“Cơn bão” mang tên facebook ​

GD&TĐ - Facebook đang phải trải qua thời đoạn tồi tệ nhất kể từ năm 2012 khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng: Chỉ trong 1 ngày, gần 120 tỷ USD đã biến mất trên sàn giao dịch chứng khoán. Còn ông chủ của nó, Mark Zuckerberg, trong vòng 1 tuần mất đứt 600 triệu USD. Và còn hơn thế nữa khi phải đối diện với việc mất ghế Chủ tịch mạng xã hội lừng danh nhất thế giới: Facebook.  

Ông chủ Facebook, Zuckerberg, ngoài đời
Ông chủ Facebook, Zuckerberg, ngoài đời

Chân dung Zuckerberg

Mark Elliot Zuckerberg (sinh ngày 14/5/1984, người Mỹ), trước khi là ông chủ của Facebook đã nổi tiếng trong vai trò lập trình máy tính, đồng thời cũng là doanh nhân công nghệ Internet. Trước khi xảy ra cơn ác mộng cổ phiếu, tài sản của Mark Zuckerberg được công bố chính thức (ngày 5/3/2018) là 72,5 tỷ USD. Tuy nhiên, người ta cho rằng tài sản thực của Zuckerberg chỉ vào khoảng... 68 tỷ USD.

Ngày 4/2/2004, Facebook chính thức ra đời trong phòng ký túc xá của mình tại Đại học Harvard, bởi chàng sinh viên vô danh Zuckerberg.  Vào ngày 4/2/2004, trầy trật đi tìm nơi để bán công nghệ, nhưng rồi bất ngờ đến năm 2012, Facebook đã có tới 1 tỷ người trên toàn thế giới sử dụng. Lúc này, Zuckerberg đã có tên trong danh sách 100 người giàu nhất và ảnh hưởng nhất thế giới. Tới tháng 12/2016, Zuckerberg đứng thứ 10 trong danh sách những người có ảnh hưởng nhất thế giới theo sự bình chọn của tạp chí Forbes.

Zuckerberg là con bà Karen - một bác sĩ tâm thần và ông Edward Zuckerberg- nha sĩ. Từ nhỏ, trong Trường Trung học Ardsley, cậu đã được bạn bè gọi là “công dân toàn cầu” khi tổ tiên có nguồn gốc từ Đức, Áo và Ba Lan. Và lúc đó cậu cũng đã sử dụng được tiếng Pháp, Hebrew, Latinh và tiếng Hy Lạp cổ đại.

Khi theo học Đại học Harvard, Zuckerberg được bạn bè đánh giá là “thần đồng lập trình”, tuy rằng danh hiệu đó cũng chỉ gói lại trong khuôn viên nhà trường. Ngày 28/5/2017, Zuckerberg tốt nghiệp đại học và bắt đầu hành trình “lăn vào đời” với tấm bằng công nghệ loại ưu.

Zuckerberg có vợ là Priscilla Chan - một sinh viên Y khoa Harvard. Con gái đầu lòng của họ Maxima Chan Zuckerberg sinh ngày 1/12/2015, hiện là tỷ phú ít tuổi nhất thế giới (tài sản của cha mẹ vào khoảng 16,8 tỷ USD). Con gái thứ hai của họ là August, sinh tháng 8/2017.

Ngoài đời, Zuckerberg là hình ảnh “khá phổ quát” của những người đàn ông Mỹ độ tuổi 30 - 45: Quần Jean, áo phông (anh thích mặc áo phông màu xám), để dễ dàng “lăn vào” tất cả những nơi mình muốn đến không chút e dè. “Y phục thể hiện tính cách”, Zuckerberg không hề ngán ngại các vụ kiện tụng và thường là thoát hiểm không mấy khó khăn.

Tuy nhiên, tới lần này, người ta cho rằng, ông chủ Facebook khó “thoát chết” cho dù đó là người có bộ óc thông minh nhất thế kỷ 21 về máy tính và kinh doanh.

Khởi đầu một giai đoạn đau đớn

Những ngày này, Mark Zuckerberg sống trong ác mộng. Cổ phiếu của Facebook liên tục rớt giá, đồng thời ông chủ của nó đối diện với một cuộc chiến pháp lý được dựng lên bởi người Anh và các đồng minh của họ tại EU.

Trong phiên giao dịch ngày 26 và 27 -7, cổ phiếu của Facebook đã giảm tới 19% xuống 176,26 USD/cổ phiếu, khiến giá trị của “ông lớn” trong ngành công nghệ này bốc hơi khoảng 119 tỷ USD trên thị trường chứng khoán. Riêng giá trị tài sản của Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg  giảm tới 600 triệu USD.

“ Đây có phải chỉ là trở ngại tạm thời hay là sự khởi đầu một giai đoạn “đau đớn” của trang mạng xã hội khổng lồ này. Và liệu những “người khổng lồ” công nghệ khác có gặp phải sự cố tương tự trong tương lai không?” - Michael Lee, nhà quan sát công nghệ hàng đầu của Đại học Yan đặt vấn đề.

Tuy nhiên, với những quy định về bảo mật dữ liệu của châu Âu bắt đầu được áp dụng vào ngày 25 - 5, thì cuộc chiến chống lại Facebook và một số mạng xã hội khác đã bắt đầu. Theo Guardian, người ta không dễ dàng buông tha Zuckerberg “không hẳn vì anh ta quá giàu hay các quan điểm chính trị của mình, mà vì họ đã nhân danh nhân loại nhắm vào mặt trái trong phát kiến vĩ đại của anh ta”.

Sự tụt dốc cổ phiếu của Facebook ở mức độ kinh hoàng khiến người ta nhớ lại hành trình đưa Mark Zuckerberg ra điều trần trước lưỡng viện Quốc hội Mỹ. Giữa tháng 3 năm nay, báo New York Times đăng bài viết gây chấn động về việc Công ty Cambridge Analytica (CA) của Anh thu thập thông tin liên quan đến 50 triệu người dùng Facebook (sau đó được xác định lại là 87 triệu tài khoản) mà họ không hề hay biết.

Cụ thể, từ năm 2014, Aleksandr Kogan - giảng viên tại Đại học Cambridge (Anh) đã phát triển một ứng dụng Facebook trả tiền cho hàng trăm nghìn người dùng nếu họ đồng ý tham gia một khảo sát tâm lý cũng như đồng ý chia sẻ thông tin như tên tuổi, địa chỉ, những nội dung họ đã "like". Tuy nhiên, họ không biết rằng ứng dụng đó còn thu thập cả thông tin về những người trong danh sách bạn bè của họ rồi bán lại cho Công ty Cambridge Analytica.

Người Anh cho rằng, đây không chỉ là bê bối của CA, vì rằng bản thân CA chẳng thể làm được gì nếu như Facebook không "bật đèn xanh". Mà Facebook ở đây được quy về cho ông chủ của nó là Zuckerberg. Quyền được riêng tư - phía ra đòn nhấn mạnh để giáng những đòn chí tử vào việc thu thập và bán thông tin cá nhân của Facebook.

Người Mỹ trong một diễn biến liên quan, đã buộc Zuckerberg phải điều trần trước lưỡng viện Quốc hội, vì rằng đó là danh dự của nước Mỹ - nơi tự do cá nhân luôn được đề cao và tự cho rằng mình đi tiên phong trong lĩnh vực này trước toàn thế giới.

Tại phiên điều trần thứ nhất dự kiến vào ngày 27/3, do người Anh tổ chức, Zuckerberg đã từ chối xuất hiện. Ngay lập tức, truyền thông Anh đã gọi CEO 33 tuổi này là "hèn nhát" và "một kẻ lạ lùng".

Ngày 4/4, Facebook cho biết ông chủ của họ đã đồng ý ra điều trần trước Thượng viện và Hạ viện Mỹ. Gần như ngay sau đó, trong 2 ngày 10/4 và 11/4, cuộc điều trần được tổ chức, nhằm mục đích “làm sáng tỏ các vấn đề thiết yếu về bảo mật dữ liệu người dùng, cũng như giúp người Mỹ hiểu rõ hơn chuyện gì xảy ra với thông tin cá nhân của họ trên mạng" - nói như Chủ tịch Ủy ban Thương mại Hạ viện Mỹ Greg Walden.

Ngày 10/4, Zuckerberg xuất hiện tại Điện Capitol trong trang phục vest xanh đậm, áo sơ mi trắng và cà vạt xanh dương thay vì mặc áo phông xám, quần Jean như thường thấy. Hình ảnh này báo trước một điều hệ trọng và ngầm cho thấy Zuckerberg lo ngại khi phải đối diện với những tay cáo già trong làng chính trị nước Mỹ. Trong buổi chất vấn kéo dài tới 5 tiếng ở Thượng viện, Zuckerberg nhận 44 câu hỏi từ các thượng nghị sĩ.

Tuy nhiên, lại một lần nữa Zuckerberg thoát hiểm - tạp chí Fortune nhận xét - Zuckerberg đã thắng, nhưng là một chiến thắng chưa đủ thuyết phục. Tương tự, nhà hoạt động chính trị Zephyr Teachout cho rằng, đó chỉ là “chiến thắng tạm thời” của ông chủ Facebook nhờ vào bộ óc điện tử ranh mãnh của anh ta và sự thiếu hiểu biết công nghệ của giới chính trị gia tuổi tác.

Nhưng tới nay, cơn bão mang tên Facebook lại nổi lên và người ta không biết rằng liệu nó có cuốn phăng ông chủ của nó là Zuckerberg hay không? 

Theo Reuters, Fortune

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.