Con bị ho dai dẳng kéo dài, bố mẹ phải làm ngay những việc này

GD&TĐ - Ho dai dẳng, kéo dài có thể xảy ra ở cả người trưởng thành và trẻ em, đặc biệt khi gặp thời tiết thay đổi đột ngột. Ho kéo dài có thể khiến cơ thể trẻ mệt mỏi, kém ăn, kém chơi, khiến cha mẹ lo lắng, cũng có thể là chỉ báo của những bệnh lý nguy hiểm.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Vậy, cha mẹ hãy lưu ý đến các biểu hiện cụ thể, chủ động phòng ngừa để chăm sóc trẻ tốt nhất.

Nguyên nhân ho kéo dài ở trẻ

Ho kéo dài ở trẻ có thể từ các nguyên nhân: Do mắc một số bệnh như hen phế quản, trào ngược dạ dày - thực quản, mắc dị vật đường thở...

- Hen phế quản: Hen phế quản ở trẻ em là tình trạng bệnh lý co thắt và viêm mạn tính đường hô hấp dưới gây thở rít tái phát. Trẻ dưới 3 tuổi chiếm 40% trường hợp ho kéo dài.

Trẻ có nhiều đợt ho khan, từng cơn, tái phát và thở rít, thường trẻ bị viêm tiểu phế quản trên 3 lần trước 2 tuổi, là nhóm đối tượng dễ bị hen phế quản.

- Trào ngược dạ dày - thực quản: Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng như trẻ bị trào ngược thường hít phải (một lượng lớn hoặc lượng nhỏ) chất trào ngược từ dạ dày vào đường hô hấp. Trẻ thường trào ngược sau bữa ăn 30 phút - 1 giờ, khi thay đổi tư thế, hoặc trong bữa ăn do cơ thắt dưới thực quản tự mở ra.

- Ho gà: Bệnh do vi khuẩn gây ra, lây lan qua đường hô hấp. Ở trẻ nhũ nhi, bệnh thường diễn biến nặng vì trẻ dưới 3 tháng chưa được tiêm vắc-xin, có nguồn lây trực tiếp từ người chăm sóc trẻ như bố mẹ, ông bà, cô nuôi dạy trẻ...

Biểu hiện điển hình của bệnh ho gà là: trẻ xuất hiện ho cơn từ 15 ngày đến 3 tuần, trẻ nhỏ ho cơn kéo dài, kèm theo nôn trớ khi ho, ngừng thở, tím tái sau cơn ho, chậm nhịp tim.

Cha mẹ cần đưa bé tới ngay các cơ sở y tế, bệnh viện để được chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh

- Dị vật đường thở: Khi bị mắc dị vật trong đường thở, trẻ ho sặc sụa, có cơn ngạt thở, tím tái, vã mồ hôi, chảy nước mắt nước mũi...Trường hợp dị vật đường thở bỏ quên: Trẻ ho kéo dài và viêm phổi tái phát.

Cách xử trí và chăm sóc trẻ khi bị ho kéo dài

Ho kéo dài ở trẻ có thể là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác nhau, vì thế khi thấy trẻ có dấu hiệu ho lâu ngày không khỏi cha mẹ nên đưa bé đi khám.

Qua thăm khám, ngoài căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng, bác sĩ có thể chỉ định làm các xét nghiệm, kiểm tra cần thiết nhằm chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh. Tùy vào độ tuổi, thể trạng và loại bệnh của trẻ, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Khi trẻ bị ho kéo dài, cha mẹ nên chú ý tới cách chăm sóc trẻ phù hợp:

- Cho trẻ dùng thuốc điều trị bệnh theo đúng chỉ định của bác sĩ

- Cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho trẻ, thường xuyên thay đổi thực đơn cho phù hợp với sở thích, khẩu vị của bé, chia thành nhiều bữa nhỏ, mỗi bữa ăn các thức ăn khác nhau…

Bên cạnh việc tuân thủ theo phác đồ điều trị của bác sĩ, cha mẹ cần chú ý bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ để cải thiện sớm bệnh

- Cho trẻ uống nhiều nước nhằm giúp làm loãng đờm, tránh khô miệng họng do trẻ bị ho nhiều. Cha mẹ có thể cho bé uống thêm sữa, nước hoa quả, vừa giúp bổ sung năng lượng, vừa tăng cường vitamin.

- Vệ sinh mũi họng hàng ngày cho trẻ. Cho trẻ súc miệng và rửa mũi bằng nước muối 2 – 3 lần mỗi ngày.

Các bậc cha mẹ cần theo dõi tình trạng sức khỏe của bé tại nhà và đưa bé đi khám lại theo lịch hẹn của bác sĩ nhằm điều chỉnh đơn thuốc chữa ho kéo dài phù hợp.

Cách phòng ngừa

Để giúp trẻ tránh khỏi nguy co bị ho kéo dài, các bậc cha mẹ cần lưu ý:

Tránh cho trẻ tiếp xúc các tác nhân dị ứng hoặc gây kích ứng, thay đổi nhiệt độ đột ngột (ra vào phòng điều hòa): bụi trong và ngoài nhà, vật nuôi trong nhà, không khí ẩm mốc, giữ ấm vùng cổ mặt vào mùa lạnh, không ăn, uống các chất kích thích như quá cay, quá nóng,...

Tránh khói thuốc vì đây là nguyên nhân thường gặp nhất gây viêm phế quản mạn tính. Khói thuốc kích thích đường hô hấp, phổi và có thể làm nặng hơn ho do nguyên nhân khác.

Giảm trào ngược dạ dày - thực quản: ngoài việc sử dụng thuốc thì thay đổi lối sống như ăn nhiều bữa nhỏ, đi nằm sau khi ăn ít nhất 2-3 giờ, kê cao gối khi nằm ngủ; hạn chế các đồ ăn, thức uống chua, cay, có nhiều gas,... cũng có hiệu quả đáng kể.

Luyện tập thể dục và thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, nâng cao thể trạng, hạn chế xúc cảm, tăng sức đề kháng với các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virut.

Tiêm vắc-xin phòng cúm, viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn đường hô hấp trên theo chỉ dẫn của bác sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Người dân bắt cá thòi lòi bằng xà di lưới.

Nghề độc, lạ vùng Đất Mũi

GD&TĐ - Nằm nơi vị trí địa đầu Tổ quốc, Cà Mau là địa phương có nhiều đặc sản nổi tiếng và nhiều nghề độc, lạ.