Hy vọng vào vắc-xin
Tới nay, Việt Nam đã ghi nhận 4 biến chủng của virus SARS-CoV-2, bao gồm: D614G từ châu Âu (dịch tại Đà Nẵng); B.1.1.7 từ Anh hiện gây dịch tại Hải Dương; B.1.351 từ Nam Phi trên bệnh nhân người Nam Phi (bệnh nhân 1422), nhập cảnh sân bay Nội Bài ngày 19/12/2020; Chủng A.23.1 từ Rwanda, châu Phi, ghi nhận tại ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất (TPHCM). Trong đó, B.1.1.7 tại Hải Dương có tốc độ lây lan nhanh hơn 70% so với chủng cũ, kể cả biến thể châu Âu D614G.
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga - nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, mục đích tiến hóa cuối cùng của virus là tiếp tục sinh sản và phát triển. Do đó, khi có những cản trở tiến hóa, virus sẽ biến đổi để chống lại.
“Một số nghiên cứu gần đây đang đặt ra giả thiết là, khi người bệnh mắc Covid-19 phải điều trị lâu dài với nhiều loại thuốc, virus có những biến đổi gen để thoát khỏi tác động của thuốc hoặc nhận dạng kháng thể miễn dịch”, chuyên gia dẫn chứng.
Theo PGS Nga, trình độ khoa học hiện nay rất khó ngăn chặn các biến thể của virus trong tương lai. Vì vậy, cách tốt nhất hiện nay là nhiều người được tiêm vắc-xin. Đặc biệt, nhóm có hệ miễn dịch suy giảm như người già, có bệnh nền cần được ưu tiên.
“Bởi vì khi bệnh càng kéo dài, khả năng và cơ hội biến đổi gen của virus trong cơ thể càng lớn. Thêm vào đó, cũng cần có những phác đồ điều trị phù hợp, tránh dùng nhiều loại dược phẩm thử nghiệm trên một người bệnh. Điều đó có thể thúc đẩy sự tiến hóa của virus SARS-CoV-2, tạo điều kiện cho những biến thể mới nguy hiểm phát triển”, PGS Nga cảnh báo.
Chuyên gia này lý giải, vắc-xin có vai trò đào tạo hệ thống miễn dịch cơ thể để phát hiện các kháng nguyên trên bề mặt của virus SARS-CoV-2. Đặc biệt, vắc-xin nhằm vào mục tiêu là protein bề mặt, làm tăng đột biến, ngăn chặn được sự tiến hóa của virus. Khi tỷ lệ cao người được tiêm phòng trong quần thể dân cư, miễn dịch cộng đồng sẽ xuất hiện và góp phần ngăn chặn đại dịch.
“Miễn dịch cộng đồng được hình thành khi hầu hết dân số miễn dịch với một bệnh truyền nhiễm. Đối với nhiều bệnh truyền nhiễm, miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi có trên 80% - 90% dân số được bảo vệ do đã nhiễm bệnh hoặc được tiêm vắc-xin. Thế giới sẽ quay trở lại cuộc sống bình thường khi toàn cầu đạt được trạng thái miễn dịch cộng đồng, hoặc virus tự biến đổi để thích nghi với con người và trở thành một loại cúm thường”, PGS.TS Nguyễn Huy Nga nhận định.
Nên tạo cơ chế miễn dịch cộng đồng?
Trong khi đó, bác sĩ Phan Xuân Trung tại Trung tâm Y khoa MEDIC (TPHCM) cho rằng, mặc dù quyết liệt và thành công trong dập dịch, nhưng do không có miễn dịch cộng đồng, người dân Việt Nam vẫn “sống trong lo sợ”. Trong khi đó, vắc-xin có thể mất tác dụng do biến chủng mới.
“Cách chống dịch hiệu quả nhất là làm cho toàn dân được miễn dịch, bởi ta không thể làm cho virus tuyệt chủng. Ta phải đối diện với nó một cách hoà bình. Không thể “nhảy dựng” lên khi phát hiện một ca F0 mới, kèm theo hàng loạt “giải pháp” cách ly, nghỉ học, đóng cửa, chỉ thỉ 5, chỉ thị 6...”, bác sĩ Trung nhận định.
Theo chuyên gia này, điều đáng lo sợ là tốc độ lây lan nhanh khiến số bệnh nhân mắc Covid-19 tăng, vượt quá khả năng của ngành y tế. Song, nếu kềm chế tốc độ lây lan, ngành y tế vẫn đủ sức cứu giúp các ca mắc Covid-19 cùng lúc với bệnh khác. Do vậy, bác sĩ Trung cho rằng, không cần “chặn đường lây bằng mọi giá”. Thay vào đó, nên cho phép lây có kiểm soát.
“Qua thực tiễn 3 vụ dịch và số liệu hơn 1 năm qua, hầu hết người đã bị nhiễm không cần can thiệp y tế vẫn chuyển âm tính sau một thời gian cách ly. Những người này xem như đã được chủng ngừa. Các công nhân ở Hải Dương ở chung trong khu tập trung và bị lây chéo cho nhau. Chưa có ca nào trong số này chuyển bệnh hay chết do Covid-19. Những ca bị lây chéo này cũng được xem như đã được chủng ngừa tự nhiên và tạo miễn dịch tự nhiên”, bác sĩ Trung chia sẻ.
Theo đó, chuyên gia này nhận định, Việt Nam có thể áp dụng cơ chế tạo miễn dịch cộng đồng có kiểm soát. Cho phép người trẻ, khoẻ mạnh được nhiễm virus chủ động để tự tạo miễn dịch. Những người này sẽ không trở thành vật chủ lây truyền.
“Nếu vài người trong số đó chuyển bệnh thì y tế can thiệp chủ động. Điều này giống như ta xả lũ chủ động trong an toàn, chứ không ngăn lũ để sống trong lo âu. Vắc-xin để dành cho các cụ già, người có bệnh nền, không dùng cho người trẻ, khoẻ”, bác sĩ Trung cho biết.