Có nên tập trung luyện thi IELTS để được tuyển thẳng đại học?

GD&TĐ - Được các đại học chọn là một trong những tiêu chí xét tuyển từ năm 2017, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS ngày càng phổ biến và quan trọng với học sinh.

Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) thi thử IELTS.
Học sinh Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) thi thử IELTS.

Sớm đỗ đại học nhờ... IELTS

Dù vẫn còn chừng nửa năm nữa mới đến Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 nhưng Nguyễn Thanh Mai - học sinh lớp 12A1 Trường THPT Kim Liên (Hà Nội) đã gần như chắc chắn trúng tuyển vào Trường Đại học Luật Hà Nội khi em đã vượt qua kỳ thi IELTS với số điểm 7.5.

Thanh Mai cho biết: “Tiếng Anh là môn học yêu thích từ nhỏ và em luôn đặt mục tiêu sẽ đạt điểm cao tại kỳ thi IELTS. Không chỉ để xét tuyển đại học, chứng chỉ này còn rất có lợi khi du học, hoặc xin việc tại các công ty nước ngoài. Với IELTS 7.5 cùng kết quả học tập tốt, em sẽ bước chân vào ngôi trường mơ ước mà không phải quá lo lắng về kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”.

Còn Trịnh Khánh An - học sinh Trường THPT Marie Curie (Hà Nội) cũng cố gắng để vượt qua kỳ thi khó khăn này để đạt được số điểm tương đối khả quan. Thời gian sắp tới, An tiếp tục tập trung ôn luyện 2 môn Toán, Vật lý để có kết quả tốt và sẽ được xét tuyển vào Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội.

An cho biết: Năm nay, Khoa Quản trị kinh doanh Trường Đại học Kinh tế tuyển thẳng thí sinh có điểm IELTS trên 5.5 cùng điều kiện tổng điểm 2 môn còn lại trong tổ hợp xét tuyển (Toán, Vật lý) đạt tối thiểu 12 điểm. Do đã có chứng chỉ IELTS nên việc đạt điểm tốt trong 2 môn còn lại đối với bản thân là nhiệm vụ khả thi và đang cố gắng để đạt điều này.

Cùng với Mai và An, rất nhiều học sinh ở các thành phố lớn đang học và thi lấy các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, phổ biến hơn cả là IELTS. Việc này đem lại nhiều lợi ích như giúp nâng cao trình độ ngoại ngữ - yếu tố quan trọng trong học tập, nghiên cứu và nghề nghiệp sau này; được miễn thi tốt nghiệp THPT môn Tiếng Anh, miễn các học phần tiếng Anh ở trường đại học.

Đặc biệt trong 4 năm trở lại đây, IELTS giúp học sinh nâng cao khả năng trúng tuyển đại học. Năm 2021, có hơn 30 trường đại học sử dụng chứng chỉ này trong xét tuyển đại học chính quy. Năm 2022, chưa có thống kê đầy đủ, nhưng phần lớn các trường không thay đổi nhiều về phương án tuyển sinh, nên dự kiến có một số lượng tương tự áp dụng chính sách ưu tiên đối với IELTS.

Do lợi ích thiết thực từ các kỳ thi IELTS, không chỉ ở các thành phố lớn, học sinh ở nhiều địa phương khác, trong đó có cả tỉnh miền núi cũng bắt đầu tìm hiểu khi nhận ra tầm quan trọng của chứng chỉ này.

Cô Nguyễn Thị Phương Lan - Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ (Hòa Bình) - cho hay: Từ nhiều năm qua, phong trào học và thi IELTS trên địa bàn tỉnh phát triển rất nhanh. Nhiều em có thành tích cao tại các kỳ thi IELTS quốc tế và được tuyển thẳng vào trường đại học uy tín.

Để nâng cao chất lượng dạy học, nhà trường đã liên kết với các trung tâm ngoại ngữ uy tín tổ chức cuộc thi thử IELTS nhằm giúp các em đánh giá được trình độ của bản thân, đồng thời tăng cường kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Các thầy cô đánh giá rất cao chất lượng của thí sinh, đặc biệt là kỹ năng nghe nói.

Nhiều học sinh vững tâm khi đạt kết quả tốt tại các kỳ thi IELTS
Nhiều học sinh vững tâm khi đạt kết quả tốt tại các kỳ thi IELTS

Không mất cơ hội cho học sinh tỉnh lẻ

Với các trường đại học, việc sử dụng IELTS hay chứng chỉ quốc tế khác như SAT, TOEFL… là một trong những tiêu chí ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng đã cho thấy khát vọng hội nhập với nền giáo dục tiên tiến, nhất là từ khi được “tự chủ” tuyển sinh.

PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân - nhận định: Về bản chất, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế được dùng thay cho điểm thi môn Tiếng Anh trong những tổ hợp có môn này. Tuy vậy, chứng chỉ quốc tế có uy tín và chất lượng cao hơn.

Tại Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, chứng chỉ tiếng Anh quốc tế xuất hiện tại hai nhóm trong đề án xét tuyển riêng, chiếm khoảng 25 - 35% tổng chỉ tiêu. Thí sinh có thể sử dụng IELTS, TOEFL, TOEIC kết hợp với điểm thi đánh giá năng lực hoặc với điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trước lo ngại dùng chứng chỉ tiếng Anh quốc tế tạo bất bình đẳng giữa thí sinh nông thôn và thành thị, ông Triệu không đồng tình. Theo ông, khi đã có chứng chỉ, nếu phải dự thi, điểm thi môn Tiếng Anh của những thí sinh này cũng thường rất cao. Do đó, việc sử dụng hay loại bỏ chứng chỉ khi xét tuyển không làm thay đổi nhiều tổng điểm theo tổ hợp của những thí sinh giỏi ngoại ngữ.

PGS.TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Đại học Ngoại thương - thông tin: Nhà trường tiên phong đưa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế như IELTS, TOEFL vào xét tuyển kết hợp điểm học bạ THPT, điểm thi THPT từ nhiều năm trước. Việc sử dụng tiêu chí IELTS để tuyển sinh đã giúp nhà trường tuyển được nhiều sinh viên giỏi, chất lượng tuyển sinh tốt.

Bà Hiền cũng cho rằng, việc xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế không làm mất cơ hội của những thí sinh không có điều kiện học ngoại ngữ. Các trường đều sử dụng nhiều phương thức tuyển sinh. Chỉ tiêu của các phương thức cũng khác nhau, thí sinh có thể lựa chọn theo năng lực, sở trường của mình.

Trường Đại học Ngoại thương hàng năm đều có phân tích dữ liệu thí sinh vào học tại trường theo các phương thức khác nhau. Kết quả cho thấy, những em xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế có năng lực học tập rất tốt. Đây là một trong những cơ sở để trường duy trì phương thức này.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ