Nạn nhân vụ hỏa hoạn tại Khu đô thị Xa La nhập viện.
Cầu thang thoát hiểm ở đại đa số chung cư là nằm gọn trong lòng tòa nhà. Khi có sự cố cháy, điện bị cắt, người dân thoát hiểm rất khó khăn, phần vì tối, phần vì khói, phần vì người dân ở các chung cư dường như rất hiếm hoi được tập huấn về cách thoát hiểm khi có cháy nổ. Đã có không ít người chết vì không biết cách chống ngạt khói.
Nguy hiểm hơn, cửa thoát hiểm nơi thì bị khóa, nơi thì tận dụng cho thuê để hàng…nên bị khóa lại, khiến cho khi có sự cố thì chẳng có đường để người dân thoát thân. Đơn cử như trường hợp ở chung cư vừa bị cháy, người dân đã phải hò nhau phá cửa thoát hiểm đã bị khóa.
Mới đây khi diễn tập PCCC tại tòa nhà Keng Nam - chung cư có thể nói là cao tầng nhất và hiện đại nhất nhì Việt Nam cũng đã từng xảy ra sự cố cháy - lực lượng cảnh sát PCCC không khỏi lo lắng, diễn tập chỉ có vài người, nếu khi sự cố cháy xảy ra thì cả ngàn người thoát hiểm là rất khó khăn khi thiếu biển báo thoát hiểm, hệ thống hút khói hành lang…
Các vụ cháy nổ ở chung cư ngày một nhiều. Thang máy rơi tự do, sập trần… là chuyện cơm bữa ở các chung cư… Người dân thấy bất an khi sống ở chung cư cao tầng khi mà chủ đầu tư chỉ nhăm nhăm xây nhà để bán mà bỏ quên trách nhiệm về an toàn cho người dân, đến khi xảy ra sự cố rồi mới hứa khắc phục.
Những người dân ở khu chung cư giá rẻ Kim Lũ ( Hà Nội) - một mặt bằng có tới trên 20 hộ dân, cao tới 45 tầng, thử hỏi nếu có sự cố cháy nổ thì biết thoát thân như thế nào?
Dư luận đòi hỏi cơ quan chức năng phải xử lý nghiêm với những chủ đầu tư buông nhẹ công tác PCCC ở các khu chung cư cao tầng. Việc xử lý theo kiểu nương tay, nhắc nhở, phê bình là nguyên nhân chính đã dẫn đến việc coi thường công tác PCCC. Trong khi tính mạng ngàn người dân ở các chung cư luôn bị đe dọa, họ luôn sống trong lo âu, thắc thỏm với cháy, nổ.