Không dám đi đám ma vì sợ bệnh thêm nặng
Ông T.H.H. (62 tuổi, ở Duy Tiên, Hà Nam) bị ung thư phổi giai đoạn 4 và đang được điều trị tại khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương. Theo lời kể của ông H. thì trước đó sức khỏe của ông hoàn toàn bình thường, sau ngày đi đám tang của một người anh trong họ về ông thấy đau tức ngực, hơi khó thở, ho ra máu…
Cứ tưởng bị lao phổi nên ông H. ra Bệnh viện Phổi Trung ương thăm khám thì phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn.
“Đến viện thăm khám và điều trị tôi được nhiều bệnh nhân chia sẻ thông tin rằng do tôi đi đám ma nên bệnh tình nặng hơn, tiến triển nhanh hơn. Từ khi biết bệnh và được chia sẻ thông tin như vậy tôi rất hạn chế đến đám ma, đám bốc mộ và sẽ để vợ, con đi thay.
Với những trường hợp bất khả kháng, không thể vắng mặt trong đám tang của người thân tôi cũng cố gắng không đến quá gần người đã mất. Thêm nữa, trước khi đến đám tôi phải trang bị rất kỹ, dùng lá na, dầu gió bôi vào ngực, lưng, bụng, tay chân… những vị trí dễ đau nhức khi đi đám về. Sau khi đi đám về cũng cần phải bước qua lửa, tắm nước lá thơm để xua bớt những hơi lạnh lẽo” – ông H. chia sẻ.
Không chỉ riêng trường hợp ông H. mà nhiều bệnh nhân ung thư phổi cũng thực hiện kiêng khem rất kỹ, nhiều trường hợp con không đưa tang cha, chồng mất, vợ không dám ở nhà dự tang, chuyển sang ở nhờ nhà hàng xóm vì sợ bệnh ung thư sẽ phát triển nhanh, di căn mạnh sang các bộ phận khác.
Có bệnh nhân ung thư phổi còn kể rằng, do bệnh tình được phát hiện sớm nên đáp ứng điều trị rất tốt. Bệnh đã gần như là khỏi nhưng chỉ vì đi viếng đám ma nên về bệnh tái phát trở lại và có dấu hiệu nặng nề hơn.
Bệnh ung thư phổi có nặng hơn khi đi đám ma?
Bệnh ung thư phổi có thực sự nặng hơn khi đi đám ma, đám bốc mộ hay không? Khi được hỏi về vấn đề này, BSCKI Nguyễn Đức Hạnh, Phó trưởng khoa Ung bướu, Bệnh viện Phổi Trung ương khẳng định: “Đây là quan niệm sai lầm và không có mối liên quan giữa đám ma, đám bốc mộ với bệnh ung thư nói chung hay ung thư phổi nói riêng hay sự tiến triển của bệnh.
Bản chất của bệnh ung thư là khả năng tái phát và di căn. Nếu bệnh nhân được phát hiện ung thư ở giai đoạn sớm, được điều trị đúng, bệnh có thể khỏi được. Nhưng nếu bệnh được phát hiện muộn, tế bào ung thư đã di căn sang các bộ phận khác thì rất khó để điều trị.
Một số bệnh nhân sau khi chữa vẫn còn những tế bào ung thư này, sau đó chúng sẽ tái phát. Và trùng hợp đúng lúc người bệnh đi đám ma, đám bốc mộ, dẫn đến người bệnh đổ lỗi cho đám ma, đám bốc mộ, nhưng sự thật không phải vậy. Đây chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên”.
Bác sĩ Hạnh giải thích thêm, việc đi đám ma không phải là nguyên nhân khiến ung thư tái phát hoặc di căn, cũng không phải là nguyên nhân gây đau đớn cho người bệnh. Các bệnh ung thư, trong đó có ung thư phổi ở giai đoạn cuối thường phát triển nhanh, di căn sang các bộ phận khác của cơ thể gây đau đớn cho người bệnh.
Chẳng hạn khi di căn lên não gây đau đầu, di căn xương gây đau nhức xương, dễ gãy xương, mục xương, di căn ở phổi gây tràn dịch màng phổi, ho ra máu, khó thở… Vì vị trí di căn ở nhiều nơi nên bệnh nhân đau đớn dữ dội, đau khắp mình mẩy mà không xác định được vị trí đau cụ thể. Và cho dù không đi đám ma, không đi đám bốc mộ thì khối u vẫn phát triển và vẫn gây đau đớn cho người bệnh.
Tuy nhiên, khi trong gia đình có người mất, sự đau khổ vật vã có thể ảnh hưởng tới thể lực và tinh thần của người bệnh. Khi đó, sức khỏe của bệnh nhân cũng sẽ bị ảnh hưởng theo hướng tiêu cực làm tình trạng đau đớn, khó chịu tăng lên.
Bác sĩ Hạnh cho rằng, chính không khí u buồn, nặng nề sẽ ảnh hưởng tâm lý đến người bị ung thư. Khi đám tang xảy ra, mọi người đau buồn và chấn động tâm lý. Điều này có thể xảy ra với tất cả mọi người khi đến đám ma chứ không riêng gì bệnh nhân ung thư. Vì quá buồn, ảnh hưởng tâm lý nên bệnh nhân suy sụp, thể trạng yếu và đó là cơ hội khiến tế bào ung thư càng phát triển nhanh chóng hơn.
Do đó, để giảm tình trạng đau đớn, không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, người bị bệnh ung thư nếu phải đi đám tang thì không nên vật vã, đau buồn quá, ảnh hưởng đến sức khoẻ. Với những bệnh nhân ung thư có tinh thần vững, sức khỏe tốt, thì việc đi đến đám ma, đám bốc mộ không ảnh hưởng gì.
Bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư phổi nói riêng không chỉ sai lầm về quan niệm đi đám ma, đám bốc mộ làm tăng đau đớn, bệnh nặng hơn, mà người bệnh còn chia sẻ cho nhau những cách điều trị bệnh phản khoa học.
Thực tế thăm khám bệnh cho bệnh nhân ung thư, bác sĩ Hạnh nhận thấy một số sai lầm trong điều trị bệnh mà bệnh nhân hay mắc phải gồm:
- Ngại đi thăm khám sức khỏe vì sợ phát hiện bệnh ung thư hoặc một căn bệnh nguy hiểm nào đó, dẫn đến sợ hãi và bệnh thêm nặng.
- Bệnh nhân giấu bệnh, tự giam mình, tự than thân trách phận là do bản thân mình ăn ở không tốt nên mới mắc bệnh.
- Bệnh nhân không muốn đụng dao kéo vào người, không chấp nhận phẫu thuật cắt bỏ khối u, không tin vào phác đồ điều trị của bác sĩ.
- Chữa ung thư theo lang băm và bỏ thuốc điều trị mà bác sĩ đã chỉ định.
- Ăn uống đạm bạc, tránh chất đạm, nhịn đói để bỏ đói tiêu diệt tế bào ung thư.
Đó là những sai lầm mà nhiều bệnh nhân ung thư mắc phải và làm như vậy là chính họ đang tự tước đi cơ hội vàng để điều trị bệnh. Đến khi nhận ra sai lầm mới quay về tìm gặp bác sĩ, nhưng lúc này bệnh đã quá nặng và chỉ có thể điều trị giảm đau đớn, giảm triệu chứng mà không thể điều trị triệt để.