CO2 tăng gây nguy cơ suy dinh dưỡng

GD&TĐ - Nồng độ CO2 trong không khí gia tăng sẽ đe dọa tới hàm lượng dinh dưỡng của lúa mì, gạo và các loài cây lương thực chính yếu khác, gia tăng khả năng về một đại dịch suy dinh dưỡng toàn cầu, theo cảnh báo của các nhà nghiên cứu.

Những cánh đồng đang dần chịu ảnh hưởng của tác động biến đổi khí hậu khiến chất dinh dưỡng trong lương thực giảm mạnh
Những cánh đồng đang dần chịu ảnh hưởng của tác động biến đổi khí hậu khiến chất dinh dưỡng trong lương thực giảm mạnh

Theo mức tăng hiện tại, nồng độ CO2 cao sẽ làm giảm hàm lượng sắt, kẽm và protein trong các loài cây lương thực tới 17% vào giữa thế kỷ 21, theo báo cáo đăng tải trên tạp chí Nature Climate Change.

Tác giả chính của báo cáo, Matthew Smith - một nhà nghiên cứu đến từ Trường Y tế cộng đồng thuộc ĐH Harvard (Mỹ) cho biết: “Hàng trăm triệu người có thể sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt các chất dinh dưỡng này, đặc biệt là ở châu Phi, Đông Nam Á, Ấn Độ và Trung Đông. Chúng ta còn chưa tính tới hàng tỷ người trên Trái đất đang phải sống trong cảnh thiếu hụt dinh dưỡng sẽ rơi vào tình trạng còn tệ hơn”.

Protein cùng với các khoáng chất sắt và kẽm là những chất dinh dưỡng thiết yếu cho sự tăng trưởng và phát triển bình thường của con người. Thiếu chất kẽm sẽ ảnh hưởng tới hệ miễn dịch và khiến trẻ em dễ mắc các căn bệnh như sốt rét, nhiễm trùng phổi và nhiều bệnh tiêu chảy chết người hơn.

Thiếu sắt sẽ gia tăng tỉ lệ tử vong của các bà mẹ khi sinh đẻ, giảm IQ, gây thiếu máu, giảm tỉ lệ hồng cầu. Lúa mì, gạo và ngô chiếm khoảng 40% nguồn cung cấp protein, kẽm và sắt trong chế độ ăn uống trên toàn cầu.

Trung bình, 3/5 lượng protein thực phẩm, 4/5 lượng sắt và 70% lượng kẽm mà con người nhận được đến từ các loài cây lương thực này. Hệ thống lương thực toàn cầu cũng trở nên dễ bị tổn thương khi nhiệt độ tăng với nhiều cơn hạn hán kéo dài và các dạng thời tiết cực đoan khác nhau thúc đẩy bởi biến đổi khí hậu, theo như các nghiên cứu trước đã chứng minh. Tác động chúng ta phải hứng chịu bao gồm giảm sản lượng cây trồng; gia súc stress bởi nhiệt; biến đổi về số lượng và vị trí của các loài hải sản đánh bắt thương mại.

Để đánh giá mức độ ảnh hưởng của CO2 trong khí quyển tới sức khỏe toàn cầu trong năm 2050, GS Smith và đồng nghiệp Samuel Myers đã chạy mô hình cho 225 loại cây lương thực khác nhau trồng tại 151 quốc gia. Nếu nhân loại tiếp tục phát thải khí nhà kính qua việc đốt than, dầu và khí tự nhiên ở mức hiện tại, nồng độ CO2 trong bầu khí quyển có thể sẽ đạt tới mức 550 phần triệu trong năm 2050.

Nhóm nghiên cứu phát hiện rằng, sẽ có thêm khoảng 2% dân số thế giới (tầm 175 triệu người) dễ lâm vào tình trạng thiếu hụt kẽm và 122 triệu người sẽ bị thiếu hụt protein nếu tình trạng không thay đổi.

Khoảng 1,4 tỷ phụ nữ và trẻ em dưới 5 tuổi sẽ có hàm lượng sắt bị giảm đi ít nhất 4% hoặc nhiều hơn. Nửa tỷ rưỡi trong nhóm này có nguy cơ phát triển các căn bệnh do thiếu sắt cao hơn.

Ấn Độ sẽ là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với khoảng 50 triệu người bị thiếu kẽm và 38 triệu người có lượng protein thấp dưới mức tối thiểu, theo nhóm nghiên cứu cho biết. Số lượng người bị ảnh hưởng cũng sẽ tăng lên đáng kể ở các quốc gia như Trung Quốc, Indonesia, Bangladesh, Brazil, Kenya và các nền kinh tế mới nổi hay đang phát triển khác.

Theo AFP

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ