Con đường dài nhất không phải là từ nhà đến trường…

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Tâm huyết với nghề, nhiệt tình, năng động, hết lòng vì học sinh là những phẩm chất đáng quý của cô Điểu Thị Thu Trinh.

Cô Điểu Thị Thu Trinh tặng quà, động viên học sinh vượt khó, đến trường.
Cô Điểu Thị Thu Trinh tặng quà, động viên học sinh vượt khó, đến trường.

Tâm huyết với nghề, nhiệt tình, năng động, hết lòng vì học sinh là những phẩm chất đáng quý của cô Điểu Thị Thu Trinh, sinh năm 1991, người dân tộc S’tiêng, giáo viên tiếng Anh, Trường TH và THCS Phước Thiện, huyện Bù Đốp (Bình Phước). Đặc biệt, những năm qua ngoài việc giảng dạy, cô giáo trẻ này còn thường xuyên đến vận động hàng chục học sinh bỏ học trở lại trường.

“Con đường dài nhất không phải là từ nhà đến trường…”

Từ nhỏ sống tại huyện biên giới Bù Đốp, cô Trinh hiểu rõ những khó khăn vất vả trong cuộc sống của người dân nơi đây. Vì thế cô luôn ước mơ trở thành cô giáo giúp các em học sinh có kiến thức, thay đổi cuộc sống. Những năm tháng học phổ thông cô Trinh đã nỗ lực học tập và thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Bình Phước.

Năm 2014, sau khi tốt nghiệp cô giáo trẻ này được phân công về giảng dạy tại Trường TH và THCS Phước Thiện, thuộc xã Phước Thiện. Đây là một trong những địa bàn khó khăn nhất của huyện Bù Đốp. Tại địa bàn này, trở ngại lớn nhất đối với những giáo viên không phải việc đi lại, điều kiện sinh hoạt mà là việc vận động, duy trì tỷ lệ học sinh đến lớp đều đặn, đặc biệt là học sinh dân tộc thiểu số.

Là giáo viên người S’tiêng nên cô Trinh hiểu rất rõ hoàn cảnh cuộc sống của đồng bào dân tộc nơi đây, nhất là các gia đình ở khu 134 và ấp Mười Mẫu (xã Phước Thiện), địa bàn còn nhiều khó khăn. Cô Trinh cho biết, để lo cho cuộc sống, hàng ngày người dân phải lên rẫy hay đi làm thuê từ sáng sớm đến chiều tối mới về. Nhiều học sinh cũng theo cha mẹ đi cạo mủ cao su, chăn bò, cạo hột điều, hái tiêu mướn. Vì thế mà việc học tập của con cái thực sự chưa được cha mẹ quan tâm, đây là nguyên nhân dẫn đến học sinh thường hay nghỉ học giữa chừng.

Theo chia sẻ của cô Trinh, ban ngày để gặp được bố mẹ học sinh là điều rất khó, bởi hầu hết “đóng cửa, cài then” đi làm rẫy, nên giáo viên phải đến vào lúc chiều tối. Có trường hợp cô phải đến 2 - 3 lần mới gặp được phụ huynh, học sinh để tuyên truyền.

Thậm chí trong quá trình vận động cô còn tự lấy bản thân làm gương để các em thấy được mục tiêu phấn đấu. Trong quá trình giảng dạy trên lớp, cô luôn xác định mình như là người mẹ thứ hai của học sinh, dạy các em bằng tất cả tình yêu thương. Cô biết, có tình cảm quý mến cô giáo, trò sẽ đi học đầy đủ.

Ngoài những bài học theo chương trình, cô Trinh còn dạy cho học sinh những kỹ năng, bài học làm người, biết vượt qua khó khăn vươn lên học tốt, có ước mơ, có tư duy, định hướng cho tương lai...

“Suốt những năm qua, điều mà tôi vẫn trăn trở là làm sao để những học sinh nghèo không phải bỏ học, làm sao để chất lượng dạy và học ngày càng được nâng lên. Đối với tôi và những thầy cô giáo vùng cao Bù Đốp, con đường dài nhất không phải từ nhà đến trường mà chính là con đường giúp học sinh còn rất nhiều khó khăn nhận thấy sự cần thiết của việc kiên trì theo học cái chữ, để có một tương lai tươi sáng hơn”, cô Trinh nói.

Niềm vui lớn nhất của cô Trinh là học sinh đến trường đầy đủ.

Niềm vui lớn nhất của cô Trinh là học sinh đến trường đầy đủ.

Niềm vui trong năm học mới

Sau kỳ nghỉ hè, học sinh Trường TH và THCS Phước Thiện phấn khởi trở lại trường. Không khí những ngày đầu năm học tại đây rất nhộn nhịp, học sinh vui mừng gặp lại bạn bè. Thế nhưng ít ai biết, từ nhiều ngày trước, để không xảy ra tình trạng học trò “bỏ trường, bỏ lớp”, cô Trinh và các thầy, cô giáo ở đây đã phối hợp với Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương xuống từng ấp, đến từng nhà, vào tận các rẫy của đồng bào để thông báo, vận động phụ huynh, đưa học sinh quay trở lại lớp.

Năm học 2021 - 2022, Điểu Khoa (người dân tộc S’tiêng) sống tại khu 134, ấp Mười Mẫu đang học lớp 6A2 thì nghỉ học giữa chừng. Mặc dù không ít lần cô Trinh và các thầy cô giáo trong trường đến động viên nhưng rồi được mấy hôm thì lại nghỉ. Cũng do nghỉ quá số lượng quy định, lại không theo kịp chương trình nên năm học mới này Khoa vẫn phải ở lại lớp.

Năm học mới này cô Trinh được giao chủ nhiệm lớp Khoa, nắm rõ hoàn cảnh của em nên cô đặc biệt quan tâm đến trường hợp này.

Khoa cho biết: “Cuộc sống gia đình khó khăn, bản thân lại học còn yếu nên em chán nản và có ý định nghỉ học. Thế nhưng nhờ cô Trinh và các thầy cô trong trường quan tâm, em hiểu được rằng cố gắng học tập thì sẽ có một tương lai tươi sáng hơn nên đã quyết tâm đến trường đều đặn. Cô Trinh giúp em nhiều lắm, ngoài tập viết, sách vở còn tặng quà cho gia đình em nữa”.

Trường TH và THCS Phước Thiện có hơn 180 học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số gồm: S’tiêng, Khmer, Nùng, Hoa.... Trong đó, con em đồng bào dân tộc S’tiêng chiếm đa số. Dịp nghỉ hè, nhiều em phải lên nương rẫy phụ giúp bố mẹ. Nhiều phụ huynh, học sinh do mải làm ăn quên luôn cả ngày khai giảng năm học mới của con em mình.

Nhiều năm nay, để các em đến lớp học đều đặn, ngay từ giữa hè, đầu năm học, hay ngoài giờ lên lớp, cô Trinh cùng các giáo viên trong trường luôn nắm rõ hoàn cảnh từng em, đến tận nhà, thậm chí theo lên tận rẫy gặp, động viên phụ huynh dù khó khăn đến mấy cũng phải khắc phục cho con đi học. Nhờ đó mà học sinh đều đến trường đông đủ. “Riêng học sinh trong lớp tôi chủ nhiệm sĩ số luôn đủ. Thật sự đây niềm vui không gì sánh được”, cô Trinh vui vẻ nói.

Cô Nguyễn Thị Đức Hiền, Phó Hiệu trưởng Trường TH và THCS Phước Thiện cho hay: “Cô Trinh hiểu rõ phong tục, tập quán, tiếng nói của bà con S’tiêng nên việc tuyên truyền cho phụ huynh để con trở lại trường rất hiệu quả. Nhiều năm nay cô Trinh đã không ngại địa bàn xa xôi, đi lại khó khăn kiên trì vận động học sinh đi học, đảm bảo sĩ số lên lớp cũng như chất lượng học tập. Đặc biệt, trong năm học 2022 - 2023 này, nhờ sự nỗ lực của cô Trinh và các giáo viên mà tỉ lệ học sinh đến trường đạt gần 99%. Hiện còn 4 em chưa trở lại lớp, các thầy cô trong trường vẫn tích cực vận động”.

Gần 10 năm gắn bó với nghề, ngoài làm tốt chuyên môn, cô Trinh còn là tấm gương điển hình của nhà trường trong các hoạt động phong trào. Đặc biệt là luôn tích cực vận động, giúp đỡ các em học sinh khó khăn với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Bình quân mỗi học kỳ cô vận động từ 5 chiếc đến 15 chiếc xe đạp và hàng chục phần quà là sách, tập viết, bút mực cho các em học sinh.

“Đối với tôi và những thầy cô giáo vùng cao Bù Đốp, con đường dài nhất không phải từ nhà đến trường mà chính là con đường giúp các em học sinh còn rất nhiều khó khăn nhận thấy sự cần thiết của việc kiên trì theo học cái chữ, để có một tương lai tươi sáng hơn”. - Cô Điểu Thị Thu Trinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ