Với tâm huyết dành cho giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho HSSV Việt Nam, Tiến sỹ - Luật sư Victor Việt Anh Trần, nhà sáng lập của Diễn Đàn Giáo Dục Kinh Tế - Luật Việt Nam (VLEC), giảng viên Trường Đại học Quốc tế RMIT đưa ra những lời khuyên để các bạn trẻ chuẩn bị kỹ lưỡng, lựa chọn sáng suốt hơn cho kế hoạch du học của mình.
Hiện nay các bạn trẻ mông lung, khó nghĩ trong việc quyết định nộp hồ sơ du học không chỉ xuất phát từ việc thiếu định hướng mà đôi khi còn bắt nguồn từ việc “thừa định hướng”, đứng trước quá nhiều lựa chọn, quá nhiều tác động từ bạn bè, lời khuyên của các anh chị đi trước, nguồn thông tin khác nhau,… Giữa nhiều luồng thông tin, quan điểm, tác động như vậy, thật khó để đưa ra một quyết định đúng đắn.
Nhiều sinh viên cảm thấy sốt sắng, muốn xách valy lên và đi ngay khi có thể (tốt nghiệp đại học). Với những bạn có nhiều thành tích tốt trong học tập hay hoạt động ngoại khóa cùng với nền tảng tài chính tốt, đây không phải là điều quá khó khăn hay xa vời. Tuy nhiên, chúng ta nên cân nhắc việc cần thêm thời gian để chuẩn bị và hoàn thiện bản thân trước khi xuất ngoại.
Làm mới lại bản thân
Các bạn sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học dù ở nước ngoài hay Việt Nam, trường công hay quốc tế, cũng đã trải qua 12 năm học phổ thông và (ít nhất) 4 năm học Đại học. Sau quãng thời gian “miệt mài đèn sách” đã đến lúc các bạn cho bản thân mình nghỉ ngơi và bắt đầu một trải nghiệm mới - “đi làm” trong một môi trường mới (công sở) thay vì tiếp tục trong môi trường học thuật đã gắn bó quá lâu.
Việc này không chỉ giúp các bạn thoát khỏi sự trì trệ hay vùng an toàn mà còn mang lại cho các bạn sự định hướng rõ ràng hơn trong việc học của mình về sau.
Tích lũy thêm kỹ năng và ngoại ngữ
Tốt nghiệp đại học tại Việt Nam hay đủ điểm tiếng Anh (IELTS hay TOEFL) không có nghĩa chúng ta đã sẵn sàng cho việc học tập tại nước ngoài. Khi các bạn theo học chương trình sau đại học ở các nước nói tiếng Anh phát triển như Anh, Úc, Mỹ, Canada, các môn học đều có độ khó và yêu cầu kiến thức chuyên môn cao.
Tiếng Anh giao tiếp tốt là không đủ, bạn cần có thêm thời gian tích lũy và nâng cao tiếng Anh chuyên ngành trong lĩnh vực bạn đang làm việc và học tập (ví dụ: tài chính, pháp lý, y khoa…) và kỹ năng viết tiếng Anh học thuật (academic writing) để đảm bảo có thể học tốt và theo kịp chương trình sau đại học ở nước ngoài.
Định hướng
Phần lớn các bạn sẽ nộp hồ sơ du học cho chương trình thạc sỹ ở nước ngoài sau khi có bằng cử nhân (trừ một số bạn chuyển ngành có thể học một bằng cử nhân khác). Khác với kiến thức chung và nền tảng ở cấp độ cử nhân, với những bằng cấp sau đại học như Thạc sỹ hay Tiến sỹ, các bạn sẽ học những kiến thức chuyên ngành và kỹ năng chuyên sâu.
Nếu chưa có thời gian và kinh nghiệm đi làm thực tế, các bạn sẽ không thể biết được mình thực sự thích làm gì và cần học thêm kiến thức gì, kỹ năng gì có ích cho sự nghiệp về sau. Đi du học mà không có định hướng cụ thể về nghề nghiệp như vậy sẽ lãng phí cả tiền bạc, thời gian và công sức của bạn.
Làm mạnh hồ sơ với kinh nghiệm thực tiễn
Nguyên tắc tuyển sinh của những chương trình thạc sỹ ở các trường đại học lớn trên thế giới thường sẽ yêu cầu các bạn có một thời gian đi làm công việc chuyên môn liên quan hoặc ưu tiên hồ sơ của những ứng viên đã có kinh nghiệm.
Riêng đối với những học bổng lớn và giá trị như Fulbright, Chevening, AusAid, một trong những tiêu chí đầu tiên của ứng viên là có từ ít nhất hai năm kinh nghiệm đi làm thực tế sau khi tốt nghiệp cử nhân. Vì vậy, nếu bạn có thêm một đến hai năm kinh nghiệm đi làm (thậm chí nhiều hơn) sẽ tạo ra sức nặng trong hồ sơ xin học của mình và các bạn sẽ có nhiều cơ hội giành học bổng giá trị hơn hoặc xin học ở những trường đại học lớn hơn.
Với những điểm mạnh và lợi thế phân tích ở trên của việc dành thêm thời gian sau tốt nghiệp đại học để đi làm và trải nghiệm trước khi nộp hồ sơ du học, các bạn trẻ có thêm thông tin để cân nhắc và tính toán cụ thể về kế hoạch du học của mình, sao cho hợp lý và hiệu quả nhất.
Tiến sỹ - Luật sư Victor Việt Anh Trần, nhà sáng lập của Diễn đàn Giáo dục Kinh tế - Luật Việt Nam (VLEC); giảng viên Trường Đại học Quốc tế RMIT. Ông có nhiều bài viết tâm huyết về giáo dục, định hướng nghề nghiệp, và du học cho hoc sinh - sinh viên Việt Nam.