Nhìn ngọn lửa ngùn ngụt bốc cao, khói đen đặc quánh trùm kín tòa cao ốc ở London, hẳn ai nấy đều không khỏi lo lắng, những cư dân đang sống trong khoảng 120 căn hộ ở nơi ấy liệu có cơ may sống sót? Nhìn những cánh tay vẫy vẫy vô vọng trên tầng cao thực quá đỗi đau xót.
Sở Cứu hỏa London cho hay đã huy động 40 xe cứu hỏa và 200 lính cứu hỏa tới hiện trường để dập lửa, nhưng lực lượng cứu hộ cùng những phương tiện hiện đại dường như cũng phải bất lực trước sự hung hãn của bà hỏa. Chung cư tiềm ẩn nguy cơ bị đổ sập, trong khi điều kiện tiếp cận của lực lượng cứu hộ tới những điểm cao ở chung cư lại vô vàn khó khăn.
Tối 15/6, tin cho hay: Đã có 17 người thiệt mạng và 78 người bị thương trong vụ hỏa hoạn này ở London. Ước tính, con số thương vong sẽ tiếp tục tăng cao. Lại càng thêm bàng hoàng, đau xót.
Bàng hoàng và chợt nhớ, khi vừa mới đây, Cảnh sát Phòng cháy và Chữa cháy (PCCC) TP.Hà Nội đã công bố danh sách các công trình nhà chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC.
Theo đó, tính đến hết ngày 31/5/2017, qua kiểm tra gần 800 công trình, Cơ quan Cảnh sát PCCC Hà Nội đã phát hiện 79 công trình chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng.
Đặc biệt, có tới 78 công trình đã đưa vào hoạt động, nhưng chưa được nghiệm thu an toàn PCCC (!?). “Điển hình” gồm: Tòa nhà Golden West (lô 2.5 Lê Văn Thiêm, Nhân Chính, quận Thanh Xuân); Tòa CT1, CT2, CT3 Xa La (KĐT Xa La, phường Phúc La, quận Hà Đông); Chung cư CT1 Usilk City (phường La Khê, quận Hà Đông); VP3,5,6 (Bán đảo Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai)…
Đáng lưu ý trong danh sách “đen” về PCCC nói trên, hàng loạt dự án đã được nêu danh nhiều lần, nhưng vẫn lần lữa không khắc phục, như Golden West - một dự án nhà ở kết hợp với văn phòng và kinh doanh thương mại, dù chưa được các cơ quan chức năng nghiệm thu về PCCC, vẫn cứ bàn giao căn hộ cho dân cư vào sinh sống, kinh doanh.
Còn một điều nữa mà dư luận đã nhiều lần phản ánh: Đó là việc nhiều họng nước chữa cháy ở không chỉ các công trình chung cư mà trên khắp các vỉa hè ở địa bàn Hà Nội (và chắc không chỉ ở Hà Nội) đều đang trong tình trạng hoen gỉ, không tiếp được nước. Ngoài ra, phương tiện chữa cháy chuyên nghiệp ở nước ta vẫn còn quá thiếu, chưa đáp ứng được việc cứu hỏa ở các chung cư cao tầng (dù Hà Nội có nhiều cao ốc có độ cao còn hơn cả chung cư vừa bị hỏa hoạn ở Lodon).
Để chấn chỉnh tình trạng này, chính quyền một số nơi đã tạm đình chỉ hoạt động một số chung cư hỗn hợp hoạt động văn phòng và siêu thị với thời gian quá ngắn ngủi. Và tiếp, khuyến cáo người dân không vào sống, hoặc kinh doanh, ở các nơi chưa đủ tiêu chuẩn về PCCC.
Nhưng biện pháp tình thế đó chưa thực tế, bởi đâu phải ai cũng biết được chung cư nào đủ tiêu chuẩn PCCC, nếu cơ quan chức năng phớt lờ việc kiểm định, kiểm tra?
Diễn biến cháy nổ rất phức tạp, nên việc đảm bảo cho PCCC phải đúng quy chuẩn và phải được kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên. Các công trình cao tầng vốn là nơi tập trung đông người, nên việc đảm bảo an toàn PCCC càng cần phải được thực hiện nghiêm ngặt.
Luật PCCC đã quy định rõ trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như cơ quan quản lý các chung cư. Vậy, vì sao cơ quan chức năng cứ mãi nương nhẹ những vụ tái vi phạm quy định về PCCC mà kết cục bi thảm một khi hỏa hoạn xảy ra là điều dễ thấy? Điều đó cần phải chỉ rõ: Đó là sự vô trách nhiệm, vô tâm, trước tính mạng con người!
Cần có biện pháp mạnh để nâng cao trách nhiệm của chủ đầu tư cũng như các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan. Đặc biệt tại các tòa nhà cao tầng, khu chung cư, việc đảm bảo an toàn PCCC càng phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời, các vi phạm cần phải xử lý nghiêm.
Phòng hỏa hơn cứu hỏa là thế! Đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”!
Trong danh sách 79 công trình chung cư cao tầng vi phạm quy định về PCCC trong đầu tư xây dựng, có 78 công trình đã đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Trong đó Tập đoàn Mường Thanh đứng đầu danh sách gồm 11 tòa nhà gồm: CT5, CT8, CT10 Thanh Trì; CT11 Kim Văn Kim Lũ; CT1, CT2, CT3, CT4, CT6 Xa La; trung tâm thương mại và căn hộ cao cấp Khu đô thị Xa La. Tiếp theo là HICC1 với 5 tòa nhà vi phạm gồm: CT1A, CT1B, CT2B, CT2B - Khu đô thị mới Nghĩa Đô và dự án 2.6 Lê Văn Lương. Kế tiếp là 3 tòa vi phạm (CT1, CT2, CT3 dự án Dream Tower) của Coma 6, Sông Đà Thăng Long với 2 tòa vi phạm (CT1 Usilk City và CT2 Văn Khê)…
(Nguồn: Thống kê của Cảnh sát PCCC TP. Hà Nội)