Sắc lẹm từ đơn giản
Hẳn rằng nhiều khán giả sẽ đặt câu hỏi: “Ký sinh trùng” (Parasite) phải có gì đặc biệt thì mới có thể “oanh tạc” Oscar những 4 giải thưởng, trong đó có hai giải thưởng cao nhất là Phim hay nhất và Phim quốc tế xuất sắc nhất? Xem đi xem lại thì rõ ràng “Ký sinh trùng” không hề quá xuất sắc về âm nhạc hay kỹ xảo điện ảnh. Dàn diễn viên không hẳn là những gương mặt số một của điện ảnh xứ Hàn.
Đã thế, đề tài mà “Ký sinh trùng” chọn không có gì mới lạ nếu không nói là có phần cũ kỹ: Sự cộng sinh giữa người làm thuê và gia đình ông chủ. Những chuyển biến về tâm lý cũng như lòng tham của người làm thuê hay sự ỷ thế nhiều tiền để mà dửng dưng khinh bỉ kẻ nghèo hèn của ông chủ cũng đã được rất nhiều bộ phim khác khai thác chán chê.
Đơn giản là thế, cũ kỹ là thế mà sao “Ký sinh trùng” vẫn tỏa sáng không chỉ ở trong giới hạn của đất nước Hàn Quốc hay châu Á, châu Âu với Cannes mà còn ở cả Hollywood - kinh đô của điện ảnh thế giới mà danh giá nhất là Oscar? Hơn nữa, “Ký sinh trùng” còn có thể tự hào khi vượt qua quan niệm: Phim thắng giải nhiều khi chỉ để... ngắm khi sẵn sàng “lây lan” rất nhanh đến khán giả nội địa lẫn khán giả toàn cầu trong gần một năm qua (phim khởi chiếu từ tháng 5/2019)?
Cũng không quá khó để tìm ra chìa khóa lý giải cho sự thành công đó. Có điều, chìa khóa này xem ra tiếp tục khiến nhiều người “ngã ngửa” mà thốt lên: Đơn giản thế thôi sao? Quả vậy, không thể đơn giản hơn khi vũ khí lợi hại của “Ký sinh trùng” đều thuộc về những vật thể xung quanh ta: Con bọ, tảng đá, cầu thang, bao thuốc, những đôi tất và cả nội y của phụ nữ.
Con bọ (gián) chỉ xuất hiện trực diện lúc nó bị ông Ki Taek phát hiện dưới chai nước và bị ông ta búng thẳng ra khỏi bàn. Hòn đá đến với gia đình ông Ki Taek, được anh con trai Ki Woo ôm khư khư coi như bùa hộ mệnh. Cái cầu thang bước vào hay dẫn xuống gian hầm trong nhà CEO công nghệ Park luôn cao vút và sâu hoắm.
Nội y của phụ nữ hay điếu thuốc gắn liền với con gái ông Ki Taek – cô Ki Jung. Riêng những đôi tất của nhà ông Ki Taek treo lơ lửng trên đầu và bên chiếc cửa sổ trông ra đường được dùng để mở và kết bộ phim... Thế mà, những thứ đơn giản thậm chí còn rất tầm thường ấy lại trở nên sắc lẹm qua cách kể chuyện của đạo diễn Bong Joon-ho. Khi đó, chúng chứa chất một đời sống chân thực với những khát vọng và lòng tham vốn được con người che đậy trong “lớp áo” của một dáng hình hoàn mỹ.
Người giàu cũng... ký sinh
“Parasite – Ký sinh trùng” không hẳn là câu chuyện phân hóa giàu nghèo dẫn đến những kỳ thị hay là câu chuyện về cuộc sống bần hàn của một tầng lớp lao động thất nghiệp như gia đình ông Ki Taek. Khi thưởng thức bộ phim này được công chiếu ở Việt Nam hồi tháng 6 năm ngoái, có nhiều người cho rằng chỉ có những người nghèo ấy mới là ký sinh trùng. Những ký sinh trùng đó không ngừng dùng mọi mánh khóe có thể để ký sinh vào các gia đình giàu có.
Chúng kiếm cơm, trốn nợ, trốn sự truy tố của pháp luật cũng như mơ một giấc mơ có cuộc sống sung túc, giàu sang mà chỉ cần làm gia sư, lái xe, dọn dẹp... Khi giấc mơ của chúng bị “tất tay” vì trận mưa nhấn chìm cái “tổ ấm” nằm sâu dưới đường khiến nước thải thổi ngược từ toilet lên, ký sinh trùng ngoi lên, quyết tâm thực hiện kế hoạch cuối cùng không thể khủng khiếp hơn...
Nhưng không, ký sinh trùng ở đây còn có cả những người giàu như gia đình ông Park. Bằng đồng tiền của mình, họ phải ký sinh tính mạng vào những người làm thuê. Khi đó, người giàu không tự chủ được cuộc sống cá nhân mà luôn lệ thuộc vào nhóm người làm thuê từ miếng ăn, giấc ngủ, việc đi lại... thậm chí cả những khoái cảm của tình dục. Chỉ có điều ký sinh trùng người giàu luôn được che đậy kỹ lưỡng ở vẻ ngoài hào nhoáng, sang chảnh, sính ngoại... Dù dè bỉu, kỳ thị đám người hàng ngày phục vụ mình nhưng kỳ thực trong tâm hồn loại ký sinh trùng ấy thường rất đỗi ngu ngơ, hoảng sợ thậm chí bơ vơ trước mọi sự tấn công.
Câu chuyện của “Ký sinh trùng” dẫu cũ nhưng được đạo diễn tài năng Bong Joon-ho tiếp cận, lý giải bằng góc nhìn mới của những phát hiện tinh tế mang chiều sâu tư tưởng. Một giọng điệu: Hài hước, hiện thực, kinh dị... chỉ của riêng ông cũng là điều khiến “Ký sinh trùng” luôn riêng biệt giữa cái chung. Ở đó, mỗi tình tiết, hành động, câu nói... của các nhân vật và cả mỗi bóng dáng của mỗi sự vật luôn ẩn chứa nhiều giá trị xã hội khác nhau.
Câu chuyện này cũng không khu biệt của riêng người dân Hàn Quốc mà chúng luôn khiến người xem toàn cầu không khỏi cảm thấy lạnh người trước – trong và sau khi thưởng thức phim để rồi ngẫm ngợi... Thế nên, không quá ngạc nhiên khi những con bọ, hòn đá, cầu thang... của “Ký sinh trùng” đã “xé rào”... Oscar. Còn theo như đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, các phim của Bong Joon-ho bao bọc bên ngoài là những câu chuyện hấp dẫn, ly kỳ, như chuyện điều tra vụ án, hay chuyện truy sát quái vật thì ẩn chứa bên trong luôn là cái nhìn về chính trị và xã hội Hàn Quốc.