Có một nhà báo Tản Đà

GD&TĐ - Nhà nho làm báo và làm báo theo cách không giống ai, thi sĩ Tản Đà đã để lại những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam thuở sơ khai.

Tranh biếm của Hoàng Đạo vẽ Tản Đà vừa dạy học vừa uống rượu.
Tranh biếm của Hoàng Đạo vẽ Tản Đà vừa dạy học vừa uống rượu.

Không chỉ lừng lẫy với văn chương, sự nghiệp báo chí của Tản Đà luôn là một chủ đề thu hút các nhà nghiên cứu – ngay từ khi ông qua đời vào năm 1939. Nghiệp làm báo của Tản Đà để lại nhiều giai thoại thú vị, đến độ nhà văn Nguyễn Tuân phải nhận xét: “Tản Đà xứng đáng ngôi chủ suý - trong Hội tài tình, Tản Đà xứng đáng ngôi hội chủ mà làng văn làng báo xứ này, ai dám ngồi chung một chiếu với Tản Đà?”.

Thi sĩ đi làm báo

Nhà thơ, nhà báo Tản Đà sinh năm 1889 quê làng Khê Ngoại, xã Sơn Đà, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây. Nguyên quán của ông ở làng Lủ - tức làng Kim Lũ, nay là phường Đại Kim (Hoàng Mai – Hà Nội).

Chân dung nhà thơ – nhà báo Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Chân dung nhà thơ – nhà báo Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu.

Tản Đà thuộc dòng dõi quyền quý, có truyền thống khoa bảng. Cha ông là Nguyễn Danh Kế - quan Ngự sử, nổi tiếng là người có tài văn án. Tuy nhiên, Tản Đà lại chịu ảnh hưởng từ người anh cùng cha khác mẹ là Phó bảng Nguyễn Tái Tích.

Nguyễn Tái Tích đã đón Tản Đà từ Sơn Tây về Nam Định để nuôi nấng ăn học. Tuy nhiên, chuyện “dùi mài kinh sử” của Tản Đà không suôn sẻ, ba lần đi thi đều trượt. Năm 1913, sau sự cố anh trai Nguyễn Tái Tích qua đời, ông bắt đầu bước vào nghề báo.

Đầu tiên, ông cộng tác với Đông Dương tạp chí của Nguyễn Văn Vĩnh, giữ mục “Một lối văn nôm”. Tại đây, rất nhanh chóng, ông đã có các tác phẩm được dư luận chú ý. Năm 1915, ông xuất bản tập thơ đầu tiên là “Khối tình con” và gây được tiếng vang lớn. Sau thành công này, ông bắt đầu lấy bút danh là Tản Đà.

Những năm sau đó, Tản Đà viết tập thơ: Giấc mộng con (1917) và các vở tuồng: Người cá, Tây Thi, Dương Quý Phi, Thiên Thai.

Năm 1917, khi Phạm Quỳnh sáng lập Nam Phong tạp chí, Tản Đà là một trong những cộng tác viên đầu tiên. Nhưng chỉ một năm sau thì đường ai nấy đi, vì Phạm Quỳnh bên cạnh việc khen hết lời “Khối tình con”, đã chê hết lời “Giấc mộng con” của Tản Đà.

Năm 1921, Tản Đà nhận lời làm chủ bút Hữu Thanh tạp chí của hội Bắc Kỳ công thương ái hữu. Tản Đà là một trong những người hành nghề báo kiên định khi chính ông phải đối chọi với những quy định hà khắc, từ việc xin phép ra báo, kiểm duyệt đến tài chính để báo tồn tại.

Tạp chí Hữu Thanh, số đầu tiên ra ngày 1/8/1921 tại Hà Nội gồm 60 trang xoay quanh chuyện “Phi thương bất phú” sao cho hợp lẽ đời. Thời gian này, Tản Đà gặp gỡ và được các vị tiền bối Phan Bội Châu (ở Huế), Nguyễn Thái Học (ở Hà Nội) góp sức, động viên đưa tờ báo trở thành vũ khí lợi hại, phục vụ quốc kế dân sinh.

Trang bìa tờ An Nam tạp chí.

Trang bìa tờ An Nam tạp chí.

Làm báo kiểu Tản Đà

Làm chủ bút cho báo của người khác chưa làm Tản Đà thỏa chí. Ông quyết có được một tờ báo của riêng mình. Năm 1925, ông làm đơn xin mở An Nam tạp chí. Năm 1926, có giấy phép rồi nhưng không có tiền để ra báo. Cuối cùng thì số đầu tiên của An Nam tạp chí vẫn ra được vào ngày 1/7/1926, tại số 50 - 52 Hàng Lọng - Hà Nội, với sự trợ giúp của Ngô Tất Tố trong vai trò Thư ký tòa soạn.

Do khó khăn tiền nong để ra báo nên chỉ trong 12 tháng, An Nam tạp chí đã 3 lần phải tạm dừng. Tuy nhiên, như Tản Đà từng nói tạm dừng là để lấy sức, quyết không bỏ báo. An Nam tạp chí ra được đến số 10 thì tự đình bản vì thiếu tiền. Sau một thời gian xoay xở và với sự giúp đỡ vô tư của bạn bè, tạp chí tiếp tục trở lại.

Một hôm tại tòa soạn, Ngô Tất Tố được Tản Đà chiêu đãi. Câu chuyện đang rôm rả, Tản Đà ân cần nói: “Lần này tạp chí tái bản, nhờ ông hỗ trợ một tay”. Ngô Tất Tố vui vẻ: “Tôi xin sẵn sàng viết giúp”. Rượu ngà ngà, Tản Đà bốc lên: “Việc ông giúp xin cứ giúp, nhuận bút tôi xin gửi ông đầy đủ”. Ngô Tất Tố cũng chếnh choáng: “Đệ giúp huynh chứ tiền nong cái gì, chỗ anh em mà”.

Tản Đà gật gù: “Ông không lấy tôi cứ trả. Đó là quyền của bản báo”. Ngô Tất Tố đáp: “Ông có trả, tôi cũng không nhận, đó là quyền của tôi”. Cuộc vui trở thành trận tranh cãi không đâu vì nhuận bút nhưng họ vẫn là cộng sự chí tình.

Nhờ vậy, chỉ thời gian ngắn An Nam tạp chí trở thành tuần báo, phát hành tương đối rộng rãi. Sau mỗi lần tạm dừng rồi tiếp tục, ông luôn có cách quảng cáo rất riêng: “Năm xưa Đinh Mão ta ngơi/ Năm nay Canh Ngọ ta thời lại ra/ Ai về nhắn chị em nhà/ Nhắn rằng ta nhắn, rằng ta ra đời”.

Sự ra đời của An Nam tạp chí, tờ báo mà Tản Đà dành hết tâm huyết đã bắt đầu quãng đời lận đận của ông. Thời kỳ đầu, Tản Đà chưa thiếu thốn lắm nên ông thường đi du ngoạn khắp trong Nam ngoài Bắc. Dần dần, do túng quẫn nên những cuộc đi chơi thường là để trốn nợ hoặc là tìm người tài trợ cho báo.

Mộ nhà báo – thi sĩ Tản Đà tại làng Khê Thượng, xã Sơn Đà (Ba Vì – Hà Nội).

Mộ nhà báo – thi sĩ Tản Đà tại làng Khê Thượng, xã Sơn Đà (Ba Vì – Hà Nội).

Long đong nghiệp báo

Khoảng giữa năm 1930, Tản Đà tái bản An Nam tạp chí vì nếu không sẽ bị thu hồi giấy phép. Lần này, ông hợp tác với một người ở Hàng Gai (Hà Nội) vì nợ ông này mấy trăm đồng. Người này muốn An Nam tạp chí tái bản để thu nợ. Tản Đà lo làm báo, còn ông này thì thu tiền trừ nợ.

Mang tiếng là chủ báo, nhưng lúc này Tản Đà là con nợ. Vì sự rối rắm đó nên cũng chỉ phát hành được 3 số rồi đình bản. Nhưng Tản Đà vẫn quyết tâm mở lại An Nam tạp chí, và cộng tác với Nguyễn Xuân Dương - một nhà nho kiêm chủ hiệu thuốc ở Nam Định. An Nam tạp chí chuyển về Nam Định, ra tuần báo bắt đầu từ số 14 (tháng 12/1930) đến số 24 (tháng 5/1931), được 10 số thì đình bản vì lỗ vốn.

Tản Đà lại hợp tác với Ngô Thúc Dịch, và xin phép chuyển tòa soạn về Hà Nội. Để tránh tiếng, các ông không công bố đình bản mà chỉ nói là tạm dừng để chuyển tòa soạn.

Sau một thời gian tạm ngưng, An Nam tạp chí lại ra đời lần thứ 4 tại số 68 Hàng Khoai - Hà Nội. Lúc này do sức khỏe Tản Đà hơi yếu nên mọi việc chủ yếu do Ngô Thúc Dịch quán xuyến. Mặc dù, báo hoạt động có tín hiệu khá hơn, nhưng phát hành không đều.

Là tuần báo nhưng có tháng chỉ được 2 số hoặc 3 số, có lúc lại ra đến 7 số. Từ số 42, mỗi tháng chỉ còn 1 số chính và 1 số phụ. Đến số 48 (bản phụ), ngày 9/7/1932 thì Tản Đà buộc phải thông báo: “Vì tôi còn thiếu tiền in báo lần trước: Số tiền lên đến 600 đồng bạc, đến nay lo món nợ ấy, thành báo quán bị tịch biên”.

Tản Đà vẫn chưa dừng lại, An Nam tạp chí vẫn tiếp tục xuất bản lần thứ 5 tại số 145 phố Hàng Bông (Hà Nội) nhưng lại in ở Vinh (Nghệ An). Lúc này, báo in khổ nhỏ chỉ bằng nửa lần trước, đánh số lại từ đầu, số 1 ra ngày 1/9/1932.

Nhưng mọi nỗ lực của Tản Đà cũng chỉ kéo dài An Nam tạp chí được thêm 6 tháng. Ngày 1/3/1933 tờ báo lại đình bản và chính thức khép lại hành trình hơn 6 năm vật vã và khốn khổ.

Cuộc sống của Tản Đà vốn nghèo túng lại càng trở nên thiếu thốn hơn, phải chạy ngược xuôi kiếm sống. Có khi người ta thấy ông ở khu Bạch Mai dạy chữ nho. Có lúc ở Hà Đông, đăng quảng cáo lên mấy tờ báo: “Nhận làm thuê các thứ văn vui, buồn, thường dùng trong xã hội”. Năm 1938, ông còn mở cả một phòng đoán số Hà Lạc để xem bói.

An Nam tạp chí ra được 48 số, tuy hoạt động thất thường nhưng thể hiện cách kín đáo lòng yêu nước của Tản Đà. Ông để lại những dấu ấn đặc biệt trong lịch sử báo chí Việt Nam thuở sơ khai, cũng như các giá trị mà thế hệ sau phải công nhận. Chỉ tính từ năm 1916 - 1939, Tản Đà để lại cho đời hàng nghìn bài báo, trên 30 cuốn thơ, văn cùng những trang dịch thuật.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

HLV Zidane có cơ tái hợp CLB Real Madrid.

HLV Zidane có bến đỗ lý tưởng

GD&TĐ - Chủ tịch Florentino Perez và HLV Zidane đang thảo luận bàn về việc tái ngộ của cả 2 tại Santiago Bernabeu vào mùa hè 2024.
Khi vùng đệm được thiết lập, việc tấn công lãnh thổ Nga nằm ngoài khả năng của M777 Ukraine.

Căng thẳng tạo vùng đệm?

GD&TĐ - Tại cuộc họp báo về kết quả cuộc bầu cử năm 2024, ông Putin tuyên bố Nga phải tạo ra một "vùng đệm" tại các vùng lãnh thổ hiện do Kiev kiểm soát.