Con cần tài sản gì để bước vào đời?

GD&TĐ - Khi tôi tư vấn cho các phụ huynh của mình, tôi thấy có một số người nói về trường học như là nơi có sự dối trá.

Sự trung thực, tôn trọng, an nhiên và tự chủ sẽ giúp con trẻ tiến bộ, tự tin bước vào cuộc sống. Ảnh minh họa
Sự trung thực, tôn trọng, an nhiên và tự chủ sẽ giúp con trẻ tiến bộ, tự tin bước vào cuộc sống. Ảnh minh họa

Họ bảo, họ, con họ không đồng ý nhiều việc diễn ra ở nhà trường, nhưng họ không dám nói, họ không muốn nói. Họ để sự thiếu trung thực tồn tại xung quanh con mình như là chấp nhận rằng đó là cuộc đời, và kĩ năng “nói dối” cho qua chuyện cũng là một kĩ năng sống cần thiết.

Hóa ra đây là một sự tiến hóa mà tôi không hề biết trong xã hội bây giờ. Đứa trẻ chấp nhận nói dối, nói dối thực sự không gây họa gì sao?

Sự trung thực và tôn trọng

Có thể các phụ huynh không chú ý đến, nhưng thực sự không có một điều gì ép được con người “không trung thực”. Sự trung thực gần như là tài sản vô giá của con người mà ai cũng sẵn có. Chỉ cần đề cập ở khía cạnh rất “cá nhân”, đó là mỗi người cần có sự trung thực như là liều thuốc để bảo đảm sức khỏe cho tâm lí của mình, cho sự bình tâm và nuôi dưỡng niềm tin.

Sự trung thực cũng gắn liền với sự tôn trọng. Chúng ta tôn trọng bản thân mình, tôn trọng cuộc đời và những sự việc, hiện tượng xảy ra vì chúng ta tin vào sự thật, rằng chỉ có nó mới đảm bảo cuộc đời là đáng sống và có giá trị.

Mất đi sự trung thực, mất đi sự tôn trọng sẽ mất đi niềm tin vào cuộc sống. Mà cuộc sống không có niềm tin thì sẽ đi về đâu? Có phải chỉ là có cơm ăn, áo mặc và tồn tại?

Chúng ta chuẩn bị cho con sự trung thực và tôn trọng bằng cách nào? Các phụ huynh nói với tôi rằng rất khó. Họ nói có thể họ không làm được. Vì họ không biết bắt đầu từ đâu.

Tôi nghĩ rằng thật đơn giản, hãy bắt đầu từ sự tin tưởng rằng không cần nói dối, con vẫn được yêu thương và tôn trọng. Con cần bộc lộ chính bản thân mình, và cha mẹ cũng sẵn sàng làm thế với con. Con tôn trọng người khác để người khác tôn trọng con.

Tôi có nhiều lần làm sai, và tôi thấy bình thường khi nhận sai với con mình.

Tôi có nhiều lần muốn nổi cáu với con, và tôi có thể kiềm chế vì như thế không tôn trọng con mình.

Tôi thấy nhiều điều sai, dù rất nhỏ, tôi cũng cố phân tích cho con thấy đó là cái sai.

Sáng nay, tôi dậy muộn và nhận lỗi rằng: Vì hôm qua mẹ xem phim quá khuya!!!

Chúc ngày cuối tuần của các bạn thật vui và trung thực mà nhận ra: Chúng ta có nhu cầu được nghỉ ngơi.

PS: Hôm qua, tôi được anh bạn chia sẻ rằng, có một GS nói rằng, ở nhà trường, trong môn Tin học chỉ cần dạy MS Office cho tụi nhỏ là đủ. Tôi xin không dám bàn về khả năng phát triển năng lực công nghệ cho tụi nhỏ. Tôi chỉ hỏi rằng: Bộ Office được dạy cho bọn trẻ có bản quyền chưa? Nếu chúng ta dạy trẻ dùng thứ không có bản quyền thì khác nào ta bảo trẻ “thấy đồ ăn cắp cứ dùng thoải mái”. Như thế chẳng những vi phạm pháp luật, mà còn góp phần bóp chết những gì gọi là “sản phẩm trí tuệ”. Hơn nữa, từ bản thân mình, tôi thấy, không được học tin học căn cốt, học để phát triển tư duy thuật toán, nên tôi rất kém về công nghệ.

Chuẩn bị cho con tinh thần An nhiên và Tự chủ

Anh phụ huynh nói với tôi rằng: Anh học chuyên toán đấy, nên anh tin rằng con anh cũng giỏi toán. Thế mà 4 năm đi học, anh chưa thấy điều đó ở con. Hay là toán ở trường bây giờ khác toán ngày xưa anh được học!!!

Chị phụ huynh thì khoe với tôi rằng bố của cháu là một tiến sĩ (rất liên quan đến toán). Nhưng anh ấy không giúp chị dạy toán cho con. Còn chị, chị ở nhà nội trợ, chị sợ rằng chị dạy con sẽ sai mất.

Có phụ huynh là cô giáo, chị ấy dạy giỏi và không chấp nhận con mình học không giỏi toán. Vì thế, chị thất vọng về con, về bản thân mình. Nhưng chị thấy buồn thêm một chút, vì con chị không ý thức được điều đó, cháu vô tư quá.

Tôi thì thấy chị thật may vì con chị vô tư như thế. Bởi lũ trẻ sẽ rất khổ sở nếu chúng không được như kì vọng của cha mẹ. Thực ra, không đáp ứng được yêu cầu chẳng phải là cảm giác khiến người ta muốn tự biến mất hay sao?

Thế nên chuẩn bị cho con tinh thần An nhiên, Tự chủ là cực kì quan trọng, để dù thế nào, thì chúng cũng có thể đứng vững vì được là chính mình.

Tôi có hai cô con gái là Thùy Dương và Dương Cầm.

Thùy Dương thi thoảng cũng buồn vì được điểm không như ý, cháu cũng hỏi: Bố mẹ đều giỏi đúng không? Sao con không giỏi nhỉ? Tôi bảo con rằng con thấy mình chưa giỏi ở điểm nào, có muốn khắc phục không? Mỗi lần trao đổi như thế, tôi thấy cháu có lúc nhận một vài điều cần cải thiện như: Làm cẩn thận hơn, chăm chỉ hơn. Nhưng có một số điểm, con nói con không khắc phục được, vì rất khó.

Đến cuối lớp 2, Dương Cầm vẫn đọc kém. Vì đọc kém nên con viết cũng chậm, không thạo. Nhưng mỗi ngày, kiên nhẫn, tôi cho cháu tự chọn hoặc tập viết một đoạn nhỏ, dần dần tăng lên (đến hôm nay là 2 trang sách rồi). Trong cả quá trình ấy, chưa lúc nào cháu áp lực cả. Cháu đều mặc cả với mẹ, đều nói việc nào con làm, còn vì sao con không làm. Nên khi tôi và chồng mình cầm bài của cháu thì đều cười tủm tỉm, thấy sự tiến bộ và cả cảm xúc khi con viết “bài cứt chó” (cháu đã viết bậy và dám viết như thế).

Sự choáng váng của tôi cũng chẳng giải quyết được gì trong tình huống này. Vì cháu đã cảm nhận về sự việc như thế, đúng như thế mà ta không thay đổi được. Chỉ có chúng tôi cần thay đổi, chấp nhận sự thật rằng: Rất tự nhiên, cháu có suy nghĩ của mình và tự điều chỉnh được.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ