Nên tắm cách ngày 1 lần, tắm nhanh trong 5 – 10 phút, lau khô người
Dịch Covid-19 hiện đang có nhiều diễn biến phức tạp, lượng F0 tăng cao mỗi ngày và kéo theo đó là vô số băn khoăn của người bệnh. "F0 có được tắm không?" là một câu hỏi hiện nay được đông đảo mọi người quan tâm.
Trước băn khoăn này, nhiều thông tin được lan truyền trên mạng xã hội cho rằng "người bị nhiễm Covid-19 mà vẫn đi tắm, sau tắm bị sốt cao, oxy máu giảm phải vào viện thở oxy, gây nguy hiểm tính mạng".
Theo bác sĩ, TS Quan Thế Dân (hiện tham gia chống dịch tại Bệnh viện dã chiến hồi sức cấp cứu Becamex Bình Dương) thông tin trên báo chí cho biết, quan niệm của y học cổ truyền nếu khi bị ốm hoặc cảm xông hơi là cần thiết nhưng tắm thì lại phải kiêng. Quan niệm tắm khi bị ốm trong y học cổ truyền lại trái ngược với xông hơi.
Điều này được luận giải như sau: Khi tắm nước nóng làm giãn lỗ chân lông từ đó gây mất khí, ngoại tà dễ xâm nhập... Nhiều tấm gương về việc tắm gây cảm hàn, tử vong. Từ đó sinh ra quan niệm "người ốm phải kiêng nước" còn tồn tại dai dẳng tới nay.
Điều đó cũng có cơ sở khoa học là trước đây chưa có điều kiện phòng vệ sinh sạch sẽ kín gió như bây giờ, nên người ốm mà tắm là rất nguy hiểm. Một số người quá suy kiệt, chức năng tim phổi quá kém, khi tắm nóng hoặc lạnh có thể gây nên giãn mạch hoặc co mạch toàn thân, gây tăng hoặc giảm huyết áp đột ngột, có thể làm nặng thêm bệnh, thậm chí là tử vong. Vì thế khi đang mắc bệnh không nên tắm nước quá lạnh để "rèn luyện cơ thể", hoặc tắm quá nóng để "diệt mầm bệnh". Rất nguy hiểm.
Y học hiện đại không kiêng tắm, nhiều nghiên cứu cho thấy bệnh nhân trước mổ cần được tắm và sát trùng toàn thân sẽ giảm nhiễm trùng vết mổ.
Bệnh nhân nằm trong phòng hồi sức nếu được lau rửa toàn thân bằng dung dịch sát khuẩn, thay quần áo, thay drap (ga giường) thường xuyên sẽ giảm nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện, giảm số ngày nằm phòng ICU.
Tắm gội đầu giúp giải phóng các tế bào da chết (ghét), làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện, khoa ICU vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu.
Đế tránh biến chứng, người đang suy kiệt nặng, huyết áp thấp, người đang tiêm truyền, người có vết mổ, người suy tim gan thận nặng không được tắm. Khi tắm cần tắm bằng nước ấm 30 – 35 độ C, tắm nhanh trong khoảng 5 -10 phút, nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.
Theo TS Quan Thế Dân cho biết, với người mắc Covid-19 nên tắm cách ngày 1 lần, tắm nhanh, tận dụng nồi lá xông, xông xong rồi tắm nhanh trong 5 – 10 phút, lau khô người, sẽ thấy rất sảng khoái, giúp hạ sốt, thông thoáng mặt da, ngủ ngon, mau khỏe.
F0 càng không nên kiêng khem tắm rửa
Theo BS Trương Hữu Khanh (Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh) khẳng định, những tin tức lan truyền qua mạng về những biến chứng khi người mắc Covid-19 tắm chỉ là những tin đồn thất thiệt, khiến bệnh nhân F0 thêm lo lắng không đáng có.
Bác sĩ Khanh cảnh báo, F0 có được tắm không thì xin khẳng định là vẫn có thể tắm được bình thường. Chuyện tắm rửa, vệ sinh cá nhân là chuyện F0 càng không nên kiêng khem. Nếu không đảm bảo vệ sinh cá nhân thì F0 có thể bị thêm các vấn đề sức khỏe khác như các bệnh nhiễm trùng.
Điều này là do ăn uống không sạch sẽ, không vệ sinh cá nhân thường xuyên.
Cũng theo BS Trương Hữu Khanh, F0 cách ly tại nhà càng nên chú ý tắm rửa cẩn thận, súc họng sạch sẽ, lau dọn nhà tắm, không gian sống... để hạn chế nguy cơ cho người cùng nhà nếu trong nhà vẫn có người không phải là F0.
Bác sĩ Khanh cho biết thêm, F0 nếu có hiện tượng sốt cao thì không nên tắm. Thế nhưng điều này cũng không có nghĩa là không vệ sinh thân thể. Thay vào đó, F0 nên lau người bằng nước ấm. Việc thay quần áo hàng ngày để đem đi giặt riêng, khử khuẩn... là việc cần thiết làm mỗi ngày để tránh lây nhiễm mầm bệnh cho các thành viên khác.
Bác sĩ Khanh nhấn mạnh, về việc lau người bằng nước ấm, F0 nên làm trong tiết trời miền Bắc với nền nhiệt độ xuống thấp như hiện nay. Bất cứ F0 nào chưa có điều kiện tắm thì cũng nên lau người bằng nước ấm sẽ giúp dễ chịu, phòng tránh lây nhiễm bệnh tốt hơn.
Về việc F0 tắm sao cho đúng cách, bác sĩ khuyên, F0 nên tắm bằng nước ấm, không nên dùng nước lạnh ngay cả khi nhiệt độ ngoài trời nóng bức hay ấm áp. Nước ấm sẽ có tác dụng thư giãn cơ bắp, giúp F0 cảm thấy dễ chịu hơn khi tắm. Từ đó giúp F0 nhanh hồi phục sức khỏe hơn.
Mỗi lần tắm chỉ tắm 5-10 phút, tắm ở nơi kín gió, sau khi tắm xong cần lau khô người và nhanh chóng mặc quần áo, sấy tóc khô.
Tất cả những điều này không chỉ áp dụng với F0 là người trưởng thành mà F0 là trẻ nhỏ cũng áp dụng bình thường. Cha mẹ nên tuân thủ để tránh bệnh tình của con thêm nặng cũng như nguy cơ lây nhiễm cho cả gia đình.