Tại buổi giao lưu "Thắp sáng ước mơ CNTT" diễn ra mới đây ở Hà Nội trong khuôn khổ kỷ niệm 20 năm Hội thi Tin học Trẻ toàn quốc, ông Lâm Trọng Trinh - Trưởng phòng CNTT Sở GD&ĐT Bà Rịa Vũng Tàu chia sẻ:
"Bộ môn Tin học ở trường phổ thông hiện vẫn chỉ được xem là môn phụ, thậm chí tầm quan trọng không bằng một số môn xã hội khác. Bởi vậy, nhà trường không quan tâm đầu tư, giáo viên Tin học cũng không đầu tư nhiều.
Đó là một khó khăn cho việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng CNTT cho các em học sinh, nhất là với những đội tuyển thi Tin học toàn quốc. Mong các cấp quan tâm để Tin học không bị xem thường như hiện nay".
Theo tìm hiểu, mặc dù Tin học có vai trò quan trọng không nhỏ giúp giới trẻ tiếp cận với nguồn thông tin, kiến thức phong phú, phục vụ cho việc học tập và công việc... song các trường tiểu học và trung học cơ sở tại Việt Nam hiện nay đều đang gặp nhiều khó khăn trong việc giảng dạy môn này. Tin học vẫn là môn tự chọn, thời lượng học hàng tuần chỉ 1 - 2 tiết, rất nhiều học sinh học theo kiểu "cưỡi ngựa xem hoa".
Có trường cho học sinh làm quen với môn Tin học ngay từ lớp 1, nhưng cũng có trường áp dụng môn này từ lớp 2 hoặc lớp 3 với các mức phí cũng khác nhau. Đến cấp trung học cơ sở, khi chuyển sang phần học nghề (từ lớp 8) thì Tin học chỉ là một trong những lựa chọn tương đương với Điện, May, Thêu...
Bàn về câu chuyện bộ môn Tin học trong trường phổ thông hiện nay, ông Nguyễn Trọng Đường - Vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ Thông tin & Truyền thông) nhận xét:
"Môn Tin học là một trong số ít môn ở trường tiểu học, phổ thông mà các em học sinh có thể ứng dụng, thực hành được ngay trong cuộc sống, khi mà ứng dụng CNTT đã len lỏi vào từng ngõ ngách trong đời sống.
Với bộ môn Tin học, các em có thể vừa học vừa chơi vừa thực hành, dần hình thành niềm đam mê cho các em để định hướng nghề nghiệp về sau.
Tuy nhiên, hiện tại, Tin học vẫn đang được xem là môn phụ. Cần cố gắng đưa môn học này có vị trí xứng đáng hơn trong chương trình học phổ thông. Mới đây, Bộ TT&TT vừa ban hành Chuẩn kỹ năng CNTT.
Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ GD&ĐT đưa chuẩn này vào chương trình đào tạo tin học trong các trường, đồng thời đưa môn Tin học ngày càng đóng vai trò quan trọng hơn.
Mặt khác, Bộ TT&TT sẽ đồng hành cùng nhiều cơ quan có liên quan khác thúc đẩy việc phát triển nguồn nhân lực CNTT, đưa Tin học thành môn học chính thức trong các trường phổ thông; tạo phong trào học CNTT trong các lứa tuổi học sinh phổ thông".
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều ý kiến chưa hoàn toàn đồng tình với việc ngay lập tức đưa Tin học trở thành môn học chính thức trong các trường tiểu học, trung học cơ sở.
Có ý kiến cho rằng vấn đề cần ưu tiên nhất hiện nay là cải cách, giảm tải nội dung học cho học sinh, đưa thêm Tin học vào các môn học chính cùng với Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ thì có vẻ đi ngược xu hướng giảm tải và khiến cho áp lực bài vở của học sinh sẽ thêm nặng gánh.
Mặt khác nếu Tin học trở thành môn chính thức ngay trong thời gian ngắn tới, những trường học ở vùng sâu, vùng xa, địa phương khó khăn khó có thể chạy theo được về cơ sở vật chất, hạ tầng máy móc, thiết bị, cũng như đội ngũ giáo viên.
Lại có ý kiến phân tích thực ra Tin học cũng chỉ là một môn học trang bị công cụ cho học sinh, thời lượng học trên lớp chỉ đáp ứng nhu cầu học hỏi những kiến thức căn bản, còn có thể sử dụng công cụ này hiệu quả đến đâu thì tùy thuộc phần lớn vào sự đam mê, ham thích và ý thức tự giác của người học.
Thời gian qua, dù Tin học chỉ là môn phụ nhưng trong các cuộc thi Tin học gần đây, với sự đam mê tìm hiểu về CNTT, số lượng thí sinh xuất sắc xuất hiện ngày càng nhiều, các phần mềm ứng dụng ngày càng có tính tiện dụng, hữu ích trong đời sống thường ngày.