Thực phẩm được chế biến thành món ăn tại quán cơm bụi sinh viên đều không rõ nguồn gốc, chất lượng |
(GD&TĐ) - Cuộc sống ngày càng phát triển, đời sống được cải thiện theo chiều hướng ngày càng được nâng cao, tuy nhiên đối với giới sinh viên (SV), bên cạnh những đổi thay tích cực về điều kiện cơ sở vật chất, điều kiện học tập thì vẫn còn phải đối mặt với không ít khó khăn của cuộc sống “cơm, áo, gạo, tiền”. Trong đó, điều đáng lo ngại nhất đối với sức khỏe của SV hiện nay là vấn đề ăn uống, khi mà phần lớn phải ăn cơm bình dân (với cách gọi quen thuộc “cơm bụi”) hàng ngày.
Không có lựa chọn khác
Hình ảnh thường thấy là cứ ở đâu có ký túc xá hay các khu trọ của SV là ở đó cũng mọc lên nhan nhản các quán cơm bụi, với đủ các món và rất nhiệt tình phục vụ mọi nhu cầu ăn uống, sở thích tiêu dùng của từng cá nhân.
Điều dễ thấy tại các quán cơm bụi chuyên phục vụ cho SV là giá cả rất bình dân, một suất cơm chỉ trong khoảng từ 12.000/suất – 15.000/suất, phù hợp với túi tiền vốn luôn eo hẹp của những bạn trẻ trọ học xa nhà. Thế nhưng, chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm thì quả thật cũng theo kiểu “của rẻ là của ôi”.
Nguyễn Thị Thu Hoài – SV năm thứ nhất Trường ĐH Nông nghiệp Hà Nội, tâm sự: “Mình rất muốn tự nấu ăn vì có thể lựa chọn được thực phẩm tốt, rẻ, lại rất tốt cho việc tiết kiệm vì điều kiện khó khăn. Nhưng không có chỗ nấu ăn nên buộc phải ăn cơm quán.
Cơm bụi ngoài quán bây giờ nhìn chung không đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm, giá tuy rẻ nhưng tâm lý ăn không thấy thoải mái vì nguồn thực phẩm chế biến không được tươi và sạch”.
Mặc dù, biết rất rõ nguồn thực phẩm từ các quán cơm bụi không sạch sẽ, thiếu an toàn nhưng Bùi Thu Trang - SV năm 3, Khoa công tác xã hội, Học viện Báo chí & Tuyên truyền vẫn phải chấp nhận làm bạn với cơm suất mỗi ngày: “Hàng ngày mình phải đi học từ sáng sớm tới tận 12 giờ trưa, học xong chỉ có 30 phút để ăn uống sau đó ra quán làm thêm luôn tới 11h đêm.
Thật sự mình biết rất rõ cơm quán bây giờ chẳng an toàn gì, chứ chưa nói là đủ dinh dưỡng, nhưng không có thời gian nên vẫn phải lựa chọn thôi. Mình đặt cơm suất cả tháng, đến giờ người ta mang qua quán cho, nhiều hôm thức ăn có mùi mình không dám ăn, còn chuyện đau bụng thì cũng thỉnh thoảng gặp phải.
Đã có thời gian mình tự dậy sớm, tự nấu cơm ở nhà mang đi để ăn trưa cho đảm bảo và tiết kiệm, nhưng mệt quá không dậy sớm được nên lại phải quay lại với cơm suất!”.
Nỗi lo sức khỏe
Từng có thời gian làm trong các quán cơm bụi SV, bạn Nguyễn Phương Thảo – SV năm cuối, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội không còn lạ với các chiêu thức “phù phép” thực phẩm nhằm qua mắt người ăn của các quán cơm bụi.
Thảo cho biết trước đây khi chưa đi làm thêm trong các quán ăn, thỉnh thoảng cũng ăn cơm bụi ngoài quán những lúc nhỡ bữa. Từ khi xin làm thêm ở các quán cơm bụi thì thật sự “phát hoảng” trước vấn đề vệ sinh và nguồn thực phẩm ở các quán cơm bụi: Chủ yếu là các loại thực phẩm ế, giá rẻ ngoài chợ được chủ quán hiệp đồng mua về.
“Có nhiều hôm thịt lợn lấy về đã có mùi rất khó chịu, chủ quán liền bảo lấy thuốc tẩy mùi, sau đó cho gia vị vào kho tầu, người ăn nào không thật sự tinh không thể biết được. Ngoài ra, công tác vệ sinh ở các quán ăn cũng rất kém, nguồn nước dùng cho rửa thực phẩm, rửa bát đũa cũng không đảm bảo, nước dùng đi dùng lại tới vài lần mới thay…”, Thảo cho biết thêm.
Vấn đề an toàn thực phẩm, chất lượng dinh dưỡng của các suất cơm bụi đang là vấn đề đáng lo ngại đối với chính các bạn SV – những người thường xuyên phải sử dụng cơm bụi cho bữa ăn hàng ngày. Khách quan mà nói, người kinh doanh luôn đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu, còn người sử dụng là các bạn SV lại muốn ăn uống rẻ, do đó cũng rất khó để đòi hỏi sự đảm bảo trong vấn đề ăn uống bên ngoài các quán ăn.
Việc kiểm tra, thanh tra về công tác đảm bảo vệ sinh, an toàn thực phẩm của các lực lượng chức năng tại các quán ăn hiện nay vẫn còn bị buông lỏng, thiếu thường xuyên, do đó, để đảm bảo sức khỏe, mỗi bạn trẻ cần phải cân nhắc kỹ lưỡng chuyện ăn uống của mình để đảm bảo sức khỏe tốt nhất phục vụ cho công việc học tập – nhiệm vụ quan trọng nhất của mọi SV.
Phạm Xuân Thông