Mo Mường là hoạt động diễn xướng văn hóa dân gian được thực hành trong các nghi lễ gắn với đời sống tín ngưỡng của người Mường. Trong đó, “Mo tang lễ’ được xem là sử thi hoàn thiện và toàn bích nhất của di sản xứ Mường.
Kho tàng sử thi đồ sộ
Tại hội thảo “Mo trong đời sống người Mường xưa và nay” - do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và tỉnh Hòa Bình tổ chức mới đây, các nhà nghiên cứu bảo tồn văn hoá dân gian xứ Mường nhận định: Cần nhận diện cụ thể nghi thức lễ xướng để bảo tồn di sản Mo Mường.
Theo các chuyên gia, chủ thể thực hành Mo Mường là ông Mo, thầy Mo (hoặc ông Tlượng) - những người nắm giữ tri thức Mo. Họ không chỉ thuộc lòng hàng vạn câu mo mà còn thông thạo nghi lễ, tập quán. Trong xã hội Mường, ông Mo là những trí thức dân gian, là người có uy tín trong cộng đồng.
Người Mường sử dụng Mo để thực hành khoảng 23 nghi lễ. Trong đó, đặc biệt và thể hiện đầy đủ tập trung giá trị cốt lõi của Mo Mường là “Mo tang lễ” với hàng chục nghìn câu thơ, văn vần được diễn xướng 12 ngày đêm trong tổ chức tang lễ cổ truyền của người Mường.
Các câu thơ, văn vần này được chia thành các cát Mo, có nơi gọi là roóng Mo (trong văn học gọi là các chương, hồi). Mỗi roóng Mo có chủ đề, mục đích sử dụng riêng cho từng đề mục nghi lễ trong một chuỗi các nghi thức được tiến hành trong tang lễ.
Chứa đựng các giá trị sử thi dân gian, phong tục tập quán, tri thức với ý nghĩa giáo dục sâu sắc. “Mo tang lễ” được xem là sử thi hoàn thiện và toàn bích nhất của di sản xứ Mường.
Hiện có nhiều bản Mo được sưu tầm, song có 3 bản Mo chính đã được xuất bản có dung lượng và quy mô lớn. Theo nhà sưu tầm văn hóa dân gian Bùi Thiện, thì tiến hành đầy đủ Mo phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng Mo và hơn 44 nghìn câu thơ Mo.
Trong công trình Mo Mường dài 3 tập của nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Văn Nợi có hơn 22 nghìn câu Mo. Bản Mo Mường Hòa Bình do UBND tỉnh Hòa Bình xuất bản năm 2010 có dung lượng hơn 22.500 câu.
Mo Mường là một di sản văn hóa đặc sắc, phản ánh nhân sinh quan, vũ trụ quan độc đáo của dân tộc Mường. Đồng thời phản ánh đậm nét đặc trưng văn hóa từ cổ sơ của dân tộc Mường, hàm chứa nhiều ý nghĩa giáo dục đối với cộng đồng.
Tất cả những lý giải về lịch sử loài người, bài học về đời sống cộng đồng, những tri thức văn hóa dân gian... đọng lại qua ký ức thời gian, thêu dệt bằng màu sắc huyền thoại, dưới nhiều góc độ đều được phản ánh trong Mo Mường.
Mỗi nghi thức Mo ghi đậm dấu ấn văn hoá và tập quán của người Mường. |
Phục hưng “Mo tang lễ”
Thực hành và gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của Mo Mường đang đứng trước nguy cơ mai một. Vì thế năm 2020, Mo Mường đã được Thủ tướng chỉ đạo chọn lựa là di sản văn hóa phi vật thể - cần xây dựng Hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp.
Nghệ nhân Ưu tú Bùi Huy Vọng cho rằng, chẳng ai rõ nghề Mo Mường và nghề Mo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nghề này đã có từ xa xưa. Mo Mường gắn với nhiều nghi lễ và tín ngưỡng, chuyển tải tinh thần đoàn kết của gia đình, dòng họ, cộng đồng và dân tộc; góp phần bảo vệ, sàng lọc văn hóa Mường trong tất cả các giai đoạn lịch sử.
Ngoài ra, Mo Mường còn chứa đựng những giá trị vật thể quý giá, một số di sản vật thể liên quan Mo Mường như vật tế khí (túi “khót” của ông Mo Mường) gồm các cổ vật như: Rìu đá, rìu đồng, mảnh trống đồng, nham thạch, xương và nanh mãnh thú… được sưu tập lưu truyền từ nhiều đời. Các vật tế lễ có nhiều giá trị về văn hóa vật chất và tinh thần của văn hóa cổ truyền dân tộc Mường.
Hiện nay, di sản văn hóa Mo Mường đang đứng trước nhiều thách thức, nhất là về mặt văn hóa. Thêm vào đó, sự phát triển về kinh tế ngày càng tiệm cận miền xuôi, khiến các giá trị văn hóa truyền thống của người Mường tự biến đổi để phù hợp với điều kiện mới.
Mặt khác, việc bảo tồn lưu truyền Mo Mường từ xưa được xác định thông qua truyền khẩu. Các nghệ nhân (ông Mo, thầy Mo, ông Tlượng) hiểu biết, nắm giữ tri thức Mo, có bề dày kinh nghiệm và trình độ diễn xướng Mo ngày càng cao tuổi, số lượng ngày càng ít đi, trong khi thế hệ trẻ được truyền thừa có hạn.
“Sự thiếu vắng một số lễ thức như Mo kể chuyện và các điệu múa kiếm, múa quạt ma, múa cờ trong quá trình diễn xướng Mo không chỉ làm mai một dần những triết lý sâu sắc về vũ trụ và nhân sinh mà còn làm nghèo đi vốn văn học và vũ đạo dân gian Mường”, nghệ nhân Bùi Huy Vọng cho hay.
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan - nguyên Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc cho biết, Mo Mường là một trong 3 hình thức sinh hoạt tín ngưỡng quan trọng trong đời sống người Mường. Nội dung nghi lễ tang ma cung cấp cho chúng ta đầy đủ nhất quan niệm của người Mường về mối quan hệ của con người với thế giới “mường Trời, mường Đất và mường Nước”.
Bà Bùi Thị Niềm - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Hòa Bình nhấn mạnh, hiện nay người Mường vẫn tổ chức Mo cho người đã khuất. Tuy nhiên, số lượng các roóng Mo được cắt giảm tối thiểu.
“Với tầm quan trọng, chúng ta phải tìm cách phục hưng “Mo tang lễ”, làm cho nghi thức diễn xướng này duy trì trong đời sống người Mường. Giữ được “Mo tang lễ” mới giữ được nghệ thuật ca xướng trong Mo Mường. Có làm được vậy, chúng ta mới có cơ sở chứng minh giá trị văn học, tập quán xã hội và nghệ thuật diễn xướng của người Mường để xây dựng hồ sơ Mo Mường trình UNESCO”, Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan cho hay.