“Cò vé” lộng hành nhà ga, bến xe TP HCM cận Tết

“Cò vé” lộng hành nhà ga, bến xe TP HCM cận Tết

“Cò vé” tấp nập bến tàu, bến xe

Có mặt tại bến xe Miền Đông (BXMĐ) những ngày qua, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, lượng xe khách đang chờ phục vụ “thượng đế” dịp Tết Canh Tý (2020) rất nhiều nhưng lượng khách ra, vào bến chẳng được bao nhiêu. Nhiều nhà xe in thông tin quảng cáo lên tấm vải lớn, treo trước đầu xe để tìm khách, tìm nguồn hàng…

Vừa chạy xe qua cổng BXMĐ ở phía đường Đinh Bộ Lĩnh vào trong khu vực bến, PV được một “cò vé” chạy “dụ” vào gặp nhà xe Thủy Cường (chạy tuyến TP HCM - Thanh Hóa). Sau khi PV ngỏ ý muốn mua vé về Thanh Hóa sau ngày 23 tháng Chạp, người đại diện nhà xe này cho hay, vé về Thanh Hóa từ nay đến giáp Tết, ngày nào cũng có. Vé giường nằm, bao ăn giá 1,5 triệu đồng/vé.

Cách đó không xa, nhà xe Hoàng Long (chạy tuyến bến xe Nước Ngầm - BXMĐ) tập trung 5 xe giường nằm (loại trên 40 chỗ) treo biển nhận bỏ hàng qua hàng chục điểm trên dọc lộ trình. Trông thấy chúng tôi, 3 người đàn ông chạy lại chèo kéo khách mua vé. “Giá vé về Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nội đều là 1,750 triệu đồng/vé, anh đặt tiền đi kẻo hết vé…”, một phụ xe mồi chài.

Theo tìm hiểu của PV, những “cò vé” ở BXMĐ thường là phụ xe của các nhà xe. Cũng có một vài xe ôm truyền thống tham gia giới thiệu khách, nếu bán được 1 vé, người giới thiệu được “hoa hồng” từ 30 - 50 nghìn đồng.

Trước đó, chiều 6/1, có mặt tại ga Sài Gòn, theo quan sát của PV, khu vực ga rất thông thoáng và nền nếp, không còn cảnh các phe vé, “cò vé” chạy đi chạy lại nhốn nháo chào mời khách. Ở phía ngoài đường Nguyễn Thông, chỉ còn vài “cò” vừa bán hàng giải khát, vừa đợi khách hỏi mua vé “ngoài luồng” để kiếm chút “hoa hồng”.

Khoảng 15h cùng ngày, khi đứng trước cây ATM ở số 1 Nguyễn Thông, PV được hai người phụ nữ luống tuổi nhanh nhảu: “Mua vé không em? Về đâu? Đi ngày mấy?...”. Khi PV ngỏ ý muốn mua vé về Thanh Hóa, từ ngày 23 - 25 tháng Chạp, lập tức người phụ nữ già nhất trong nhóm rút điện thoại gọi cho ai đó tên Linh, lát sau quay sang nói với PV: Ngày 23, 24, 25 tháng Chạp, tàu Thống Nhất vé giường nằm là 1,750 triệu đồng/vé, ngồi mềm thì hơn 1,6 triệu đồng chưa bao gồm công. Chú lấy mấy vé? PV nói người nhà muốn mua 3 vé ngồi mềm, vậy trưa mai (ngày 7/1) đến trả tiền nhận vé nhé. Người phụ nữ đồng ý và cho PV số điện thoại 0913603… giới thiệu mình tên Kim để tiện liên lạc.

PV thắc mắc, nhỡ mua phải vé không hợp lệ thì sao, bà Kim khẳng định, vé thật 100%, khách đến lấy vé, đem vào ga kiểm tra, đối chiếu rồi mới trả tiền. “Vé tôi nhờ người trong ga đặt nên anh yên tâm. Họ chỉ đặt giữ chỗ được trong vòng 24 giờ nên trưa mai, nếu người nhà anh không đến lấy vé là mất chỗ đấy nhé”. Cò “Kim” dặn PV phải nói người nhà khi đến lấy vé mang theo CMND, giấy tờ tùy thân và mỗi vé cộng thêm 250 nghìn đồng tiền công.

Tại khu vực cổng Chi nhánh Vận tải đường sắt Sài Gòn, bà Hương bán hàng giải khát “kiêm” luôn việc môi giới bán vé tàu Tết. Qua trao đổi, chúng tôi ghi nhận cách thức “làm vé” của bà Hương cũng giống như “cò” Kim, tuy nhiên, tiền công “mềm” hơn, với số tiền cộng thêm là 200 nghìn đồng/vé.

Vé còn nhiều, đừng bị mắc lừa bởi “cò vé”

Keyword đầu tiên có dấu

“Cò” Hương chào mời khách mua vé tàu (Chụp chiều 6/1)

Trao đổi với PV, đại diện BXMĐ cho biết, vé xe Tết các chặng từ Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Khánh Hòa, Bình Định… trở vào chủ yếu chỉ còn ghế ngồi. Vé xe đi các tỉnh miền Bắc còn rất nhiều. Cụ thể, đối với khu vực miền Bắc, số lượng vé theo kế hoạch là 25.432 vé, trong đó, có 24.870 vé giường nằm và 562 vé ngồi. Đến thời điểm này, vẫn còn 8.700 vé giường nằm và toàn bộ số lượng vé ghế ngồi chưa bán được. “Còn rất nhiều vé giường nằm nên vé ghế ngồi chưa bán được. Đối với các chặng dài, khách chỉ chuộng vé giường nằm, vé ngồi chỉ khi nào giường nằm không đáp ứng đủ nhu cầu, phải đưa xe tăng cường để phục vụ hành khách đi ngay”, vị này thông tin thêm.

Liên quan đến việc kiểm soát hoạt động của “cò vé”, lãnh đạo BXMĐ cho hay, dịp Tết này, bến tăng cường tối đa lực lượng (hơn 70 nhân viên bảo vệ phối hợp với công an khu vực) bảo đảm an ninh trật tự tại khu vực bến cũng như phòng chống nạn cò mồi vé. Đến nay, BXMĐ chưa phát hiện trường hợp cò vé lừa đảo hành khách.

Trong khi đó, ông Lê Quốc Trung, Phó tổng giám đốc Công ty CP Vận tải Đường sắt Sài Gòn cho hay, từ 20 - 29 tháng Chạp vẫn còn rất nhiều vé tàu từ TP HCM đi các tỉnh miền Trung, phía Bắc. Cụ thể, hiện nay còn 15 nghìn chỗ, trong đó về Vinh (Nghệ An) là 1.500 vé, Thanh Hóa là 2.300 vé, Hà Nội là 4.200 vé...

Theo ông Nguyễn Văn Thành, Phó giám đốc Chi nhánh Khai thác đường sắt Sài Gòn, kiêm Trưởng ga Sài Gòn, sở dĩ năm nay “cò vé” vắng bóng ở khu vực ga là vì từ tháng 7/2019, Công an quận 3 đã triệu tập họ lên để ký cam kết không được vào ga để quấy nhiễu hành khách nữa. “Chỉ có vài “cò” đi rao lòng vòng thế thôi chứ không có vé để mà bán đâu. Người dân đừng nghe lời “cò” dụ, họ không có vé. Vé đã được công khai minh bạch trên mạng hết rồi, họ chỉ lừa hành khách thôi”, ông Thành nói.

Theobaogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ