Cứ sống tử tế đi!

GD&TĐ - Bạn hay nghe câu này: Tin tốt và tin xấu, bạn chọn tin nào trước?

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Hôm qua, ít nhất 10 người bạn Facebook của tôi chia sẻ thông tin cảnh báo nâu và tím về mức độ ô nhiễm không khí ở Hà Nội, thậm chí có lúc chỉ số chất lượng không khí ở mức trên 300, tức là mức độ rất nguy hại, và kèm theo cảnh báo của Tổng cục Môi trường là không nên ra đường.

Còn hôm kia, 3 người bạn Facebook khác chia sẻ tin video về một công nhân xây dựng nhảy chân sáo về nhà. Người công nhân 56 tuổi, không phải ở Việt Nam, bảo sau một ngày làm việc, ông rất vui vì nghĩ tới bữa cơm tối ấm áp ở nhà.

Thế đấy, tin xấu hình như thường được người ta đọc nhiều hơn, chia sẻ nhiều hơn. Tất nhiên 2 ví dụ trên của tôi hơi khập khiễng, vì một chuyện sát sườn đời sống của người Hà Nội, còn một chuyện là ở nước ngoài, ở đâu đâu. Nhưng thử nghĩ lại mà xem, thật sự chúng ta quan tâm đến những tin xấu hơn, nào là nước sạch nhiễm dầu, tăng giá nước, một công an đánh người, một cụ ông 80 tuổi bị hành hung…

Quả thật có quá nhiều thứ làm chúng ta ít thấy yêu đời hơn. Nhưng nếu thử nhìn một cách khác, rằng những gì tệ hại đã xảy ra thì đã xảy ra rồi, và còn cần cả một lộ trình dài mới giải quyết được nó, rồi nhìn lại xem chúng ta đang hành động thế nào, để mà cảm thấy ít bế tắc hơn trong cuộc sống.

Trên “tút” của một người than thở về ô nhiễm không khí, tôi xem trong phần bình luận, giữa rất nhiều người khác than thở đồng thanh, có những “còm” thế này: “Mẹ mình bảo từ giờ đi chùa sẽ không đốt vàng mã nữa cho đỡ ô nhiễm”; “Đấy, lúc bảo cấm xe máy trong phố cổ thì cứ ồ lên phản đối”, “Tôi đã bỏ xe máy ở nhà, chuyển sang đi xe đạp cho đỡ xả thải khói bụi”... Vậy đó, than thở mãi được gì, quan trọng là bạn làm thế nào để góp phần chống ô nhiễm không khí.

Hay là nhìn anh công an nọ tát vào mặt cô bán xúc xích ở Thái Nguyên. Đồng ý là chúng ta không thể không bức xúc vì có một sự lạm dụng quyền lực ở không ít người trong lực lượng này. Thứ quyền lực mà họ được tin tưởng giao phó để lẽ ra là bảo vệ người dân, nhưng lại dùng nó vào những công việc hay hành vi khó có thể chấp nhận như cô công an làm loạn sân bay, thậm chí nhiều vị tướng công an bị xử lý gần đây.

Nhưng rõ ràng còn nhiều chiến sĩ công an khác đang nỗ lực làm việc, hy sinh tính mạng, và khi Việt Nam được gọi là một trong những quốc gia yên ổn nhất thì không thể thiếu sự đóng góp không nhỏ của họ. Nhìn lại để nghĩ rằng liệu chúng ta có tuân thủ luật pháp đầy đủ hay chưa, hay khi ta chẳng may vô tình vi phạm giao thông khi đi đường chẳng hạn, thì lại “xin xỏ” cảnh sát giao thông rồi lại tự cho mình quyền mắng nhiếc họ biến chất…

Biết là không thể AQ để sống. Nhưng đừng để những góc nhìn tiêu cực che mắt mình, dù đó là nhu cầu hiếu kỳ tự nhiên của con người. Bởi nếu không, lâu dần chúng ta sẽ quên đi những điều tử tế vẫn diễn ra, và thậm chí quên cả niềm vui khi chơi với con mỗi tối, khi đọc sách cho con, sự ấm áp khi về nhà ăn bữa cơm tối với bố mẹ, gia đình, mà cứ bực tức vì hôm nay đi đường quên mang khẩu trang nên “lãnh đủ” khói bụi giờ tan tầm, vì đám tắc đường kẹt cứng lúc chiều về… Và đáng sợ nhất, chúng ta sẽ quên đi trách nhiệm sống tử tế của mình dù là những điều nhỏ nhất, để mà đổ lỗi cho người khác.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ