Trong 5 năm, hàng nghìn ngày công đã được cô Trần Thị Quý huy động để xây trường, dựng lớp cho sự nghiệp “trồng người” nơi vùng cao Tây Bắc.
Bố dạy: “Phải dành trọn tình người…”
Cô Quý sinh ra và lớn lên ở Điện Biên. Năm 2005, sau khi rời Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, cô về nhận công tác ở trường THCS Nong U, huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên. Từ đó, cô có môi trường để cống hiến, theo đuổi đam mê dạy chữ cho trẻ nhỏ vùng cao.
“Tuy sinh ra và lớn lên ở vùng nông thôn của huyện Điện Biên, song em luôn tò mò, muốn biết cuộc sống của trẻ vùng cao như thế nào (?). Thời điểm đó, nhiều cháu thất học, cuộc sống lam lũ. Em thấy thương và muốn đi dạy học để góp phần nào đó giúp cho tương lai các cháu được tươi sáng hơn”, cô Quý chia sẻ.
Năm 2007, Trường THCS Nong U được chia tách ra làm 3 cấp: Mầm non, Tiểu học và THCS. Cô Quý được bổ nhiệm làm Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non. Đến tháng 8/2010 cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng. Đó cũng là thời điểm cô vừa hạ sinh ra hai cháu Lò Tiến Mạnh và Lò Thiên Trường chưa đầy một năm.
Việc trường, lớp bận bịu khiến hiếm khi cô dành trọn lấy một ngày nghỉ để quây quần bên hai đứa trẻ thèm hơi ấm của mẹ. Cũng bởi những mâu thuẫn, bất đồng trong cuộc sống, 2 năm sau vợ chồng cô mỗi người một ngả. Gần chục năm qua, một nách hai con. Nhưng cũng từng đó thời gian cô chu toàn công việc.
“Hai cháu nhà em sinh đôi nên em đặt tên một cháu là Tiến Mạnh với mong muốn cháu luôn mạnh mẽ, rắn rỏi. Còn cháu Thiên Trường với mong muốn trong hoàn cảnh nào thì mình cũng vững tâm hơn để hướng về phía trước. Công việc có bận thì em cũng luôn cố gắng bảo ban, dạy dỗ để các con khôn lớn, rắn rỏi như cha mẹ hằng mong muốn”, cô Quý nghẹn ngào.
16 năm bám bản, bám trường và gần 10 năm xa cách hai đứa con thơ, tuần nào cô Quý cũng cố gắng về thăm con một lần. Tiếng là công tác ở huyện gần nhà, song di chuyển cũng mất gần 50km với vài tiếng đồng hồ. Những khi trời mưa, đường trơn trượt có khi phải gửi xe ở nhà dân, mất vài giờ “cuốc bộ” rồi lại chờ người quen đi qua để nhờ về huyện thăm con.
“Bố em từ trong môi trường quân đội trở về nên có “chất lính” chảy trong người. Bố, mẹ em luôn dặn dò chúng em rằng: “Dù công tác ở môi trường nào, có khó khăn đến đâu thì cũng không quản ngại. Trái lại phải dành trọn tình người cho nơi đó”. Em ghi nhớ và luôn làm như vậy với học sinh của mình”, cô Quý bộc bạch.
Điểm trường thay áo mới nhờ hàng nghìn ngày công
Từ một ngôi trường non trẻ mới được thành lập với cơ sở vật chất “chắp vá”, thiếu thốn và nghèo nàn, sau 10 năm xây dựng, Trường Mầm non Nong U đã phát triển không ngừng. Đến năm 2020, trường được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và đạt kiểm định chất lượng mức độ 3. Kết quả trên có đóng góp không nhỏ của người “thuyền trưởng” Trần Thị Quý.
5 năm gần đây, công tác đánh giá kết quả nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ được Trường Mầm non Nong U thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Hàng năm, trẻ có cân nặng bình thường đạt tỷ lệ 93% trở lên. Nhà trường đã có những biện pháp can thiệp kịp thời đối với trẻ suy dinh dưỡng nên tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng hàng năm giảm 1 - 2%.
“Công tác cùng cô Quý trong nhiều năm liền, tôi nhận thấy cô ấy là tấm gương đầy tâm huyết, trách nhiệm. Trong công việc cũng như trong cuộc sống, cô ấy luôn sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng nghiệp. Cô luôn hăng hái kêu gọi, làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động người dân góp công, góp của để sửa chữa trường, lớp… Vì thế chúng tôi mới có được ngôi trường sạch, đẹp như bây giờ”, cô Nguyễn Thị Linh - giáo viên Trường Mầm non Nong U tâm sự.
Cô Quý vừa trở về từ Hội nghị Điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 - 2020. Ở hội nghị này, cô vinh dự được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì có nhiều thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ. Một trong những nhiệm vụ đó là công tác xã hội hóa giáo dục.
Có thể kể đến, trong giai đoạn trên, cô đã huy động được 1.366 ngày công từ người dân địa phương để xây trường, dựng lớp. Điển hình như: Năm 2015, cô huy động 695 ngày công của phụ huynh để láng sân các điểm trường và làm 4 gian nhà gỗ phục vụ công học tập và nấu ăn cho trẻ. Người dân cũng hăng hái đóng góp hơn 40 mét khối gỗ để làm bếp.
Năm 2016, thấy nhiều điểm bản vẫn xập xệ, cô lại kêu gọi người dân đóng góp 300 ngày công để tự sửa hàng rào, cải tạo cảnh quan môi trường tại 6 điểm trường. Cũng từ nguồn nhân lực này, kết hợp nguồn hỗ trợ kinh phí của Phòng GD&ĐT huyện và Hội Chữ thập đỏ quận Tây Hồ - Hà Nội, cô cùng dân bản xây dựng 1 phòng học, 1 phòng làm việc.
Năm 2017 là mốc thời gian quan trọng vì phải xét các tiêu chí đánh giá trường chuẩn. Cô tích cực tham mưu với chính quyền địa phương, lãnh đạo cấp trên hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí trường kiểm định và trường đạt chuẩn quốc gia với hệ thống lớp học, phòng công vụ cho giáo viên…
Như không biết mệt mỏi, năm 2018, cô Quý tiếp tục kêu gọi sự chung tay, góp sức của các tổ chức thiện nguyện ở khắp nơi như: Hải Phòng, Hà Nội. Đợt huy động thu được hơn 300 triệu đồng, cô lại dồn vào để xây mới 2 phòng học 1 nhà bếp tại những điểm bản vùng cao nghèo như: Dư O và Tà Té.
Không dừng lại ở đó, năm 2019, cô Quý lại “thủ thỉ” để hàng trăm bà con dân bản đóng góp 371 ngày công sửa trường, dựng lớp, cải tạo cảnh quan môi trường tại 6 điểm trường vùng khó như: Tìa Ló A, B; Tìa Mồng, Tà Té...