảng đường UMST. |
Fakhri từng tới Anh sau khi tốt nghiệp UMST và tại đây, tên này đã lên đường sang Syria để gia nhập IS trước khi quay trở về Sudan.
Trước đó, đã có những lời chỉ trích việc hội sinh viên UMST cho phép những giáo sĩ như Jizouli được phép thuyết giáo ủng hộ hoạt động thánh chiến.
“Sau khi có hai sinh viên tới Mali để gia nhập các nhóm tôn giáo, chúng tôi đã cho ngừng hoạt động của các giáo sĩ”, chủ tịch hội sinh viên Babaker giải thích.
Tuy nhiên, vì nhiều lý do trường vẫn không cho đóng cửa hoàn toàn hoạt động của hội các giáo sĩ và cho biết rằng họ đang triển khai các chương trình làm thay đổi nhận thức của giới trẻ.
“Sau khi nhóm của Hussein bỏ trường theo IS, trường đã bắt đầu hợp tác với các cơ quan an ninh và tình báo để tăng cường giám sát các sinh viên có những biểu hiện nghi vấn.
Chúng tôi rất lo lắng về hiện tượng này và đang nỗ lực ngăn chặn điều tương tự xảy ra”, Babaker chia sẻ. Nhưng biện pháp này có lẽ đã là quá muộn bởi các bài thuyết giáo mang hơi hướng cực đoan đã có ảnh hưởng sâu rộng trong nhiều sinh viên của trường.
Một nữ sinh giấu mặt trong chiếc khăn niqab tiết lộ: “Ban đầu, tôi không choàng khăn niqab hay đọc các bài luận của Tổ chức Văn minh hồi giáo (tổ chức của giáo sĩ Jizouli) về cách thức thực hành giáo lý Đạo Hồi.
Nhưng sau khi nghe thuyết giáo, tôi thay đổi. Đó là giai đoạn đầu tiên, giai đoạn tiếp theo đó là chúng tôi trao đổi về sự áp bức mà những người Hồi giáo tại Palestine và Syria đang phải chịu đựng cũng như sự cần thiết phải tiến hành cuộc Thánh chiến”.
Các phong trào thánh chiến bắt đầu nở rộ tại Sudan và khu vực Trung Đông, Bắc Phi kể từ sau làn sóng Mùa xuân Arab năm 2011. Tại Sudan, những phong trào này đã xâm nhập vào các giảng đường đại học, nơi chính phủ Hồi giáo lơ là việc giám sát.
“Hoạt động của những nhóm này đang ngày càng mạnh, chúng còn tiến hành cả các chiến dịch tuyển mộ"" - Nhà phân tích của Sudan AlHadi Mohammed al-Amin nói.
Theo vị chuyên gia này, “các thanh niên Sudan lên đường sang Somalia, Mali, Libya, Syria và Iraq chiến đấu cho lý tưởng thánh chiến. Hiện tượng này đang gia tăng nhưng dường như chính phủ không quá quan tâm tới trào lưu chính thống Hồi giáo vì họ không xem đây là một mối đe dọa đối với chính quyền”.
Nhà phân tích Aman cho rằng Chính phủ Sudan đã quá đau đầu với các cuộc chiến tranh mà nước này phải trải qua và cũng đã phải đối đầu với các nhóm phiến quân, do vậy, họ không muốn gây thêm thù oán với lực lượng này.
Với mục tiêu thiết lập một Vương quốc Hồi giáo theo dòng Sunni chính thống, IS đã viện tới tất cả các công cụ bạo lực cần thiết để thu hút hàng nghìn chiến binh từ châu Âu và nhiều nước khác.
Cơ quan an ninh Anh ước tính có khoảng 600 công dân nước này đã tới Syria hoặc Iraq để gia nhập các nhóm phiến quân, trong đó có một người đàn ông tên là “John Thánh chiến”, tên này nổi tiếng trong vai trò chặt đầu các con tin trong các video của IS.