Cơ sở để xây dựng giá khám bệnh hợp lòng dân

GD&TĐ - Về mặt bản chất, Thông tư 13 không tăng giá khám chữa bệnh dịch vụ, Thông tư 13 cung cấp khung giá dịch vụ kỹ thuật tại các bệnh viện công.

Người dân sẽ được hưởng lợi nhờ khung giá mới ở Thông tư 13.
Người dân sẽ được hưởng lợi nhờ khung giá mới ở Thông tư 13.

Ngày 15/8 tới, Thông tư 13 năm 2023 của Bộ Y tế về khung giá và phương pháp định giá khám bệnh theo yêu cầu do cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước cung cấp sẽ chính thức có hiệu lực.

Để giúp độc giả hiểu rõ hơn về tầm quan trọng và những lợi ích mà Thông tư này mang lại, Báo GD&TĐ đã có cuộc trao đổi cùng PGS.TS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội xung quanh vấn đề này.

Đôi bên đều có lợi

- Nhiều ý kiến cho rằng, Thông tư 13 được xem là bước đi hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho các bệnh viện nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Ông nhận định thế nào về đánh giá này?

- Về mặt bản chất, Thông tư 13 không tăng giá khám chữa bệnh dịch vụ. Thông tư 13 đã cung cấp khung giá dịch vụ kỹ thuật tại các bệnh viện công.

Trong khung giá đó, cố gắng tính đúng tính đủ, khi đó gọi là chi phí hợp lý chứ không tăng giá.

Từ đó, cơ sở y tế sẽ dựa vào khung giá này để đưa ra mức giá người dân chi trả hợp tình, hợp lý, hợp lẽ phí khám chữa bệnh dịch vụ.

Ngược lại, cơ sở y tế sẽ có nguồn thu hợp lý, hợp lẽ. Đây là biện pháp để đôi bên đều có lợi.

Thực tế, trước đây do không có khung giá quy định về giá khám chữa bệnh theo yêu cầu, các bệnh viện tự đưa ra mức giá và có nhiều bất cập.

Ví dụ, trước đây khi thay khớp nối, nhiều bệnh viện cho rằng, riêng mua khớp nối, chưa tính công làm đã hơn tiền Bộ Y tế quy định tại Thông tư 37. Lý do là quy định không đúng, hoặc sau đó khớp nối tăng giá. Do đó, khi quy định cũ không còn phù hợp, sự thay đổi là điều tất yếu.

Tại Thông tư 13 này, các thành phần cấu thành giá đều đã được đề cập. Cụ thể, khung giá này đã bao gồm tính đúng, tính đủ chi phí y tế và cả tích lũy để bệnh viện có thể tái đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng.

Bộ Y tế đã đưa ra một khung gồm giá trần, giá sàn tạo điều kiện cho các bệnh viện công xây dựng giá khám chữa bệnh dịch vụ.

Trong phạm vi của khung giá này, các bệnh viện sẽ bám theo cách thức xây dựng của Bộ Y tế, hướng dẫn của Bộ Tài Chính về cấu thành giá. Từ đó, xây dựng giá dịch vụ khám chữa bệnh tại cơ sở y tế.

Đương nhiên giá khám chữa bệnh dịch vụ của mỗi bệnh viện sẽ khác nhau, bởi sự đầu tư của các cơ sở y tế là khác nhau.

Đơn cử như bệnh viện có trang thiết bị hiện đại hơn, vật tư tiêu hao y tế có chất lượng tốt hơn, giá thành đắt hơn thì rõ ràng cơ sở y tế đó sẽ được xây dựng giá dịch vụ cao hơn.

Trên tinh thần đó, các bệnh viện cần lập tức rà soát và xây dựng giá khám chữa bệnh theo yêu cầu của viện mình để đáp ứng nhu cầu của Nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh.

PGS.TS Nguyễn Duy Ánh.

Buộc phải tự chủ nếu không bao cấp hoàn toàn

- Bệnh viện và người dân sẽ được hưởng lợi như thế nào khi thông tư này chính thức có hiệu lực, thưa ông?

- Về lợi ích của Thông tư 13, đó là có hướng dẫn để các cơ sở y tế theo và biết là nên xây dựng ở mức nào trong khung giá, làm sao để việc xây dựng đó hợp với sức chi trả của người dân, đáp ứng được chi trả không.

Nếu xây dựng giá quá cao mà cơ sở vật chất bình thường… thì người dân sẽ không đến, bệnh viện rơi vào tình trạng “ế ẩm”. Tuy nhiên, nếu có mức giá hợp tình hợp lý thì rõ ràng là sẽ có khách.

Nhờ thông tư, bệnh viện sẽ không cậy mình có uy tín, thương hiệu, chuyên khoa đầu ngành đặc biệt, mà xây dựng giá một cách tuỳ tiện, thiệt hại cho người dân. Thay vào đó, bệnh viện phải xây dựng theo khung giá của Bộ Y tế và từ đó, người dân sẽ được hưởng lợi.

Ngược lại, Thông tư đã đưa ra mức giá hợp lý, không cao tuỳ tiện và cũng không thiếu cấu thành giá để tránh dẫn đến tình trạng giá khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu quá thấp khiến bệnh viện thiếu hụt kinh phí.

Hay nói rõ hơn là tránh tình trạng sau một thời gian khám chữa bệnh, bệnh viện không còn vật tư tiêu hao dự trữ, máy hỏng không có tiền mua, không có chi phí trả lương cho nhân viên y tế.

Tại Thông tư này, Bộ Y tế đã tính đúng, tính đủ giá dịch vụ khám chữa bệnh, người dân có thể yên tâm chi trả trong khung giá đó và không bị ép về giá.

Có thể nói, 2 bên đều thuận lợi, cả bệnh viện và người dân. Cơ sở hướng dẫn của Thông tư chính là cơ sở pháp lý để xây dựng giá, không ai bắt bẻ bệnh viện được và giúp bệnh viện xây dựng giá hợp lòng dân.

- Dễ nhận thấy rất nhiều lợi ích mà Thông tư 13 sẽ mang lại. Như vậy, bệnh viện có “thỏa mãn” với Thông tư này?

- Khi đã nói đến giá cả thì chúng ta có thể khẳng định nó không bao giờ cố định, nó luôn luôn có sự thay đổi, kể cả giá trần và giá sàn.

Ví dụ, giá vật tư tiêu hao y tế đang thay đổi theo từng thời điểm mà mức giá này không phụ thuộc vào Bộ Y tế, nó phụ thuộc vào hãng cung cấp.

Khi hãng cung cấp vật tư thay đổi giá, tăng hoặc giảm thì bệnh viện sẽ là cơ sở chịu ảnh hưởng và khi đó, chúng tôi cần xây dựng lại giá khám chữa bệnh dịch vụ.

Bởi vậy, khung giá này của Bộ Y tế cũng chỉ nên áp dụng trong một khoảng thời gian nhất định, cần có những sự điều chỉnh theo thị trường. Mặc dù vậy, thông tư đã tạo rất nhiều thuận lợi cho các bệnh viện trong thời điểm hiện tại.

Một vấn đề khác, khung giá được quy định tại Thông tư 13 mới chỉ là khung giá của dịch vụ kỹ thuật.

Trong khi đó, ở phạm vi khám chữa bệnh dịch vụ theo yêu cầu, vẫn còn một góc độ khác, đó là khi người dân đưa ra những yêu cầu dịch vụ đặc biệt.

Đơn cử như người bệnh yêu cầu đích danh người thực hiện kỹ thuật, hay như phụ sản muốn chọn ngày, chọn giờ sinh con…

Trong những yêu cầu mà Bộ Y tế đưa ra tại Thông tư lần này chưa đủ hết các yêu cầu của người dân.

Ngoài ra, danh mục kỹ thuật tại Thông tư 13 cũng chưa được đầy đủ. Bởi, hiện nay có khoảng 17.000 danh mục kỹ thuật, nhưng Thông tư 13 mới đưa ra 7.000 danh mục, còn lại 10.000 kỹ thuật chưa được công bố khung giá.

- Bộ Y tế đã có đề xuất tăng giá khám chữa bệnh bởi mức lương cơ sở đã tăng từ 1/7. Ông có thể đưa ra quan điểm về việc tăng giá lần này?

- Việc tăng giá khám chữa bệnh khi lương cơ sở tăng là điều hoàn toàn cần thiết và hợp lý.

Một ví dụ cụ thể, tính riêng tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, trong tháng 7 này, vì lương cơ sở gia tăng nên riêng về khoản chi trả cho cán bộ, công nhân viên, bệnh viện đã phải tăng thêm 4 tỉ đồng.

Trong khi đó, 10 năm nay chúng tôi tự chủ tài chính hoàn toàn.

Vậy 4 tỉ đồng ấy, nếu như không phải có khách hàng, bệnh nhân, không tính đúng tính đủ về giá dịch vụ, thì sẽ không có gì để trả nhân viên, cuối cùng thành nợ nhân viên.

Bởi vậy, Luật Khám, chữa bệnh có hiệu lực vào năm 2024 mới chú trọng vào việc tính đúng tính đủ.

Chỉ có như vậy mới có được kinh phí để các bệnh viện trả lương cho cán bộ công nhân viên, mua sắm trang thiết bị và xây dựng cơ sở hạ tầng cũng như có một khoản tích luỹ, kể cả trường hợp rủi ro.

Đương nhiên, ngoài câu chuyện tăng giá khám chữa bệnh, tôi cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, điều quan trọng cần đặt ra cho các bệnh viện tự chủ là làm sao trụ được thương hiệu, giữ được người tài để bệnh nhân đi theo thầy thuốc.

Thầy thuốc phải chữa bệnh hiệu quả thì mới được quyền thu tiền từ người bệnh. Đồng thời, phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị.

Dễ nhận thấy, việc tự chủ y tế là xu thế tất yếu để ngành y tế phát triển. Nếu chúng ta không có đủ điều kiện để bao cấp toàn ngành Y tế, thì buộc là phải tự chủ y tế.

Người dân có khả năng chi trả sẽ được sử dụng dịch vụ cao, vật liệu tốt mà họ mong muốn, thay vì phải bỏ khoản tiền lớn để sang các nước hiện đại, rất tốn kém.

Thuận lợi của tự chủ là độc lập về tài chính và có nguồn thu. Nguồn thu đó, bệnh viện chia vào các khoản, chi trả cho con người, cơ sở hạ tầng, máy móc, đưa vào quỹ phát triển sự nghiệp, thậm chí quản lý rủi ro, rủi ro y tế, sự cố y khoa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.