“Có thái tử, phò mã, cậu ấm, cô chiêu dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng“

GD&TĐ - Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Đoàn Gia Lai Đinh Duy Vượt cho hay, theo phản ánh của cử tri, thực tế ở nhiều tỉnh, thành, có bố, mẹ, ông, bà, con của cán bộ bỗng dưng hoặc sau thời gian sở hữu nhiều dự án, tài sản chục tỷ, biệt phủ xe sang, thậm chí có những dự án kim cương…

ĐBQH Đoàn Gia Lai Đinh Duy Vượt.
ĐBQH Đoàn Gia Lai Đinh Duy Vượt.

Sáng ngày 6/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) tổ chức hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách thảo luận cho ý kiến Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (PCTN - sửa đổi).

Tài sản tham nhũng biến hóa ẩn mình như ma trận

Cho ý kiến, theo ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai), quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập là “mấu chốt” để kiểm soát tài sản, thu nhập của cán bộ. Nhưng, quy định nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập chỉ có người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai tài sản, thu nhập của mình, của vợ/chồng và con chưa thành niên là quá hẹp.

“Như vậy chưa thực sự xoáy vào tảng băng chìm, hang ổ tham nhũng, tài sản tham nhũng. Và nhân dân vẫn hoài nghi, tâm tư về tiến trình diệt giặc nội xâm này”, ông Vượt phát biểu.

ĐBQH đoàn Gia Lai cho hay, theo phản ánh của cử tri, thì ông/bà nội, cha/mẹ và con ruột của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập cũng phải kê khai. Vì, thực chất, ở nhiều tỉnh, thành, có bố, mẹ, ông, bà của cán bộ bỗng dưng hoặc sau thời gian sở hữu nhiều dự án, nhiều tài sản chục tỷ, biệt phủ xe sang, thậm chí có những dự án kim cương.

“Có thái tử, phò mã, cậu ấm, cô chiêu dù rất trẻ vẫn có những dự án khủng, bất chấp dư luận, vẫn trơ trơ thách thức dư luận”, ông Vượt nói.

Minh chứng nữa được ĐB đưa ra là, qua các vụ án tham nhũng đã và đang xét xử, nhiều tài sản tham nhũng được tẩu tán cho bố, mẹ người thân đứng tên như vụ Huyền Như, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh…  Đây là, một trong những nguyên nhân, dù các cơ quan tư pháp đã rất cố gắng, quyết liệt nhưng tỷ lệ thu hồi tiền tham nhũng vẫn thấp.

Theo ông Vượt, tài sản tham nhũng không tự nhiên mất đi mà chuyển từ người này sang người khác, dạng này sang dạng khác, biến hóa ẩn mình như ma trận, sân trước, sân sau, doanh nghiệp này, doanh nghiệp kia nhằm hợp lý hóa, rửa tiền…

“Câu hỏi rất đỗi đời thường là tham nhũng để làm gì? Câu trả lời chắc chắn là hi sinh đời bố củng cố đời con”, ông nhấn mạnh lại, theo ý kiến của nhân dân thì ông/bà, cha/mẹ, vợ/chồng, con ruột của người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập phải kê khai.

“Nếu lo ngại quyền này quyền kia của công dân, rồi cho rằng con đã thành niên thì tự chịu trách nhiệm, hay luật này, luật kia đã quy định rồi thì không đánh vào gốc rễ của tham nhũng được”.

ĐBQH Đoàn Gia Lai cho rằng, việc xác định trọng tâm, trọng điểm, chức danh có điều kiện tham nhũng là hoàn toàn có thể.

“Những cán bộ có chức, có thực quyền thì mới có thể tham nhũng được, mới có sân sau như “nuôi gà đẻ trứng vàng”. Nếu dàn trải thì không đủ lực lượng để giám sát và không thể nào đào tận gốc tệ tham nhũng”, ông Đinh Duy Vượt phát biểu.

Đề xuất sỹ quan Quân đội, Công an cũng phải kê khai

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, quy định về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với việc mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai như quy định của dự thảo Luật. Ý kiến khác đề nghị bổ sung đối tượng có nghĩa vụ kê khai là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.

Một số ý kiến ĐBQH đề nghị thu hẹp đối tượng có nghĩa vụ kê khai, tập trung vào các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao để phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

UBTVQH nhận thấy, một trong những hạn chế, vướng mắc lớn trong kiểm soát tài sản, thu nhập thời gian qua có nguyên nhân quy định chưa thật sự hợp lý của Luật PCTN hiện hành về việc mọi đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập đều áp dụng chung một biện pháp kê khai, theo dõi biến động, xác minh tài sản, thu nhập mà không phân biệt các nhóm đối tượng cần phải có mức độ kiểm soát khác nhau trong khi số đối tượng phải kê khai tài sản, thu nhập là rất lớn.

Để khắc phục những hạn chế nêu trên, dự thảo Luật đã phân biệt rõ các nhóm đối tượng khác nhau để áp dụng phương thức kê khai, xác minh tài sản, thu nhập phù hợp.

Người giữ chức vụ từ Giám đốc sở hoặc tương đương trở lên, người công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao phải kê khai tài sản, thu nhập hàng năm với mục đích nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn.

Các đối tượng khác chỉ phải kê khai lần đầu hoặc kê khai bổ sung với mục đích chủ yếu nhằm tạo cơ sở dữ liệu để so sánh, đối chiếu khi họ được bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn hoặc khi có tố cáo, có biến động tăng về tài sản, thu nhập từ 300 triệu đồng trở lên trong một năm...

Dự thảo Luật cũng quy định thu hẹp đầu mối các cơ quan có thẩm quyền kiểm soát tài sản, thu nhập, chủ yếu; bổ sung quy định về xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc...

Theo bà Nga, các quy định này cơ bản đáp ứng yêu cầu tập trung kiểm soát tài sản, thu nhập của những người đứng đầu hoặc công tác tại các vị trí có nguy cơ tham nhũng cao, bảo đảm phù hợp với năng lực của cơ quan kiểm soát và khả năng đầu tư nguồn lực cho việc kiểm soát tài sản, thu nhập.

Tiếp thu ý kiến của nhiều ĐBQH, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ quy định về mở rộng phạm vi đối tượng có nghĩa vụ kê khai; đồng thời, dự thảo Luật cũng được chỉnh lý theo hướng mở rộng các đối tượng kê khai lần đầu là sĩ quan Quân đội nhân dân và sĩ quan Công an nhân dân.

Theo Thanhtra.com.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.