Cơ sở GD có yếu tố nước ngoài gợi mở mô hình mới

Cơ sở GD có yếu tố nước ngoài gợi mở mô hình mới
Học sinh lớp 12 của Trường phổ thông Việt – Úc thi lấy chứng chỉ quốc tế AISC (Australian International Certificate).
Học sinh lớp 12 của Trường phổ thông Việt – Úc thi lấy chứng chỉ quốc tế AISC (Australian International Certificate).

1.Đối với giáo dục mầm non:

Đoàn đã có cuộc làm việc tại một cơ sở giáo dục mầm non thuộc Công ty TNHH một thành viên Giáo dục NaDam (của Hàn Quốc), đặt tại 1A, tòa nhà Hoàng Hoa Thám, Ba Đình, Hà Nội. Cơ sở này được UBND Thành phố Hà Nội cấp phép họat động từ tháng 4/1//2008, có số vốn đầu tư 100% của nước ngoài. Hệ thống giáo dục NaDam gồm 74 cơ sở ở Hàn Quốc, 4 cơ sở ở Mĩ, 2 cơ sở ở Trung Quốc, 1 cơ sở tại Việt Nam. Giám đốc điều hành cơ sở giáo dục mầm tại Việt Nam là người Hàn Quốc. Giáo viên người nước ngoài: 4, giáo viên người Việt Nam: 9; hành chính văn phòng: 2; kế toán: 1; lễ tân: 1; thủ quĩ: 1; nhân viên bếp: 2; nhân viên tổng hợp: 3; tỷ lệ bình quân giáo viên/lớp:2 (6 cháu /giáo viên). Số cháu vào cơ sở theo đăng kí từ ngày thành lập đến nay dao động từ 45-70, hiện tại có 56 cháu, trong độ tuổi từ 2-6, thuộc đối tượng là con cháu người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.

Tại cơ sở này, các cháu được quan tâm chăm sóc và giáo dục theo một qui trình hiện đại, nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến, tạo điều kiện thực sự phát triển khả năng cho từng cháu, không gò ép, không gây phản ứng tâm lý tiêu cực cho các cháu. Chẳng hạn: giáo viên trong mọi trường hợp không được quát to với các cháu; tổ chức các trò chơi theo chủ đề để các các cháu phát triển tư duy; thành phần ăn theo đúng các thành phần dinh dưỡng cho từng độ tuổi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chương trình giáo dục được thực hiện đúng với chương trình được áp dụng tại các cơ sở giáo dục mầm non của Hàn Quốc, bao gồm:

- Tiếng Anh: học với giáo trình, xem phim tiếng Anh, nghe kể chuyện bằng tiếng Anh;

- Âm nhạc: học cùng giáo cụ âm nhạc, hát, múa;

- Tạo hình: dùng cát sạch và chất liệu chuyên dụng phù hợp;

- Phát triển giác quan: nghe, nhìn, nếm;

- Làm quen với Toán: làm quen với hình khối, thực hiện các trò chơi phát triển tư duy;

- Làm quen với công việc nấu ăn; tạo hình nghệ thuật;

- Hoạt động phát triển thể chất;

- Tổ chức hoạt động các ngày đặc biệt.

Với các hoạt động đa dạng, vừa sức, được sự hỗ trợ của các học liệu khoa học, được giáo viên tổ chức theo các hoạt động sư phạm…đã giúp cho trẻ được phát triển tự nhiên, phù hợp qui luật phát tâm sinh lí của các cháu. Việt Nam cũng đã tiếp cận được với phương thức giáo dục tiên tiến, song do hạn chế về chương trình, thiếu cơ sở cật chất nên còn cần phải học tập kinh nghiệm của nước ngoài để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục mầm non.

2. Đối với cơ sở giáo dục tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông:


Đoàn đã đến khảo sát và làm việc tại trường phổ thông Việt - Úc Hà Nội; đặt tại khu đô thị Mỹ Đình 1. Đây là loại hình trường đa cấp được liên thông từ tiểu học đến trung học phổ thông. Chiến lược phát triển của trường là:

- Thực hiện chương trình giáo dục theo chuẩn của Việt Nam, có thêm một phần giáo dục toàn cầu (Tiếng Anh, Thương mại).

- Học chuyển tiếp, giao lưu và trao đổi học sinh với các trường danh tiếng ở Úc.

- Cơ hội vào thẳng năm thứ nhất các trường đại học Úc hoặc thi vào các trường đại học ở Việt Nam.

- Phương pháp dạy học tiên tiến theo hướng phát huy tính tích cực, sáng tạo của học sinh, dưới sự hướng dẫn của giáo viên, có sự trợ giúp của thiết bị giáo dục.

- Lớp học ít học sinh (bình quân khoảng 20 học sinh), được phân theo trình độ.

- Chương trình ngoại khóa phong phú, đa dạng, bổ ích, gắn với đời sống, có tác dụng rèn kĩ năng sống cho học sinh.

- Cơ sở vật chất hiện đại, đạt tiêu chuẩn quốc tế, với hệ thống máy tính, đèn chiếu, bảng chống lóa, chống bụi.

Với chiến lược trên, nhà trường đã tuân thủ nghiêm túc mọi qui định về chương trình và tham gia đầy đủ các hoạt động thi cử, kiểm định chất lượng như những thành viên khác trong hệ thống giáo dục phổ thông ở Hà Nội. Đội ngũ cán bộ quản lý của trường gồm những cán bộ trẻ, có trình độ và luôn tìm cách đổi mới nhà trường, nhất là việc tạo lập thương hiệu nhà trường (Hiệu trưởng là tiến sĩ). Đội ngũ giáo viên cơ hữu được tuyển chọn theo những qui định chung của ngành, song cũng có một số đặc thù theo yêu cầu của nhà trường (trình độ chuyên môn giỏi, ưu tiên có bằng thạc sĩ, có ngoại ngữ); giáo viên dạy tiếng Anh là người Úc, là những người có nghiệp vụ sư phạm. Tổng số giáo viên hiện tại là 46, trong đó tiến sĩ có 2, thạc sĩ có 22, cử nhân có 23; số giáo viên người Úc là 12 đều có bằng cử nhân và thạc sĩ. Số học sinh toàn trường khoảng 600, dự kiến phấn đấu đạt mức 1000 trong thời gian tới. Phương thức quản lý và điều hành được thực hiện mạng hóa. Nhà trường có các phòng học bộ môn, có cơ sở tổ chức giáo dục thể chất (sân vận động, nhà đa năng), có khu kí túc xá cho học sinh ở tỉnh ngoài (hiện khoảng 20 học sinh nội trú); có nhà ăn phục vụ ăn trưa cho khoảng 1000 học sinh; có xe đưa đón học sinh hàng ngày. Do mặt bằng tuyển sinh đầu cấp của học sinh không được cao (thuộc cận trung bình), nên nhà trường đã có những cố gắng vượt bậc trong phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực tự học của học sinh, cùng với sự hỗ trợ của thiết bị giáo dục hiện đại (máy chiếu, máy tính xách tay, tủ sách), nên chất lượng nhà trường được cải thiện rõ rết (xếp thứ 4 trong toàn huyện Từ Liêm), nhà trường cũng tích cực tham gia và đạt một số giải cao trong các kì thi học sinh giỏi, giáo viên giỏi một số môn học. Điều đáng lưu ý là nhà trường đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa mang tính tham quan, học tập dã ngoại, với các nội dung có tác dụng giáo dục văn hóa truyền thống, kịch sử dân tộc, ngoài ra còn tổ chức giao lưu với học sinh Úc.

Mặc dù là loại hình trường tư thục, hoạt động với 100% vốn tư nhân, tuy còn nhiều khó khăn trong quá trình vận hành, song với những kết quả ban đầu trong mấy năm học vừa qua, trường phổ thông Việt-Úc đã cho thấy hướng đi của mình là đúng, hứa hẹn những thành tựu tốt khả quan trong thời gian tới. Việc đầu tư cơ sở vật chất, đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý, mạnh dạn mở rộng hợp tác quốc tế… chắc chắn sẽ là những kinh nghiệm quí để giáo dục phổ thông Việt Nam tham khảo.

Trần Viết Lưu (TCTG)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ