Tham gia trên tinh thần tự nguyện xung kích
PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp (Hiệu trưởng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch) cho biết, trong suốt quá trình tham gia phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh, nhà trường luôn đảm bảo 3 mục tiêu: Tham gia hỗ trợ công tác phòng chống, dịch của TPHCM – Đảm bảo công tác phòng chống, dịch – Thực hiện hiệu quả và an toàn công tác tuyển sinh, tốt nghiệp và đào tạo.
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, ngay khi đợt dịch thứ tư bắt đầu, nhà trường đã huy động lực lượng giảng viên, sinh viên tham gia các công tác phòng, chống dịch trên các mặt trận: Tổ tư vấn y tế từ xa, đội hình Taxi cấp cứu 115, Tổng đài cấp cứu 115, tham gia công tác lấy mẫu, tiêm ngừa, nhập liệu, truy vết dịch tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật.
Đồng thời, nhà trường cử lực lượng giảng viên lâm sàng, học viên bác sĩ nội trú tham gia công tác chống dịch tại các bệnh viện điều trị Covid-19 và bệnh viện dã chiến. Phòng khám Đa khoa Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch triển khai tư vấn sức khỏe trực tuyến cho người dân về các vấn đề sức khỏe thông qua video call, đồng thời Phòng khám cũng hỗ trợ các đơn vị phòng chống dịch trên địa bàn thành phố trong các hoạt động như tiêm vaccine, lấy mẫu cộng đồng, chăm sóc F0 tại nhà…
Định kỳ 1 tháng 2 lần, Phòng khám của trường tổ chức chương trình Tư vấn và tầm soát sức khỏe miễn phí cho người dân. Chương trình cung cấp những kiến thức đúng về dịch bệnh Covid-19 cũng như các vấn đề bệnh tật và chăm sóc sức khỏe, do các chuyên gia, giảng viên, bác sĩ của trường tư vấn. Người dân có thể đặt câu hỏi trực tuyến và sẽ được giải đáp trực tiếp.
Bênh cạnh đó, nhằm điều phối, phân bố nhân lực đúng người đúng việc và cập nhật, hỗ trợ các công tác phòng, chống dịch của TPHCM, nhà trường đã thành lập Ban chỉ huy phòng chống dịch, do Hiệu trưởng trực tiếp tham gia chỉ huy với 7 tổ: Tổ Chuyên môn – Truyền thông (phụ trách tư vấn điều trị, tập huấn chuyên môn và cập nhật thông tin về dịch bệnh); Tổ Hậu cần – Tài chính; Tổ Xét nghiệm (phụ trách lấy mẫu và xét nghiệm cho viên chức, người lao động, tình nguyện viên; Tổ Chăm sóc và điều trị; Tổ Điều phối tiêm vaccine; Tổ Điều phối tình nguyện viên; Tổ Phòng, chống dịch tại trường; Tổ Xây dựng kế hoạch hoạt động
“Toàn bộ lực lượng viên chức, người lao động, sinh viên đều tham gia trên tinh thần tự nguyện xung kích. Ngay khi nhận được thư kêu gọi từ Hiệu trưởng, hầu hết đã đăng kí tham gia và hỗ trợ rất nhiều trong công tác phòng, chống dịch của TPHCM và tại trường” - PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ.
Cơ hội thể hiện trách nhiệm và cọ xát thực tiễn
Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp, hầu hết các đội hình tham gia phòng chống dịch bệnh Covid-19 của GV, SV trường đều rất thiết yếu. Trong tình hình dịch bệnh căng thẳng như hiện nay, Ban chỉ đạo chỉ ưu tiên điều phối nguồn lực hỗ trợ các công tác phù hợp với đặc thù của ngành Y. Nhưng công tác được ưu tiên và quan trọng nhất hiện nay là hỗ trợ chăm sóc, điều trị cho F0 bệnh nhẹ, được cách ly tại nhà, nhằm hạn chế các trường hợp trở nặng và giảm tải có các bệnh viện tuyến trên.
Đặc thù của một trường đại học khối ngành sức khỏe là không chỉ tập trung vào công tác đào tạo mà còn phải thực hiện trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cộng động nên trong bối cảnh dịch bệnh, các cơ sở giáo dục có đào tạo ngành Y nói chung và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch đang gánh trên vai hai trọng trách rất lớn. Một là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và hai là hỗ trợ TP.HCM đẩy lùi dịch bệnh.
“Đây là cơ hội để các giảng viên và học viên sau đại học của Trường được nâng cao tay nghề, tác nghiệp dưới áp lực cao, học hỏi được những kiến thức mới của dịch bệnh Covid-19. Đối với sinh viên, đây sẽ là cơ hội được trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, ứng dụng kiến thức, rèn luyện năng lực chuyên môn và sát cánh cùng các nhân viên y tế dày dặn kinh nghiệm.
Đồng thời, đây cũng là một bài kiểm tra về mặt y đức và chuyên môn cho nhân viên y tế và sinh viên ngành Y, nâng cao tinh thần trách nhiệm với sức chăm sóc sức khỏe cộng đồng” - PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hiệp chia sẻ.