Có nên vật lộn với cướp khi chúng đột nhập vào nhà?

GD&TĐ - Việc chống cự lại các đối tượng cướp khi chúng đột nhập vào nhà có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng cho chính gia chủ.

Có nên vật lộn với cướp khi chúng đột nhập vào nhà?

Như đã đưa tin, Công an tỉnh Sơn La cùng các đơn vị nghiệp vụ vừa bắt giữ 3 đối tượng gây ra vụ cướp tại tiệm vàng Trường Ký (TP Sơn La, tỉnh Sơn La).

Công an cho biết đã thu giữ nhiều tang vật của vụ án như súng ngắn, dao nhọn, tóc giả, mặt nạ da người,… 

Quá trình điều tra xác định các đối tượng đã cầm vũ khí đột nhập vào tiệm vàng nhằm cướp tài sản.  Chúng dùng súng, dao khống chế chủ tiệm và bị chủ nhà chống cự quyết liệt, tri hô người dân cùng lực lượng chức năng bắt tại chỗ hai người.

Có nên vật lộn với cướp khi chúng đột nhập vào nhà? - ảnh 1

Chủ tiệm vàng Trường Ký vật lộn với nhóm cướp.

Ngay sau khi vụ việc xảy ra, nhiều người không khỏi sợ hãi trước tính chất manh động của các đối tượng; tuy nhiên cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự e ngại trước hành động vật lộn với nhóm cướp của chủ nhà. Họ cho rằng việc này là rất nguy hiểm, nhất là khi nhóm đối tượng đang cầm vũ khí trên tay.

Đồng tình với quan điểm trên, Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu (chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an), đã đưa ra những đánh giá rất thực tế.

Ông Hiếu cho rằng việc chủ tiệm vàng vật lộn với tên cướp được thúc đẩy bởi động cơ bảo vệ tài sản, tâm lý luyến tiếc tài sản rất phổ biến của con người, bởi có câu “đồng tiền gắn liền khúc ruột”; “của đau con xót”. Trên thực tế, bất cứ ai gặp phải tình huống bị chiếm đoạt tài sản cũng có thể hành động mang tính bản năng như giành giật, giữ lại tài sản của mình.

“Tuy nhiên, dưới góc độ nghiên cứu về tội phạm học và phòng ngừa tội phạm, chúng tôi thấy việc chủ tài sản hành động bột phát xông vào tên tội phạm, hành động quyết liệt để bảo vệ tài sản là đặt mình vào tình huống rất nguy hiểm đến tính mạng” – Trung tá Hiếu nói.

Có nên vật lộn với cướp khi chúng đột nhập vào nhà? - ảnh 2

Trung tá, NCS Đào Trung Hiếu, chuyên gia nghiên cứu tội phạm học, Bộ Công an

Theo vị trung tá này, chúng ta cần biết rằng tội phạm hiện nay rất manh động, đều mang theo hung khí khi gây án, đặc biệt là những tên cướp. Khi bị chủ tài sản giằng giữ lại tài sản, thứ nhất sẽ kích hoạt ác tính trong tâm lý đối tượng, khi mục tiêu chiếm đoạt tài sản không thực hiện được hoặc bị cản trở sẽ khiến đối tượng bức xúc tâm lý cao độ. Thứ hai, việc chủ tài sản la hét, xông vào tấn công... sẽ kích hoạt nỗi sợ bị bắt bên trong tâm lý mọi tên tội phạm, biến thành hành động chống trả bạo liệt để thoát thân và mang được tài sản đi.

Từ phân tích trên cho thấy việc chủ tài sản không đánh giá tương quan lực lượng, liều chết bảo vệ tài sản là chưa khôn ngoan. Trong vụ việc này may mắn không có án mạng xảy ra, nhưng trong các tình huống khác thì khả năng những hậu quả lớn hơn đó là thiệt hại về tính mạng, sức khỏe có thể xảy ra.

“Rõ ràng thiệt hại về tài sản luôn nhỏ hơn thiệt hại về tính mạng. Chúng ta phải ưu tiên bảo vệ những lợi ích lớn hơn. Mặt khác, việc tài sản bị cướp đoạt có thể tìm lại, thu lại được qua hoạt động điều tra của cơ quan chức năng nên không cần thiết và không nên mạo hiểm tính mạng của mình” – Trung tá Hiếu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng trong trường hợp xét thấy tương quan lực lượng của chủ tài sản (về con người, vũ khí...) hơn hẳn đối tượng, thì có thể quyết đoán tổ chức tấn công bắt giữ đối tượng, thu hồi tài sản.

Theo Plo.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ