Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc đôn đốc đẩy mạnh phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công và thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội diễn ra vừa qua, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã thẳng thắn: Đây là cuộc họp nhằm giải quyết vấn đề khó khăn nhưng thực ra đang giải quyết vấn đề thuận lợi, bởi vấn đề khó khăn nhất “đầu tiên là tiền đâu” nhưng bây giờ có tiền lại không làm được.
Hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn nhiều điểm nghẽn. Cụ thể, theo Báo cáo của Bộ KH&ĐT, năm 2022, tổng số vốn ngân sách Nhà nước các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương đã phân bổ, giao kế hoạch chi tiết cho các nhiệm vụ, dự án là hơn 551.378 tỷ đồng, đạt 95,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn ngân sách Nhà nước chưa phân bổ là hơn 28.668 tỷ đồng, bằng 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Về giải ngân, ước đến ngày 31/1/2023 là hơn 541.857 tỷ đồng, đạt xấp xỉ 93,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và cao hơn số liệu đã báo cáo tại Phiên họp Chính phủ tháng 1/2023 do đã cập nhật số liệu của tỉnh Hà Tĩnh, Hòa Bình.
Dù vậy, con số này vẫn thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây nhưng là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất trong các năm trước đây, tăng khoảng 23,5%, tương đương khoảng 103 nghìn tỷ đồng so với năm 2021.
Đặc biệt, có 8 bộ, cơ quan Trung ương và 30 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao nhưng cũng có tới 40/51 bộ, cơ quan Trung ương và 24/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước.
Dễ thấy, dù tỷ lệ giải ngân còn lại chưa tới 10% nhưng nếu so sánh trong tổng số vốn thì số còn lại là không hề nhỏ, đồng nghĩa với việc nhiều công trình, dự án sẽ dang dở hoặc không thể hoàn thành theo kế hoạch.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng giải ngân chậm ngoài yếu tố khách quan là những vướng mắc trong quy định tại các nghị định của Chính phủ và văn bản pháp luật liên quan đến các lĩnh vực đất đai, bảo vệ môi trường, đấu thầu, ngân sách, xây dựng, tài nguyên và khoáng sản, đầu tư công.
Theo Bộ KH&ĐT, còn có những hạn chế đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được khắc phục. Đó là vai trò người đứng đầu tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương chưa được phát huy đầy đủ. Năng lực lập kế hoạch chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án còn hạn chế.
Những vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm. Sự phối hợp giữa các cơ quan trong nhiều trường hợp thiếu chặt chẽ; công tác thanh tra, kiểm tra chưa quyết liệt; việc xử lý các trường hợp chậm trễ, vi phạm quy định còn chưa kịp thời, nghiêm minh...
Năm nay, kế hoạch vốn được giao lên tới 707.044,198 tỷ đồng. Nên để “hấp thụ” được chắc chắn những tồn tại, bất cập trong giải ngân phải được tháo gỡ, trong đó, có hai vấn đề đáng chú ý là chuẩn bị và thực hiện đầu tư.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong chuẩn bị đầu tư, quy định hiện hành là khi có vốn thì mới được lập dự án đầu tư nhưng nếu bố trí được vốn rồi mới lập dự án thì 2 năm sau mới giải ngân được.
Để gỡ nút thắt này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc kiến nghị dùng chi thường xuyên có tính chất đầu tư để lập dự án. Khi được bố trí vốn thì lúc đó sẽ triển khai công tác thực hiện đầu tư, còn nếu bố trí vốn xong mới lập dự án đầu tư thì vướng hết...
Vốn đầu tư công là nguồn lực, động lực quan trọng cho phát triển. Vậy nên, khi đã bố trí được vốn thì phải giải ngân được.