Có một 'Nguyễn Ngọc Ký' ở miền Tây

GD&TĐ - Em Nguyễn Minh Trung (Cần Thơ) đã vượt qua khiếm khuyết bản thân, nỗ lực viết chữ bằng chân để theo đuổi sự học.

Nguyễn Minh Trung, học sinh lớp 10C11 trong lớp học.
Nguyễn Minh Trung, học sinh lớp 10C11 trong lớp học.

Em Nguyễn Minh Trung là học sinh lớp 10C11, Trường THPT Trung An, huyện Cờ Đỏ (TP Cần Thơ).

Luyện chữ bằng chân

Từ khi mới sinh ra Nguyễn Minh Trung chẳng may đã bị liệt cả 2 tay, cha em đã bỏ đi từ đấy cho đến nay. Mẹ em hiện đang đi làm công nhân xí nghiệp tại tỉnh Đồng Nai. Trung ở nhà của ông bà ngoại và được ông bà chăm sóc. Hoàn cảnh gia đình của ông bà ngoại cũng khó khăn, còn phải nuôi và chăm sóc một người con năm nay 38 tuổi bị sốt bại não nằm một chỗ.

Ông Trần Công Quyến, ông ngoại của Nguyễn Minh Trung cho biết, gia đình đã chạy chữa cho Trung nhưng chỉ giữ được đôi chân của cháu. Chân cũng không được khỏe, bản thân Trung đã phải trải qua nhiều lần phẫu thuật chuyển cơ, vật lý trị liệu. “Bác sĩ đã hướng dẫn, tập cháu đứng từ từ. Nhiều khi không có mình, cháu tự đi, bị té hoài. Mỗi khi đến trường, tôi đều bế cháu đến tận lớp học. Mãi đến khi học hết lớp 4, lớp 5, Trung mới tự đi vững được”, ông Quyến kể lại.

Mặc dù bản thân bị liệt cả 2 tay nhưng Trung không mặc cảm khiếm khuyết mà luôn nỗ lực tập luyện viết bằng chân. Trải qua nhiều gian nan, vất vả, hiện em có thể tự làm được một số việc trong sinh hoạt hằng ngày, nhưng có một số việc em phải nhờ sự trợ giúp của ông, bà như tắm, thay đồ, ăn, đi học…

Nguyễn Minh Trung tâm sự: “Lần đầu cầm viết rất khó, viết được vài chữ thì rớt viết, run và đau chân lắm! Việc lật sách, tập cũng rất khó. Nhờ chịu khó, chịu đau, sau 3 tháng tập luyện, em cũng tập tành viết được những chữ cái đầu tiên. Mặc dù viết vẫn rất chậm so với các bạn viết bằng tay nhưng em vẫn quyết tâm để đến trường cùng với bạn bè”.

Một cô giáo ở gần nhà Trung đã hỗ trợ thêm và vận động gia đình cho em đến trường. Lúc đầu ông bà cũng băn khoăn lo lắng, sợ em mặc cảm, nên chỉ mua vài quyển tập, bút viết cho em đi học thử. Thế nhưng, khi thấy Trung học được, đam mê đến trường, ông bà đã cố gắng chăm lo cho cháu mình học đến nơi, đến chốn.

Nguyễn Minh Trung tập luyện viết chữ bằng đôi chân.

Nguyễn Minh Trung tập luyện viết chữ bằng đôi chân.

Tấm gương về nghị lực

Ý thức học tập của Trung rất tốt. Thầy Lê Thái Toàn, giáo viên chủ nhiệm của em cho biết từ khi tiếp nhận lớp và nắm được hoàn cảnh của Trung, thầy quan tâm và thường xuyên để ý đến em.

“Dù bản thân bị khiếm khuyết và hoàn cảnh gia đình gặp khó khăn nhưng Trung vẫn sống tích cực, lạc quan. Em rất chăm học và chịu khó, ý thức trong học tập của em rất cao. Em rất lễ phép, hiểu chuyện và hòa đồng với bạn bè. Trung xứng đáng là một tấm gương điển hình về nghị lực và ý chí vượt khó, vươn lên trong cuộc sống, trong học tập”, thầy Toàn chia sẻ.

Bùi Quốc Thịnh, học sinh 10C11, cùng lớp với Trung cho hay Trung viết bằng chân nhưng viết bài cũng nhanh và theo kịp các bạn. Em học được tinh thần vượt khó, sự quyết tâm vượt qua nghịch cảnh của bạn, để có động lực phấn đấu hơn trong học tập.

Từ khi Trung bắt đầu đi học đến nay, ông ngoại là tài xế riêng đưa đón em đến trường. Trong lớp, nhà trường trang bị cho Trung 1 bộ bàn ghế riêng để em có thể tự ngồi viết bài. Chữ viết của em rất gọn gàng và dễ đọc.

“Từ năm lớp 1 đến nay mưa gió gì tôi cũng phải đưa đón cháu. Nhận cuốc xe ôm nào tôi cũng phải tính toán thời gian để tranh thủ kịp giờ đến đón. Tôi quyết tâm lo cho cháu được ngày nào hay ngày đó. Cháu sống mà lo được tương lai, lo cho cuộc sống của bản thân thì mình ra đi cũng thanh thản”, ông Quyến tâm sự.

Trung luôn cố gắng học tập để sau này có được công việc phù hợp tự lo cho bản thân.

Trung luôn cố gắng học tập để sau này có được công việc phù hợp tự lo cho bản thân.

Thầy cô đùm bọc

Theo ông Quyết thì thấu hiểu hoàn cảnh và nghị lực của cháu mình, các thầy cô đều chăm lo hỗ trợ cháu hơn người nhà. Mùa dịch Covid vừa rồi, từ sách vở thiết bị hỗ trợ học tập trực tuyến Trung đều được thầy cô đem đến tận nhà cho cháu.

Thầy Lê Trung Nghĩa, giáo viên của Trường THCS Trung Thạnh, huyện Cờ Đỏ cho biết năm ngoái thầy tiếp nhận danh sách lớp 9 khi trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 phòng chống Covid-19. Biết được hoàn cảnh của Trung dùng 2 chân để sử dụng điện thoại học trực tuyến, nhiều khi bệnh không học được, nên thầy cũng thường xuyên mang bài đến tận nhà để giúp em vượt qua năm lớp 9 với học lực trung bình và hạnh kiểm tốt. Thấy em có nguyện vọng tiếp tục học lớp 10, thầy cũng vận động gia đình ủng hộ và hỗ trợ em tiếp tục con đường học tập.

Còn thầy Võ Thanh Phong, Trường THPT Trung An cho biết đầu năm học khi nhận bàn giao từ trường THCS, nhà trường phát hiện Trung viết bằng chân và đây cũng là trường hợp đầu tiên của nhà trường. “Trường phân công thành viên tổ tư vấn học đường là tôi trực tiếp hỗ trợ em. Gia đình em hoàn cảnh khó khăn, ông ngoại chạy xe ôm, còn bà ngoại chăm sóc người con 38 tuổi bị bại não. Nhà trường đã có những đề xuất hỗ trợ học bổng để tiếp thêm điều kiện cho em đến trường, chủ động liên hệ với trường THCS sắp xếp chỗ ngồi, tạo điều kiện cho em học tập trên lớp, đồng thời miễn một số môn học cho em như giáo dục thể chất”, thầy Phong chia sẻ.

Con đường học tập phía trước của chàng trai viết bằng chân vẫn còn nhiều thử thách và em vẫn chưa dám ước mơ nhiều. “Khiếm khuyết bản thân là không thể thay đổi, nên dự định tốt nghiệp 12, em sẽ tìm kiếm công việc phù hợp để có thể tự kiếm sống và chăm lo cho bản thân, gia đình mình”, Trung chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.