Tôi rất thương bà vì tuổi của bà đã đi qua nạn đói năm Ất Dậu, đi qua bao nhiêu cuộc trường chinh lịch sử. Hình như những kí ức trong bà thi thoảng vẫn rủ nhau ùa về thành ra bà sợ con cháu đói nên cũng hay nấu cơm nhiều.
Tôi thường động viên bà bằng cách ăn cố, bà bảo: “Hồi xưa, nhiều người còn phải ăn cơm độn với khoai đấy, cháu ạ”. Tôi chợt nghĩ, khoai bây giờ còn đắt hơn cả cơm nên chỉ cười vâng dạ. Bà lại bảo: “Phí của Giời, một đời chẳng có, vàng bạc lúc đói cũng chẳng mang ra ăn được”.
Khi bước vào cuộc sống sinh viên, có lần tôi thấy trong bếp ở phòng trọ của anh bạn để cơm nguội thừa nhiều quá, ruồi bâu kiến bậu, sao tự nhiên thấy chướng tai gai mắt. Tôi chỉ nghĩ đơn giản là nấu nhiều sẽ tốn nhiều gạo, nhiều công, nhiều tiền điện nước và rồi nhớ ra có cơm nguội thì còn hấp được không thì lại đổ đi hết.
Thi thoảng ăn cơm hấp thì còn được chứ ăn cơm hấp thường xuyên thì chán ngán. Tôi cứ cho rằng bữa ăn ngon là do cơm ngon. Bát cơm là món chủ lực, như cây đũa của nhạc trưởng trong bản giao hưởng tiệc tùng vậy.
Khi đủ độ của tuổi trưởng thành, tôi vẫn thấy cơm mà nguội ngơ nguội ngắt thì chán vô cùng. Mở nồi cơm đi nấu mà thấy bên trong còn nhiều cơm nguội thì ớn vô kể. Ăn cơm nguội thì nhạt nhẽo không tả xiết.
Có lẽ nào đấy lại là nguyên nhân của một nỗi hờn bóng gió trong mối quan hệ riêng tư nào đó mà dân gian vẫn mát mẻ rỉ tai nhau: “Vợ là cơm nguội của ta…”? Cơm đã nguội thì độ kết dính kém mà kết dính kém thì cũng chẳng còn sang quý ở đâu. Câu chuyện Dương Lễ thết đãi Lưu Bình bằng cơm nguội cà thâm trong ngày gặp gỡ sau khi Dương Lễ đỗ quan là một ví dụ tủi hờn chẳng thể quên.
Thậm chí khi nghe ai nói chuyện không rõ ràng, không mạch lạc, không hấp dẫn thì người ta thường hay so sánh luôn: Nói chuyện rời rạc như cơm nguội... Chỉ nghĩ từng ấy thứ thôi cũng đủ thấy cơm nguội thật chả mấy thú vị hoặc ý nghĩa gì cả.
Một ngày kia, có người mang sang cho con cá tươi mà trong nhà lại chẳng còn quả cà chua, hay quả me, trái sấu nào để nấu, bỗng thấy tiếc hùi hụi. Giữa lúc món ăn yêu thích đang gặp đường bí bích thì bỗng nhớ tới mẻ, một cứu cánh cực kì hiệu quả cho việc nấu cá.
Nguyên liệu dân dã làm gia vị nấu nướng đã bao đời. Mẻ thơm có độ chua riêng biệt đủ để khắc chế vị tanh của cá, dung hòa độ mềm của thịt cá. Phải rồi, cá nấu mẻ. Mà mẻ thì lại chỉ dùng cơm nguội để nuôi trong lọ trong hũ, cho cơm nóng vào là mẻ không sống được.
Nghe đâu, mẻ còn dùng trong việc chế biến một số món ăn liên quan tới thịt chó, thịt mèo rất hiệu quả, nếu không có mẻ thì các món ăn ấy sẽ không dậy mùi, sẽ không có vị hấp dẫn đến thèm thuồng như người ta vẫn thưởng thức xưa nay. Hóa ra chỉ có cơm nguội mới là nguồn sống duy nhất của mẻ mà không cần phải thêm thắt bất cứ một thứ gì khác. Hóa ra, ở đời, đôi khi cái tưởng bỏ đi mà lại trở thành cái quan trọng của nhiều điều thú vị khác.
Khi thím tôi nấu rượu, tôi mới hiểu muốn vật men nấu rượu thành công thì phải nấu cơm cho chín ngon, rồi đổ ra nia và tãi ra cho cơm nguội, sau đó mới rắc men. Cơm còn nóng mà vội cho men vào là hỏng, quá trình nấu rượu sẽ thất bại ngay từ đầu.
Quan sát kĩ, tôi thấy quy trình nấu rượu cũng rất cầu kì, cẩn thận trong từng thao tác. Muốn có rượu ngon thì cũng phải biết cách chọn gạo thổi cơm, trộn men, ủ men rồi chưng cất. Rượu là hồn cốt của cơm, cơm là căn cốt của gạo. Gạo mốc thì rượu đắng. Gạo ngon thì rượu thơm.
Gạo nếp hay tẻ thì nhất thiết cũng phải nấu cơm để nguội. Cơm nguội mà thành rượu ấm nóng. Trong phương diện văn hóa, rượu chứng giám cho các lễ nghi, chứng minh cho lòng trung thành, chứng tỏ cho dũng khí hoặc lời thề nguyền hẹn ước. Tôi chợt nghĩ, có khi nào “phi tửu bất thành lễ” lại có nguồn gốc sâu xa từ cái mà tôi đã từng nghĩ sai về một trạng thái của cơm?
Dòng đời vẫn ngược xuôi, con người cũng xuôi ngược. Trong một chuyến đi xa, dừng lại một quán ăn ven đường, tôi gọi món cơm rang. Lúc ấy tôi mới hiểu rõ hơn món cơm rang cũng phải là từ cơm nóng để nguội, sau đó hạt cơm se lại rồi lúc ấy mới cho vào rang.
Hạt cơm nguội khi khô thì cơm dễ quyện thấm mỡ mì hành phi ăn mới ngon, cùng với nước dùng, cơm rang sẽ trở nên ấn tượng. Hoặc đơn giản là món cơm cháy bày bán ở các khu du lịch thì cũng phải nấu cơm để nguội rồi trộn ướp các gia vị tạo được thành phẩm và đóng gói thành thức quà bán cho khách khắp nơi.
Rồi một lần thăm dì ở Sài Gòn, tôi được thưởng thức món cơm cháy chà bông giòn rụm trong một ngày mưa bất chợt mà đến giờ vẫn chưa thể quên đi được. Cái cảm giác ngon ngậy đậm đà cứ vương vấn mãi người ở xa. Rồi cơm nguội thành tên một loài cây.
Cây cơm nguội hay cây bỏng nổ là một loài cây bụi khá quen thuộc ở Việt Nam. Phải chăng quả của cây mọc nhiều, lại có màu trắng và nhỏ, trông xa như những hạt cơm trắng nên mới có cái tên cây như thế? Khi quả cây cơm nguội chín, ăn rất ngọt, thanh mát và ngon miệng.
Rồi có cả loài cây mang tên cây cơm nguội vàng đã đi vào thi ca, nhạc họa như một nỗi nhớ da diết khôn nguôi về mảnh đất và con người của một nơi đã từng thương, từng nhớ. Tôi chợt nghĩ, có một lẽ gì đó rất tự nhiên và logic giữa cách gọi tên cây với đời sống sinh hoạt muôn đời này.
Bao nhiêu năm tháng đi qua, bao nhiêu bữa cơm đã nuôi tôi khôn lớn thành người và cơm nguội đã đi vào những kỷ niệm của tôi với bao nỗi niềm, với cả một chút ân hận của tuổi thanh xuân.
Cơm nguội đã sống với đời sống riêng của nó mà không sợ bị coi thường, khinh bạc. Cơm nguội đã băng qua hàng nghìn năm nay với triệu triệu các thế hệ mà giờ tôi mới thấy thấm thía, yêu thương.