Có tiền và tiêu tiền...

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Năm nay, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước là hơn 817.307 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đã giao là 804.420,1 tỷ đồng.

Minh họa/INT
Minh họa/INT

Theo thống kê, đến ngày 30/9, đã có khoảng 363.310 tỷ đồng vốn đầu tư công được giải ngân, đạt 51,38% kế hoạch và là năm đầu tiên lượng vốn giải ngân 9 tháng vượt 50%.

Đây là điểm nhấn đáng chú ý bởi theo số liệu của Bộ Tài chính 3 tháng trước đây, giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 215.578,9 tỷ đồng, bằng 30,49% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. 9 bộ, 32 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 30% kế hoạch. 39/52 bộ và 12/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 20%, trong đó có 37 bộ, 3 địa phương chỉ giải ngân đạt dưới 15%; 3 địa phương giải ngân đạt dưới 15% kế hoạch vốn.

Vốn đầu tư công là động lực tăng trưởng quan trọng cho nền kinh tế. Tuy nhiên, bố trí được vốn là một chuyện. Vấn đề còn lại là làm thế nào để giải ngân và khi giải ngân chậm thì phải xác định nguyên nhân là gì để có giải pháp khắc phục nhằm góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô lại là chuyện khác.

Thực tế, chậm giải ngân vốn đầu tư công năm nào cũng diễn ra và nguyên nhân cũng khá rõ. Ví dụ như trong 6 tháng đầu năm nay, lý do là bởi công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa tốt dẫn đến dự án chưa đủ điều kiện giao vốn. Do thủ tục phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án đầu tư mất nhiều thời gian, nhất là thủ tục phê duyệt thiết kế, đấu thầu, giải phóng mặt bằng.

Nguyên nhân nữa là do việc cập nhật, rà soát, công bố giá vật liệu xây dựng, chỉ số giá xây dựng chưa phản ánh kịp sự thay đổi của thị trường. Giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng tăng cao, làm tăng chi phí cho doanh nghiệp.

Mặt khác, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm do vướng mắc trong xác định giá đất, phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng, quy hoạch ngành...

Còn trong 6 tháng năm 2022, giải ngân chậm là do thời gian lập đề xuất dự án đến triển khai thực hiện kéo dài. Thủ tục gia hạn hiệp định và điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án mất nhiều thời gian.

Năng lực một số nhà thầu tư vấn còn yếu kém dẫn đến chất lượng công tác tư vấn, hồ sơ còn hạn chế. Công tác giải phóng mặt bằng cũng gặp nhiều khó khăn...

Như vậy có thể thấy, có nhiều thách thức, vướng mắc, cả chủ quan và khách quan dẫn đến giải ngân vốn đầu tư công chậm. Cho nên để giải bài toán này thời gian tới, ngoài việc sửa đổi, hoàn thiện các quy định của pháp luật, theo ý kiến đại diện Vụ Đầu tư, Bộ Tài chính tại Tọa đàm về cơ chế, chính sách nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách Nhà nước hàng năm diễn ra cách đây chưa lâu, yếu tố then chốt vẫn là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư trong tổ chức thực hiện.

Các bộ, ngành, địa phương cần xây dựng kế hoạch sát với khả năng thực hiện và giải ngân của từng dự án. Chỉ đạo các chủ đầu tư chủ động thực hiện tốt công tác chuẩn bị đầu tư, điều kiện cần thiết để sẵn sàng phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án và triển khai ngay sau khi được giao kế hoạch vốn, không để sau khi giao vốn mới bắt đầu triển khai các công việc.

Năm nay, tổng vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Nhà nước là hơn 817.307 tỷ đồng, trong đó kế hoạch vốn đã giao là 804.420,1 tỷ đồng. Vậy nên, dù là năm đầu tiên lượng vốn giải ngân 9 tháng vượt 50% thì quỹ thời gian còn lại để giải ngân 50% vốn còn lại cũng chỉ vỏn vẹn 3 tháng nữa nên rất có thể chuyện cũ: Có tiền nhưng không tiêu được sẽ vẫn tiếp diễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Công nhân khai thác dưới hầm lò. Ảnh minh họa

Sập hầm lò, 3 công nhân tử vong

GD&TĐ - Vụ tai nạn lao động xảy ra tại Công ty than Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) khiến 3 công nhân tử vong, 1 người bị thương.