Gần 20 năm sau, cô vẫn ở đó, cùng con em đồng bào dân tộc thiểu số nói “tiếng Tây”…
Hai cuộc “ngược ngàn”
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc sinh năm 1980, quê ở Bắc Ninh, hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT DTNT Ka Lăng (huyện Mường Tè) – một trong 2 ngôi trường nội trú cấp tỉnh của Lai Châu. 17 năm trước, cô Ngọc tốt nghiệp khoa Tiếng Anh (Viện Đại học Mở). Đứng trước nhiều lựa chọn, cô quyết định vào Nam làm phiên dịch cho một công ty nước ngoài, với mức lương được cho là “hậu hĩnh”.
“Sau 2 năm, cuộc sống và công việc bắt đầu ổn định thì mẹ gọi điện thông báo tôi trúng tuyển làm giáo viên ở Lai Châu. Lúc đó, tôi mới biết suốt thời gian qua mẹ vẫn âm thầm nộp đơn khắp nơi xin cho tôi làm giáo viên. Vì bà biết, đó là ước mơ của con gái. Chỉ có điều, Lai Châu ở đâu, như thế nào thì cả 2 mẹ con đều không biết!”.
Đầu tháng 9/2005, cô Ngọc bắt xe lên Hà Nội, rồi đi tàu đến Lào Cai. Từ đây cô Ngọc đi xe khách lên trung tâm tỉnh Lai Châu (nay là thành phố Lai Châu). Nhận xong quyết định tuyển dụng, đi tiếp 1 chặng xe khách nữa mới đến được thị trấn Mường Tè, nơi được phân công nhiệm vụ. Sau chặng đường dài “lên dốc, xuống đèo”, cô Ngọc nghĩ, ngay khi đến nơi sẽ lấy phòng rồi ngủ một giấc thật sâu. Thế nhưng, vừa mở cửa xe bước xuống, làn khói bụi từ đường đất phả lên kín mặt. Thực tế hiện ra trước mắt là một vùng quê nghèo nàn, heo hút, điều đó khiến cô gái trẻ không tránh khỏi cảm giác hoang mang.
“Vừa may, đúng lúc đó tôi bắt gặp mấy đứa trẻ nhem nhuốc, đầu trần, chân đất lủi thủi băng qua con dốc cao phía trước mặt. Giữa nghèo khó như thế mà đứa nào đứa ấy hồn nhiên, tươi cười, tràn đầy nhựa sống khiến tôi phải tự an ủi mình: Có thể bọn chúng sẽ cần đến tôi hơn là lũ trẻ đầy đủ ở thành phố”, cô Ngọc kể.
Trường THPT DTNT quanh năm mây mù bao phủ. |
Sau 3 năm lên biên giới theo đuổi ước mơ làm giáo viên, cô Ngọc lại có cuộc “ngược ngàn” thứ 2. Lần này, đồng hành cùng cô đã có thêm chồng và cậu con trai hơn 1 tuổi.
Thầy Nguyễn Đức Hiếu, đồng nghiệp cùng trường và cũng là chồng cô Ngọc tâm sự: “Đó là vào năm 2008. Ngày ấy lương giáo viên thấp lắm. Cưới xong, vợ tôi lại có bầu và sinh cháu luôn nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Khi nghe tin chuẩn bị thành lập một trường mới trên xã biên giới Ka Lăng, vợ chồng tôi đã tâm sự với nhau. Chỉ có đi những nơi như thế, lương cao hơn thì mới đảm bảo cuộc sống”.
Thế rồi, để tìm hiểu về nơi vợ chồng sẽ đến, thầy Hiếu một mình đi xe máy lên tiền trạm. Đường đi khó khăn, hiểm trở, đa phần phải ngồi xuồng trên sông Đà, rồi lại luồn rừng, ngược đồi dốc. Sau gần 1 ngày “mò mẫm”, Ka Lăng hiện diện trước mắt thầy là một vùng đất mây phủ bồng bềnh. Những ngôi nhà tạm bợ neo vào nhau giữa lưng chừng núi.
“Sau khi về, điều đầu tiên anh nói với tôi là ở đó vất vả, cực khổ hơn hiện tại rất nhiều. Nhưng rồi chúng tôi cùng động viên nhau bằng suy nghĩ: Thôi thì đằng nào cũng xa nhà, mà cuộc sống ở vùng đất trong lành như thế chắc sẽ thú vị lắm. Rồi cả 2 cùng viết đơn xin chuyển công tác”, cô Ngọc chia sẻ.
Đơn gửi đi, lập tức được tiếp nhận. Bởi ở giữa vùng khó khăn như thế, thời đó giáo viên có bằng cấp, chuyên môn như cô là “của hiếm”. Cô Ngọc bảo, ngày ấy cả trường chỉ có hơn mười giáo viên. Cô vừa có chuyên môn ngoại ngữ, lại có năng khiếu tin học, nắm bắt cập nhật công nghệ thông tin nên được nhà trường tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng.
Cô Nguyễn Thị Ngọc được học sinh ở Ka Lăng gọi là cô giáo “tiếng Tây”. |
Vượt qua khó khăn
“Trên này khó khăn không kể hết, nhưng đặc biệt là giáo viên sống yêu thương đùm bọc nhau lắm. Ngày mới lên Mường Tè chúng tôi đều ở tập thể. Anh chị em có gì chia sẻ với nhau, từ vật chất đến tinh thần. May mắn là năm tôi vào có rất nhiều giáo viên trẻ. Mọi thiếu thốn, vướng mắc trong sinh hoạt, nỗi nhớ nhà… dễ dàng đồng cảm với nhau. Tôi và anh Hiếu có nhiều điểm chung, thế là cảm mến”, cô Ngọc kể về một nửa của mình.
Ngay sau lễ báo hỷ ở trường, cô Ngọc đón tin vui có thai bé đầu lòng. Bụng lớn bao nhiêu, nỗi vất vả, cực nhọc lại chất chồng theo tới đó. Vốn người mảnh mai lại thêm vất vả của cuộc sống vùng cao, nên việc mang bầu không mấy dễ dàng. Nhiều lần đau bụng, cô Ngọc chỉ biết ôm chồng khóc vì không rõ nguyên nhân.
“Không phải lúc đau mới nghĩ đến, mà trong suốt quá trình mang bầu tôi rất muốn được thăm khám, kiểm tra thường xuyên. Nhưng ở đây ngày ấy còn nghèo nàn, lạc hậu lắm. Đến Trung tâm Y tế huyện mà thiết bị còn hạn chế, nên dù kiểm tra cũng không có mấy thông tin. Bác sĩ thì chỉ khuyên là nên giữ gìn trong ăn uống, đi lại… Suốt quá trình ấy tôi phải mang thai trong tâm trạng lo âu”, cô Ngọc bộc bạch.
Từ tháng thứ 4 trở đi, thai bắt đầu “máy”, cô dựa vào những lần thai đạp để đoán là con khỏe. Đến tháng thứ 7, cô Ngọc gặp cơn đau dữ dội kéo dài 3 ngày liền. Vì không thể xác định được nguyên nhân nên cô được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Điện Biên – cách đó hơn 200km.
“Hành trình vô cùng vất vả, vừa là bệnh nhân tôi vừa chăm sóc chồng say xe. Vậy mà trong đầu vẫn quẩn quanh suy nghĩ hoang mang, lo lắng, sợ điều chẳng lành... Sau gần 10 giờ vật vã trên xe chúng tôi mới đến nơi và được thăm khám luôn. Khi nghe bác sĩ nói do thai quá lớn chèn nên gây ra các cơn đau, tôi mới thở phào nhẹ nhõm. Cũng đến thời điểm đó tôi mới biết thai phát triển bình thường và là con trai”, cô Ngọc nói.
Rồi khi con được hơn 1 tuổi, gia đình nhỏ “dắt díu” nhau lên Ka Lăng. Vì cơ sở vật chất ban đầu của nhà trường chưa có, nên vợ chồng cô phải ở nhờ tại Đồn Biên phòng. Gia đình cô Ngọc được bố trí một phòng, ở chung cùng cặp vợ chồng khác. Để thuận tiện sinh hoạt, 2 gia đình ngăn đôi gian phòng bằng nẹp tre và căng bạt.
Tạm gác lại mọi khó khăn của cuộc sống riêng, vợ chồng cô Ngọc dồn lực cùng tập thể Trường THPT Ka Lăng “gây dựng” cơ sở mới. Đều đặn ngày 2 buổi lên lớp, tối về chăm con, soạn bài. Nhiều đêm, thầy cô phải “mò mẫm” trong bản để tìm học trò. Vì không có người trông con, nên mỗi khi có việc trường, cô Ngọc thuê một học trò trong bản lên giúp.
Có những ngày, con không kịp nhìn mặt mẹ, nên những hờn dỗi thế cứ dồn nén trong lòng con trẻ. Làm mẹ, cô Ngọc đều cảm nhận được, nhưng cô bảo: “Tôi chỉ biết ôm con và xin lỗi. Chứ thời điểm đó, chẳng còn cách nào. Trường mới ở vùng khó, lại không có chế độ hỗ trợ gì nên việc chiêu sinh, duy trì sĩ số lớp vô cùng vất vả”.
Nhiệm vụ giáo dục của các thầy cô ở Ka Lăng chính thức “sang trang mới” kể từ khi nhà trường được quan tâm, chuyển đổi mô hình thành trường Dân tộc nội trú. Từ đó, học sinh được hưởng đầy đủ các chế độ, chính sách, ăn, nghỉ bán trú tại trường nên có thêm động lực học tập, chăm chỉ đến lớp hơn.
“Đến năm 2011, khi đang nghỉ chế độ thai sản, tôi bất ngờ nhận được thông tin, ngành Giáo dục Lai Châu làm quy trình, thủ tục bổ nhiệm cho mình làm Phó Hiệu trưởng. Sự tin tưởng của các cấp, cùng những tiến bộ của học trò mỗi ngày khiến tôi cảm thấy mình có giá trị, sống ý nghĩa hơn và quyết tâm vượt mọi khó khăn để gắn bó với mảnh đất này”, cô Ngọc nói.
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc (thứ 3 từ phải sang) cùng các thầy cô và cán bộ địa phương. |
Thành quả ngọt ngào
Thấm thoắt đã gần 20 năm kể từ buổi đầu đặt chân lên vùng đất biên viễn, cô Ngọc không thể quên những học sinh khóa đầu ở Ka Lăng. Thời đó, các em chưa được học tiếng Anh từ lớp dưới. Lên lớp 10, lần đầu tiên tiếp cận với môn mới nên học sinh chỉ biết ngơ ngác nhìn.
“Lần đầu nghe học sinh gọi là cô giáo tiếng Tây, tôi nghe buồn cười nhưng cũng thấy rất thú vị. Sau câu chào hỏi đầu tiên, tôi thao thao giảng bài. Mỗi lần quay xuống hỏi các em có hiểu không thì cả lớp cùng gật đầu. Khi ấy tôi chắc mẩm các em đều hiểu. Cho đến hôm làm bài kiểm tra 1 tiết đầu tiên để đánh giá thì mới trật khấc”, cô Ngọc cười lớn.
Chẳng là, sau 15 phút đã có học sinh mang bài lên nộp. Sau đó cả lớp kéo nhau nộp bài hết khiến cô Ngọc nghĩ “có lẽ mình ra đề quá dễ”. Thế nhưng, khi nhìn vào những trang giấy trắng, cô không khỏi ngỡ ngàng. Cô Ngọc quyết định dành toàn bộ thời gian còn lại của tiết học hôm đó để trò chuyện cùng học sinh.
“Tôi hỏi mãi, các em mới nói là do không hiểu, không biết làm. Thì ra, học sinh ở đây là thế, rất nhút nhát, sợ người lạ, nên dù không hiểu cũng không dám nói, cứ lầm lì. Mà thường chỉ cần một em làm thế nào là cả lớp làm theo như thế”, cô Ngọc phân trần.
Sau “bài học” ấy, cả cô và trò đều rút kinh nghiệm cho bản thân. Cô Ngọc trò chuyện nhiều hơn để tạo sự gần gũi, thân thiện với học sinh. Từ đó giúp các em tự tin trên lớp cũng như mỗi giờ học. Nhiều lần gọi học sinh lên bảng, cô phát hiện học sinh con em đồng bào dân tộc thiểu số phát âm tiếng Anh rất chuẩn. Lấy ưu điểm này làm động lực, cô khích lệ tinh thần học sinh mỗi ngày.
Đáp lại sự nỗ lực của cô, mỗi bài kiểm tra của học sinh bắt đầu “có chữ” và trau chuốt hơn. Đầu giờ lên lớp, các em phấn khích chào hỏi cô giáo bằng những câu tiếng Anh đơn giản. “Khóa đầu tiên ra trường có 33 học sinh và không em nào bị điểm liệt môn ngoại ngữ. Cô trò hạnh phúc chỉ biết ôm nhau khóc”, cô Ngọc nói.
Những khóa học sau đó, cô Ngọc có phương pháp và học trò đi vào nền nếp hơn. Số học sinh về trường theo học cũng ngày một nhiều thêm. Song theo như cô Ngọc chia sẻ thì áp lực công việc lại giảm dần. Ngoài giờ học trên lớp, cô có thêm trợ lực từ chính học sinh của mình.
Thầy Nguyễn Mạnh Hùng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Không chỉ làm quản lý tốt mà cô Ngọc luôn có nhiều sáng tạo, kinh nghiệm quý về chuyên môn. Trong đó, nhiều sáng kiến kinh nghiệm đóng góp đắc lực vào sự phát triển của giáo dục miền núi. Cụ thể như: Giải pháp rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh dân tộc thiểu số; duy trì sĩ số học sinh dân tộc rất ít người; nâng cao chất lượng bộ môn Tiếng Anh bằng việc lồng ghép các trò chơi…
Hiện nay trung bình mỗi năm trường có khoảng 400 học sinh theo học. Các em đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó đa phần là người Hà Nhì có truyền thống hiếu học cao. Vì cùng ở nội trú nên các em chủ yếu tự hỗ trợ nhau trong học tập. Nhiều năm rồi tỷ lệ đỗ tốt nghiệp của nhà trường đều đạt 100%, khoảng 50% số này đỗ các trường đại học. Hạnh phúc hơn khi nhiều em trong đó theo học các chuyên ngành liên quan đến Ngoại ngữ… - Cô Nguyễn Thị Ngọc