Theo kế hoạch, các địa phương phải gửi phương án sáp nhập huyện xã về Bộ Nội vụ để thẩm định và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hạn chót vào ngày 31/8.
Đến nay vẫn còn 4 địa phương chưa gửi phương án sắp xếp, sáp nhập huyện xã về Bộ Nội vụ do gặp một số khó khăn, vướng mắc. Đó là Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ và Quảng Ninh.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, Bộ Nội vụ cùng với một số bộ, ngành TƯ liên quan, kể cả các ban Đảng, Văn phòng QH… sẵn sàng đồng hành, cùng các địa phương tháo gỡ khó khăn trong quá trình sắp xếp.
"Chúng tôi đã làm việc với cả 4 địa phương, các đồng chí đang làm các phương án để gửi về Bộ Nội vụ. Quan điểm nhất quán là phải thực hiện, không thể bàn lùi", Thứ trưởng nhấn mạnh.
Nhiều trở ngại
Sự chậm trễ của các địa phương này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện việc sắp xếp huyện, xã như thế nào, thưa ông?
Việc này nếu để kéo dài sẽ làm ảnh hưởng đến kế hoạch của Chính phủ ban hành tại Nghị quyết 32 về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Tuy nhiên, chúng tôi thường xuyên đôn đốc và xuống tận nơi để làm việc. Bộ Nội vụ và các bộ, ngành TƯ luôn đồng hành cùng các địa phương trong việc thực hiện nhiệm vụ sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn và có rất nhiều trở ngại, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ công chức cấp xã, những đơn vị hành chính nằm trong diện phải sáp nhập chứ không phải từ phía người dân.
Tôi cho rằng nhân dân, cử tri rất ủng hộ thực hiện việc này. Bởi việc sắp xếp, sáp nhập huyện xã góp phần thực hiện tinh gọn bộ máy chính quyền địa phương, góp phần tinh giản biên chế, giảm bớt gánh nặng ngân sách chi cho bộ máy chính quyền.
Giám đốc Sở Nội vụ TP. HCM từng đề cập lý do chậm lập phương án sáp nhập là do vướng mắc về con người, mà chủ yếu là vì tâm lý?
Đây là vướng mắc địa phương nào cũng gặp phải nhưng vì sao chỉ còn một số địa phương chưa thực hiện được? Lý do bởi những địa phương đó chưa có sự quyết tâm nên mới nêu ra như vậy.
Chúng tôi đã làm việc với lãnh đạo TP.HCM tại Bộ Nội vụ và sẵn sàng đồng hành cùng TP cũng như 3 địa phương còn lại, để cùng các đồng chí xây dựng phương án báo cáo Chính phủ và Thủ tướng xem xét.
Theo tôi, sự chậm trễ này có mấy lý do.
Thứ nhất, địa phương đó vẫn còn lúng túng, các cấp chính quyền ở cấp huyện, xã cũng như đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã chưa thống nhất về chủ trương của Đảng trong việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã.
Thứ hai, khi sắp xếp đương nhiên sẽ có một lượng cán bộ công chức dôi dư nhưng địa phương lại chưa xác định được giải pháp để giải quyết số lượng này như thế nào. Vì vậy cũng có tâm lý ngại, né tránh và không muốn làm.
Hà Nội có nêu vấn đề đang thực hiện thí điểm xây dựng mô hình chính quyền đô thị. Việc thí điểm đó thực hiện từ 2021 nhưng việc sắp xếp chỉ thực hiện trong năm 2109 này, 2020 đã tiến hành đại hội Đảng các cấp rồi.
Không để ai bị thiệt thòi
Vậy theo ông đâu là khó khăn lớn nhất và Bộ Nội vụ sẽ giải quyết khó khăn này như thế nào để việc sắp xếp thực hiện đúng tiến độ?
Khó khăn nhất là xử lý đội ngũ cán bộ, công chức dôi dư. Với một lượng lớn cán bộ, công chức dôi dư sau khi sắp xếp, sáp nhập có phải tinh giản biên chế hết không hay giải quyết thôi việc, hay tạo điều kiện cho họ vào vị trí công tác ở những cơ quan khác? Đây là chuyện quan trọng nhất cần giải quyết.
Bộ Nội vụ và Ban Tổ chức TƯ đang quan tâm, nghiên cứu để làm sao tạo điều kiện thuận lợi, bảo đảm được quyền lợi cho đội ngũ cán bộ, công chức nằm trong diện dôi dư sau khi sắp xếp, không để ai bị thiệt thòi cả.