Cô thủ thư tâm huyết rèn thói quen đọc sách cho học sinh

GD&TĐ - Nhờ những đóng góp hiệu quả, nhiệt huyết của cô thư viện, học sinh đã rất hào hứng đến với thư viện, đọc sách nhiều hơn, góp phần nâng cao tri thức, sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực trong cuộc sống, xã hội.

Cô Hạnh và học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ
Cô Hạnh và học sinh Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ

Lan tỏa văn hóa đọc trong từng giờ học

Tại Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ (quận Hoàng Mai, Hà Nội), bên cạnh không gian xanh, sạch, đẹp trong các lớp học, mọi người còn ấn tượng với một thư viện rất thoáng mát và thân thiện. Người góp phần tạo nên thư viện này chính là cô Nguyễn Thị Hạnh- nhân viên phụ trách thư viện của nhà trường.

Trong thư viện tràn ngập sắc xanh là những bức tranh hoạt hình ngộ nghĩnh và kệ sách được sắp xếp theo chủ điểm. Bên cạnh đó, là những góc âm nhạc, góc vẽ, góc viết - cảm nhận, giúp học sinh có thêm ý tưởng khi tới thư viện. Đặc biệt những nét chữ trên bảng thông báo giới thiệu sách của tháng cũng được cô trang trí bắt mắt, kích thích trí tò mò cho các em.

Cô Hạnh cho biết, rèn luyện thói quen đọc sách cho học sinh là một hoạt động lâu dài, mang ý nghĩa hình thành nhân cách, phát triển toàn diện cho học sinh. Do vậy, cô luôn trăn trở thế nào để cho các em học sinh thích đọc sách và tìm được nhanh nhất quyển sách mình cần, kể cả những em học sinh lớp 1 chưa biết đọc hay đến các em học sinh lớp 5 có thể đọc rất nhiều sách trong một tiết thư viện.

Với những trăn trở trên, cô Hạnh đã học hỏi được một số kinh nghiệm như dùng mã màu để kí hiệu phân loại sách, truyện trong thư viện. Nhưng nhiều màu như vậy làm thế nào để học sinh dễ nhớ và dễ tìm chủ đề. Sau một thời gian nghiên cứu tìm tòi, cô đã quyết định chọn mã màu thể loại truyện theo ý nghĩa.

Ví dụ như: Mã màu đỏ là sách về Lịch sử vì màu đỏ tượng trưng cho máu của các chiến sĩ đã hi sinh; mã màu trắng là sách về biển đảo vì màu trắng là của cát trên biển; mã màu xanh da trời là sách về Bác Hồ kính yêu; mã màu tím là sách Kĩ năng số vì màu tím là của học trò, lứa tuổi rất cần có nhiều kĩ năng...

Nhờ sự phân loại bước đầu của cô giáo, học sinh khi đến thư viên dựa vào mã màu để bước đầu làm quen với việc chọn sách và trả sách. Để các em không quên, cuối giờ đọc cô thường cho các em chơi trò chơi với sách như: Tìm nhà cho sách (trả sách về đúng giá), không nhìn bảng mã màu, tìm tên loại truyện cho đúng mã màu.

Cô Hạnh cho rằng, truyện có hay, có nhiều và phong phú, sắp xếp đẹp đến mấy mà học sinh không ham đọc thì cũng không có kết quả. Vì thế mỗi tiết đọc sách cô đều có những hình thức đổi mới nhằm khơi dậy lòng yêu thích đọc sách, ham tìm hiểu như: sáng tạo thêm những trò chơi, câu đố, khởi động trước khi vào đọc đã tạo không khí vui tươi thân thiện khi các em đến với thư viện.

Bằng giọng kể truyền cảm lôi cuốn kết hợp với ngôn ngữ cơ thể phù hợp, cô Hạnh đã có những buổi giới thiệu sách rất hiệu quả. Các em như bị “thôi miên”, tất cả đều tập trung lắng nghe câu chuyện bởi lời dẫn dắt gợi trí tò mò ham tìm đọc ở các em.

Không chỉ dừng lại ở các hoạt động trong phòng thư viện, cô còn tổ chức thành công Ngày hội đọc sách hàng năm. Trong ngày hội, học sinh được tham gia nhiều hoạt động sôi nổi như: Thi kể chuyện theo sách, kể chuyện theo chủ đề; vẽ tranh về nhân vật qua các câu chuyện.

Cô thủ thư tâm huyết rèn thói quen đọc sách cho học sinh ảnh 1

"Người đóng thế" hoàn hảo

Mặc dù đỗ viên chức nhân viên thư viện nhưng cô Hạnh không dừng lại ở chuyên môn thư viện. Với lòng yêu nghề, mến trẻ, cô Hạnh đã tham gia học cử nhân Giáo dục tiểu học tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội và trau dồi kĩ năng công nghệ thông tin. Mỗi khi trong trường có cô giáo nghỉ ốm hay đi tập huấn, cô Hạnh luôn nhiệt tình dạy thay, hỗ trợ các giáo viên chủ nhiệm.

Năm học 2021-2022 là một năm học đặc biệt của ngành giáo dục nói chung và  trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ nói riêng, nhiều giáo viên không thể dạy học do nhiễm Covid-19. Cùng với đó, nhiều giáo viên chủ nhiệm nghỉ thai sản nên nhà trường gặp phải tình trạng thiếu nhân sự trầm trọng.

Trước những khó khăn chung của nhà trường, cô Hạnh đã sẵn sàng nhận nhiệm vụ chủ nhiệm lớp 1A4 trong hai tháng cuối năm học để chia sẻ khó khăn cho nhà trường. Dưới bàn tay quan tâm, chăm sóc chu đáo, tận tình của cô, các em học sinh lớp 1A4 nhanh chóng ổn định nền nếp cũng như học tập khi quay trở lại học trực tiếp ở trường.

Đặc thù lớp 1 còn nhỏ, nghỉ dịch kéo dài, quay lại trường còn nhiều bỡ ngỡ, cô luôn dành thời gian chuyện trò gần gũi để cô trò hiểu nhau, giờ bán trú cô luôn đi bao quát lo bữa ăn giấc ngủ cho các em học sinh. Cuối mỗi buổi học, em nào đọc còn yếu, tính toán chưa tốt, cô Hạnh dành thời gian kèm riêng giúp học sinh tiến bộ. Do đó trong 2 tháng cuối năm, cô đã chiếm trọn được tình cảm, tin tưởng từ phía phụ huynh học sinh. 

Với sự giúp đỡ của cô Hạnh, các bạn nhỏ lớp 1A4 ngoài việc học các kiến thức trên lớp còn được trải nghiệm các hoạt động, đọc nhóm và bình luận sách, tham gia các cuộc thi vẽ tranh theo sách, viết bài cảm nhận về cuốn sách mà em yêu thích. Trong không gian rộng rãi của thư viện các em học sinh còn được múa hát, đóng kịch phân vai dựa theo nội dung những cuốn sách mà các em vừa đọc.

Nhận xét về đồng nghiệp, cô Đỗ Thị Kim Liên- Hiệu trưởng Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: Với sự tận tụy, nhiệt huyết, yêu nghề, mến trẻ, cô Hạnh đã lan tỏa tình yêu đọc sách đến nhiều thế hệ học trò. Các em biết tự tìm đọc cho mình những cuốn sách hay phù hợp với việc học, bồi dưỡng kĩ năng sống, sống chan hòa yêu thương bè bạn, tự tin vào chính mình, cư xử lễ phép.

Nhờ sự tâm huyết của cô Hạnh, thư viện trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ ngày càng phát triển giữ vững danh hiệu thư viện chuẩn. Những hoạt động hiệu quả, đổi mới, sáng tạo của thư viện, tâm huyết nhiệt tình của cô Hạnh đã nâng cao chất lượng văn hóa đọc trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.