Ngày 25/9, Thường trực Thành ủy, HĐND, UBND TP Hà Nội tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý III/2017 về an toàn giao thông, trật tự đô thị, quản lý đất đai, PCCC.
Tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng
Theo Thiếu tướng Hoàng Quốc Định, Giám đốc Cảnh sát PCCC, 9 tháng đầu năm, trên địa bàn TP đã xảy ra 626 vụ cháy, gây thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng.
Có những vụ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng như vụ cháy tại cơ sở sản xuất sôcôla kết hợp nhà ở tại thôn Thượng, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức làm 8 người chết. Hay, rạng sáng 25/9, tiếp tục xảy ra vụ cháy nghiêm trọng tại thị trấn Xuân Mai, huyện Chương Mỹ làm 2 chị em gái tử vong.
Ông Định bày tỏ lo ngại khi Hà Nội hiện có khoảng gần 500.000 nhà ống, trong đó có trên 120.000 nhà có kết hợp kinh doanh dịch vụ, mặt tiền thường bị bịt kín, thiếu lối thoát nạn… Đây là những loại hình khi xảy ra cháy, nổ sẽ gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản.
Hà Nội dự báo, trên địa bàn TP vẫn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản tại các chung cư cũ, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà ống trong ngõ sâu, chung cư mini, cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa (karaoke, quán bar, vũ trường…), nơi dựng biển, bảng quảng cáo, làm lưới sắt, “chuồng cọp” bịt kín lối thoát nạn gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Hơn nữa, dù công bố danh sách 79 chung cư chưa nghiệm thu về PCCC đã đưa vào sử dụng trên các phương tiện thông tin đại chúng từ nhiều tháng nay, nhưng đến nay mới có 19/79 công trình khắc phục các vi phạm về PCCC.
Chỉ ra hàng loạt tồn tại liên quan đến công tác PCCC, Trưởng ban Pháp chế HĐND TP Nguyễn Hoài Nam lưu ý, nhiều nơi còn buông lỏng trách nhiệm, trong khi đó kỹ năng chữa cháy và thoát hiểm của người dân còn yếu dẫn đến những cái chết thương tâm.
Theo ông Nam, cần quy định rõ trách nhiệm của chủ tịch các quận, huyện, xã, phường, chứ không chỉ không chỉ tập trung vào lực lượng cảnh sát PCCC. "Thời gian tới, HĐND TP chắc chắn sẽ hỏi lại Công an TP về các trường hợp chuyển sang cơ quan điều tra xem đã khởi tố đến đâu, có triệt để không”, ông Nam nói và cho rằng, việc xử lý sai phạm trong công tác PCCC chưa thực sự quyết liệt.
Mỗi hộ dân cần có phương án thoát hiểm phòng cháy nổ
Phát biểu tại hội nghị, theo Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải, PCCC là vấn đề nóng và còn diễn biến xấu. Số vụ cháy mấy năm gần đây đều tăng, riêng năm 2017, số người chết ở mức cao, rất đau xót. Vì vậy, lực lượng chức năng của TP cần thực hiện quyết liệt hơn nữa vấn đề này. Đồng thời, cần vận động mỗi hộ dân xây dựng phương án PCCC; từng cơ sở sản xuất phải có phương án thoát hiểm.
“Khi xảy ra cháy, chúng ta phải biết cách thoát hiểm. Mỗi hộ dân cần có phương án thoát hiểm chứ chưa nói đến các cơ sở sản xuất kinh doanh”, ông Hoàng Trung Hải nói.
Với 60 chung cư nhà cao tầng chưa khắc phục vi phạm về PCCC, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu xử lý dứt điểm, có kế hoạch, thời gian, trách nhiệm từng người với từng công trình. “Chúng ta phải làm quyết liệt hơn nữa để khắc phục tồn tại ở 60 chung cư. Từng chung cư đó ngày nào còn đang vi phạm tiêu chuẩn PCCC thì chúng ta ngủ không yên”, Bí thư Hải nhấn mạnh.
Người đứng đầu Thành ủy Hà Nội cũng nhắc nhở, lực lượng chức năng cần rà soát lại từng hộ dân, cũng như các cơ sở kinh doanh có điều kiện như vũ trường, karaoke để bảo đảm an toàn. “Đi đường vẫn thấy có cửa hàng biển quảng cáo bít kín mặt tiền. Phải làm thật kỹ, không chủ quan”, ông Hoàng Trung Hải nói và bày tỏ quan điểm đồng tình với Trưởng ban Pháp chế Nguyễn Hoài Nam về việc quy trách nhiệm lãnh đạo địa bàn khi để xảy ra cháy nổ.
Theo Bí thư Thành ủy, các lĩnh vực trên các cấp, ngành cần quan tâm, nghiêm túc nhìn nhận các tồn tại, chịu trách nhiệm theo đúng tinh thần phải cá thể hóa được các tồn tại: ai chịu trách nhiệm, bao giờ giải quyết xong.