Cơ sở giáo dục đại học: Xác định rõ phương án, đề cao an toàn

GD&TĐ - Nhiều cơ sở giáo dục đại học xác định phương án dạy học online đến hết năm 2021, thậm chí là hết học kỳ I năm học 2021 – 2022 (tức là khoảng tháng 2/2022).

Những sinh viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đủ điều kiện học trực tiếp. Ảnh: NTCC
Những sinh viên ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh đủ điều kiện học trực tiếp. Ảnh: NTCC

An toàn là trên hết

PGS.TS Võ Ngọc Hà – Hiệu trưởng Trường ĐH Tiền Giang - cho hay: Nhà trường tiếp tục duy trì dạy – học trực truyến cho sinh viên các khóa học. Với diễn biến dịch bệnh như hiện nay, dự kiến phương thức này sẽ áp dụng đến hết năm 2021, hoặc có thể hết học kỳ I năm học 2021 - 2022.

“Trong thời gian này, hầu hết hoạt động liên quan đến đào tạo của nhà trường đều diễn ra theo hình thức online; trong đó có việc chấm luận văn, khóa luận tốt nghiệp, bảo vệ tốt nghiệp của sinh viên. Chúng tôi đang thống kê số lượng sinh viên được tiêm vắc-xin; đồng thời liên hệ với các địa phương, cơ sở y tế để tổ chức tiêm chủng cho sinh viên, để các em đủ điều kiện đi lại, đến trường học tập khi có thông báo” - PGS.TS Võ Ngọc Hà chia sẻ.

Đến thời điểm này, việc dạy – học trực tuyến của thầy – trò Trường ĐH Đồng Tháp vẫn diễn ra thuận lợi. Thầy Phó Hiệu trưởng Cao Dao Thép trao đổi: Nhà trường dự kiến dạy học online đến hết học kỳ I năm học 2021 – 2022. Trước mắt, có thể duy trì phương thức này đến hết năm 2021. Nhà trường đã đầu tư, nâng cấp máy chủ, để nếu có 6.000 sinh viên cùng vào học trực tuyến vẫn hoạt động tốt. Trong trường hợp bị quá tải, nhà trường sẽ thuê thêm máy chủ ở TP Hồ Chí Minh, nhằm bảo đảm mọi hoạt động liên quan đến đào tạo của nhà trường diễn ra ổn định.

Theo thầy Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp, với những sinh viên đã tốt nghiệp, nếu đủ điều kiện về phòng, chống Covid-19 có thể trực tiếp đến trường nhận bằng tốt nghiệp. Hoặc, nhà trường sẽ hỗ trợ bằng cách: Scan hoặc chụp ảnh bằng tốt nghiệp rồi gửi theo địa chỉ email của sinh viên.

Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP Hồ Chí Minh có khoảng 15.000 sinh viên. Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hoàn – Hiệu trưởng nhà trường, 99% sinh viên đã tiêm vắc-xin mũi một, nhiều em đã tiêm đủ hai mũi. Hơn 700 cán bộ, giảng viên cũng được tiêm đủ hai mũi. Có khoảng 12.000 sinh viên đang ở TP Hồ Chí Minh, còn lại ở quê.

Theo Chỉ thị 18 của UBND TP Hồ Chí Minh, từ ngày 1/10 cho phép các trường dạy và học trực tiếp nếu người học đã tiêm đủ 2 mũi, đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định. Tuy nhiên, tạm thời nhà trường thông báo cho sinh viên khóa 08ĐH, 09ĐH (sinh viên năm cuối) có nhu cầu đến phòng thí nghiệm để hoàn thành đề tài, khóa luận chuẩn bị cho kết thúc khóa học. Tất nhiên, sinh viên phải tiêm đủ hoặc F0 khỏi bệnh trong 6 tháng sẽ đủ điều kiện đăng ký học trực tiếp với nhà trường. Các sinh viên còn lại tiếp tục học online cho đến khi có thông báo mới.

Lớp học trực tuyến của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NTCC
Lớp học trực tuyến của sinh viên Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội. Ảnh: NTCC

Chú trọng chất lượng

Trường ĐH Đồng Nai dự kiến dạy học trực tuyến đến hết năm 2021. Tuy nhiên, TS Lê Anh Đức – Hiệu trưởng nhà trường - cho hay: Với tình hình bệnh như hiện nay, việc dạy – học trực tuyến có thể kéo dài đến hết học kỳ I năm học 2021 - 2022 (tức là vào khoảng tháng 2/2022). Tuỳ theo diễn biến của dịch bệnh và căn cứ vào thực tế, nhà trường sẽ có thông báo đến sinh viên.

“Dù là đào tạo online hay trực tiếp, nhà trường vẫn kiên định với phương châm: Đổi mới đào tạo, lấy người học làm trung tâm; giảng viên và người lao động là động lực; doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động là nền tảng phát triển của nhà trường. Theo đó, kể từ năm học 2021 - 2022, Trường ĐH Đồng Nai xây dựng lại chương trình đào tạo, thiết kế bài giảng; đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp đánh giá…” - TS Lê Anh Đức nhấn mạnh, đồng thời cho biết: Nhà trường chú trọng đào tạo kỹ năng mềm để sinh viên có thể ứng phó với các tình huống, thách thức trong cuộc sống, cung cấp nguồn nhân lực làm việc hiệu quả cho đơn vị tuyển dụng.

Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội dự kiến dạy online lý thuyết đến hết kỳ I (tháng 1/2022). Theo ThS Nguyễn Thị Thu Hường - Phó Hiệu trưởng nhà trường, trước mắt, tổ chức dạy thực hành, thực tập cho những sinh viên đang ở Hà Nội; đồng thời có kế hoạch mở cửa để đón sinh viên đủ điều kiện trở lại trường học tập trung.

“Hy vọng hết tháng 11/2021, nhà trường được đón sinh viên trở lại trường học tập” - ThS Nguyễn Thị Thu Hường nói, đồng thời cho biết: Để phục vụ dạy học trực tuyến, nhà trường đã đầu tư 1 phòng Studio để quay video các bài giảng và trực tiếp giảng dạy trực tuyến. Các tiết giảng trực tuyến thông thường, giảng viên giảng dạy trực tiếp trên  phần mềm giảng dạy trực tuyến kèm sử dụng học liệu cho dạy và học. Các tiết giảng trực tuyến có yêu cầu riêng sẽ được thực hiện tại Studio.

“Để chuẩn bị cho giảng dạy và học tập, đội ngũ giảng viên phải chuẩn bị chu đáo các điều kiện, đặc biệt là học liệu. Nhà trường có quy định về việc xây dựng học liệu, ngân hàng câu hỏi và đề thi, trong đó bộ môn giữ vai trò chủ đạo về chất lượng học thuật của học liệu. Học liệu được duyệt sẽ lưu “kho” để làm tài liệu cho dạy và học. Kho này được rà soát và cập nhật thường xuyên để bảo đảm các yêu cầu và sự thay đổi của thực tiễn sản xuất kinh doanh. Nhà trường đã số hóa toàn bộ học liệu và lưu tại thư viện để thuận tiện cho sinh viên, giảng viên sử dụng” - ThS Nguyễn Thị Thu Hường trao đổi.

Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục đại học năm học 2021 - 2022. Theo đó, Bộ yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học xây dựng giải pháp hỗ trợ người học, giảng viên, cán bộ quản lý, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền xây dựng các giải pháp để đẩy nhanh việc triển khai tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người học, giảng viên, cán bộ, người lao động của cơ sở đào tạo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ